Hội nghị nhằm tạo mạng lưới kết nối chặt chẽ giữa trường sư phạm và các cơ sở giáo dục phổ thông, từ đó cung cấp cơ hội, nâng cao chất lượng thực hành, thực tập và trải nghiệm thực tế cho sinh viên sư phạm.
Qua đó hội nghị cũng góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của các nhà trường và công tác dạy học.
Theo GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, khâu kiểm chứng cuối cùng của công tác đào tạo là tại các trường học và việc này chỉ được kiểm chứng qua thực tiễn.
“Thiếu khâu này, chúng ta chỉ ngồi để khen nhau mà thôi... Nếu hỏi tôi rằng sinh viên trường tôi có được đào tạo tốt hay không, bao giờ tôi cũng nói tốt. Nhưng đó là tự nói về mình, còn thực tiễn và “va đập” trước thực tế, mới có những hồi đáp để điều chỉnh. Đây là việc có ý nghĩa rất lớn với công tác đào tạo của nhà trường”.
Ông Minh cho rằng sự đồng hành, hỗ trợ của các trường học góp phần quan trọng trong việc đào tạo sinh viên sư phạm - những giáo viên trong tương lai.
Ông Đoàn Minh Châu, Phó chủ nhiệm CLB Hiệu trưởng các trường THPT công lập Hà Nội, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Hà Nội) cho hay, hàng năm, nhà trường thường tiếp nhận hàng trăm sinh viên của các trường về thực tập như Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Giáo dục-ĐHQGHN, Trường ĐH Thủ đô...
Cũng qua đó, ông Châu nhận thấy một số vấn đề còn tồn tại trong thực tập sư phạm mà thực tế nhiều năm qua gặp phải.
Theo ông Châu, vẫn còn một số sinh viên kiến thức hạn chế. “Ngược lại, trong chương trình đào tạo của đại học sư phạm, có những vấn đề sinh viên được học cao quá, nhưng khi quay trở lại dạy phổ thông, học sinh lại không theo kịp”, ông Châu nói.
Cũng theo ông Châu, thậm chí, một số sinh viên chưa biết soạn giáo án (lập kế hoạch bài dạy). Một số sinh viên chưa chủ động tiếp cận học sinh để nắm bắt tình hình lớp.
Đa số sinh viên còn lúng túng trong xử lý các tình huống sư phạm, đặc biệt là trong công tác giáo dục học sinh, phối hợp với phụ huynh và các tổ chức trong trường để xử lý các trường hợp cá biệt...
Tuy nhiên, ông Châu cũng cho rằng, vấn đề cũng đến cả từ giáo viên hướng dẫn. Ông Châu lấy dẫn chứng ngay tại trường mình, không phải giáo viên nào hướng dẫn cũng nhiệt tình, suôn sẻ. Theo ông Châu, đây là vấn đề thực tế đối với công tác thực tập sư phạm không chỉ Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai mà các trường THPT nói chung.
“Một số giáo viên giao phó hoàn toàn cho sinh viên công tác chủ nhiệm, giảng dạy. Tức là khi có sinh viên thực tập là giao phó cho tất cả, như giáo viên chính thức. Giáo viên hướng dẫn rất hời hợt, cho sinh viên dạy để được nghỉ ngơi. Một số giáo viên lợi dụng việc có sinh viên thực tập để tranh thủ không dạy.
Một số giáo viên chưa thực hiện đúng quy trình hướng dẫn thực tập, thậm chí có giáo viên không cho sinh viên dự giờ, rút kinh nghiệm. Giáo viên chưa hướng dẫn sinh viên soạn giáo án (lập kế hoạch bài dạy) hay chưa duyệt giáo án đã cho sinh viên lên lớp”, ông Châu nói.
Ông Châu cũng đề nghị các nhà trường có sinh viên đến thực tập không chỉ phân công giáo viên hướng dẫn mà cũng cần yêu cầu giáo viên phải hướng dẫn cho sinh viên nhận thức được tầm quan trọng và yêu cầu của quá trình thực tập, về quy trình tìm hiểu thực tế đối với những nội dung lý thuyết đã học và những nội dung khác có liên quan. Cùng đó, cần kiểm soát quá trình thực tập của sinh viên, thường xuyên gặp và trao đổi, giải đáp thắc mắc trong quá trình thực tập và hướng dẫn các em theo đúng quy trình.
Ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) cho rằng, sinh viên sư phạm không chỉ cần học kiến thức trong trường đại học, cần được dạy nhiều hơn về kỹ năng sống và giá trị sống.
Do đó, ông Hòa mong trường sư phạm không chỉ dạy kiến thức, cần tăng cường dạy giá trị sống cho sinh viên. “Dạy học là truyền cảm hứng. Các phương pháp dạy học là cần thiết, nhưng nếu cứ cứng nhắc trong phương pháp dạy học sẽ không truyền được cảm hứng cho học sinh. Nếu chỉ chăm chăm lo vào dạy, thực hiện giáo án sẽ thất bại”, ông Hòa nói.
Ông Hòa cũng mong muốn trường sư phạm quan tâm đến thực chất của việc thực tập sư phạm của sinh viên. “Chỉ có mấy tuần thôi, nhưng có khi lại là quãng thời gian rèn nghề hiệu quả nhất, tập trung nhất và giúp sinh viên trưởng thành từ đây”.
Cũng chính vì những điều này, PGS.TS Nguyễn Văn Biên, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển nghiệp vụ sư phạm (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội), cho hay nhà trường muốn triển khai mạng lưới đối tác phát triển nghề nghiệp cho sinh viên sư phạm với mục đích tạo sự kết nối chặt chẽ giữa trường và các cơ sở giáo dục.
Qua đó, mạng lưới cung cấp cơ hội thực hành, thực tập và trải nghiệm thực tế cho sinh viên sư phạm thường xuyên, liên tục và đa dạng, nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên sư phạm và duy trì quá trình phát triển nghề nghiệp cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Ngoài ra, mạng lưới này cũng hình thành đội ngũ giáo viên tham gia đào tạo nghề cho sinh viên sư phạm; nâng cao hiệu quả phát triển nghề nghiệp không chỉ cho sinh viên sư phạm mà còn cho chính giáo viên tại ở các cơ sở giáo dục.