Tiểu Phi sinh năm 1999, tốt nghiệp Đại học Trịnh Châu vào tháng 6/2021. Sau hơn 1 năm rưỡi tốt nghiệp, nam sinh này vẫn chưa tìm được việc làm phù hợp.
Nam sinh cho biết: “Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi mong muốn ở lại thành phố để lập nghiệp và tìm việc làm phù hợp với bản thân”.
“Không phải là tôi không tìm được việc làm, mà là tôi không tìm được công việc lý tưởng”, Tiểu Phi bộc bạch. Với anh, công việc lý tưởng ở đây là làm trong một công ty được đóng bảo hiểm xã hội và có mức lương ổn định đủ để chi trả cho cuộc sống.
Sau khi tìm được một công ty phù hợp với lý tưởng, Tiểu Phi nhận ra hầu hết những người làm ở đây đều có bằng thạc sĩ. Hoặc không họ sẽ tốt nghiệp ở các đại học top đầu của Trung Quốc.
Xét về năng lực, Tiểu Phi tự thấy bản thân không phù hợp với công ty trên. Nếu tiếp tục đi học thạc sĩ thì Tiểu Phi không biết lấy tiền ở đâu. Trong suốt 4 năm đại học, bố mẹ Tiểu Phi đã rất vất vả thì mới đủ tiền cho anh ăn học, vì họ chỉ là nông dân bình thường.
Số tiền 70.000-80.000 NDT (hơn 240-270 triệu đồng) với người nông dân không dễ dàng có được. Nhận thấy gia đình không còn khả năng chi trả học phí, nên Tiểu Phi quyết định không học thạc sĩ.
Trong một lần tìm việc gần đây, Tiểu Phi lại tiếp tục rơi vào tuyệt vọng vì công ty này không cho đóng bảo hiểm xã hội và mức lương lại khá thấp.
Nhiều lần không tìm được việc làm phù hợp, Tiểu Phi đã nản lòng và quá mệt mỏi. Trong cơn tức giận, Tiểu Phi đã xé nát tấm bằng đại học, vì không thể tìm được việc làm phù hợp. Anh vừa khóc vừa nói trong cơn phẫn nộ: “Tôi không hiểu thi đại học có tác dụng gì? Và học xong đại học thì sẽ ra làm gì?”.
Câu chuyện của Tiểu Phi - một chàng sinh viên tốt nghiệp đại học nhưng không tìm được việc làm phù hợp đã xé nát bằng đang thu hút sự quan tâm của nhiều người.
Có người cho rằng: “Tiểu Phi còn quá trẻ, nên sẽ có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm, hành động xé bằng vì không tìm được việc làm phù hợp là nông cạn, suy nghĩ thiển cận”.
Trước đó, một sinh viên của Đại học Hồ Nam cũng có hành động tương tự. Sinh viên này họ Vương, trong kỳ thi đại học năm đó, anh đạt được điểm cao, đủ đỗ vào Đại học Bắc Kinh.
Thế nhưng, khi đăng ký nguyện vọng nam sinh này đã viết nhầm, nên phải học ở Đại học Hồ Nam. Điều này, đã khiến cho anh Vương tuyệt vọng. Sau khi tốt nghiệp đại học, anh Vương lên Bắc Kinh tìm việc, thế nhưng do tiêu chuẩn đặt ra quá cao, nên anh cũng không thể tìm được việc như ý.
Cuối cùng, anh Vương cũng lựa chọn cách xé bằng đại học. Anh cho biết: “Tôi là lường trước được hậu quả của việc xé bằng, bước đường cùng là tôi sẽ phải đến công trường để làm thuê”.
Sau 2 sự việc trên, một thầy giáo cho biết:
Thứ nhất, do dịch bệnh kéo dài 3 năm, nên sau khi sinh viên tốt nghiệp đại học sẽ rất khó tìm được việc làm. Đây là giai đoạn đặc biệt, sinh viên cần phải chuẩn bị tâm lý sẵn sàng để không bị sốc.
Thứ hai, nếu chưa tìm được công việc phù hợp thì bằng cấp không phải thứ sinh viên có thể trút giận và xé nát. Vì đây cũng là kết quả của 4 năm học, việc xé bỏ bằng tốt nghiệp chẳng khác nào sinh viên đang giẫm đạp trên chính tương lai của bản thân.
Thứ ba, ông hy vọng các sinh viên tốt nghiệp đại học nên đối mặt với thực tế và hạ thấp yêu cầu của bản thân. Sinh viên không nên “cưỡi ngựa xem hoa”, mà cần phải có trải nghiệm thực tế và nhìn vào vấn đề trước mắt để giải quyết. Sau khi có đủ kinh nghiệm, sinh viên mới nên tìm một công việc bản thân yêu thích.
An Dương
(Theo 163)