Tại cuộc họp báo chiều ngày 6/10, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc "Hiện một số DN đề nghị tạm dừng cung cấp xăng dầu do khâu nhập khẩu hoặc bị dừng phân phối, Sở Công Thương TP.HCM nắm đc bao nhiêu DN đang trong tình trạng này hay không ?”, bà Nguyễn Thị Kim Ngọc – Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết, ngày 9/9/2022, Sở này nhận được văn bản thông báo của Công ty TNHH Petro-Ramco về việc DN đã ngừng hoạt động kinh doanh xăng dầu, các cửa hàng bán lẻ và đại lý kinh doanh xăng dầu chuyển chủ sở hữu, hiện đang hoạt động bình thường.
Ngoài ra, tính đến ngày 6/10/2022, trên địa bàn TP.HCM có 550 cửa hàng bán lẻ xăng dầu; 5 DN đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu; 60 thương nhân phân phối; 1 Thương nhân làm Tổng đại lý; 29 đại lý bán lẻ.
Hiện, trên địa bàn TP có 3/550 cửa hàng xăng dầu đang tạm ngưng kinh doanh để sửa chữa cửa hàng. Đó là các cửa hàng thuộc Công ty TNHH Thương mại Trương Đăng Khoa (TP.Thủ Đức); Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Cần Giờ (quận Bình Tân); Công ty CP Công nghệ An toàn dầu khí Việt Nam (quận Gò Vấp).
Theo bà Ngọc, trong thời gian qua có tình trạng một số cửa hàng kinh doanh xăng dầu tạm hết mặt hàng xăng hoặc dầu (vẫn mở cửa bán bình thường) do có một vài thời điểm bị thiếu hàng cục bộ, nhưng sau đó xăng dầu vẫn nhập về đầy đủ chứ không thiếu hàng nhiều ngày.
"Nhìn chung, tình hình nguồn cung xăng dầu trên địa bàn TP.HCM tương đối ổn, đảm bảo nguồn cung ứng cho người dân", bà Ngọc nói.
Mặt khác, Sở Công Thương đã tham mưu cho UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Công Thương một số vấn đề về điều hành giá xăng dầu. Cụ thể, có giải pháp điều chỉnh công tác điều hành giá theo hướng kịp thời, linh hoạt, theo đúng chu kỳ, kể cả ngày thứ Bảy và Chủ nhật và ngày lễ, Tết để hạn chế tác động đến cung cầu trên thị trường. Tránh trường hợp kỳ điều hành rơi vào ngày nghỉ nên bị dời lại sau đó, gây trễ nhịp so với biến động giá.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cần ghi nhận các khoản chi phí, phụ phí xăng dầu trong nước (từ nhà máy lọc dầu về tới kho của DN đầu mối) vào cơ cấu giá bán lẻ, nhằm phản ánh đúng chi phí thực tế và đảm bảo tính đúng, tính đủ giá cơ sở hiện hành. Nghiên cứu tỷ lệ và cho phép DN được điều chỉnh linh động, đột xuất khi giá biến động vượt ngưỡng để đảm bảo sức chịu đựng của DN; qua đó, hỗ trợ DN đủ bù đắp chi phí kinh doanh và đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên.
Cũng tại cuộc họp báo, đại diện Sở Công Thương TP.HCM cho biết, sự việc Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Cần Giờ (Cagico) với khoảng 50 cửa hàng và đại lý xăng dầu thông báo không còn nguồn hàng để đáp ứng duy trì hệ thống bán lẻ đã được giải quyết. Hiện các DN đầu mối đã có động thái chia sẻ xăng dầu cho DN nên tình hình nguồn cung ra thị trường đã được đảm bảo.