Chiều 12/7, Sở Y tế TPHCM đã thông tin về 2 trường hợp sốc phản vệ sau tiêm vắc xin tại 2 cơ sở tiêm chủng thuộc Công ty Cổ phần dược phẩm FPT Long Châu.
Theo đó, trong hai ngày 3 và 4/7, Sở Y tế nhận được báo cáo về trường hợp phản vệ độ 3 và một trường hợp phản vệ độ 2 sau tiêm vắc xin.
Hai trường hợp này tiêm tại 2 cơ sở tiêm chủng khác nhau trong hệ thống Long Châu. Tình trạng phản vệ xảy ra trong thời gian 30 phút theo dõi sau tiêm chủng, được cơ sở xử lý tại chỗ, sau đó chuyển đến bệnh viện gần nhất để tiếp tục theo dõi. Hiện nay cả 2 người bệnh đã ổn định và xuất viện.
Cơ sở tiêm chủng đã thực hiện báo cáo trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng về Sở Y tế đúng theo quy định.
Trước đó, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) đã có công văn gửi Bệnh viện quận 11, Bệnh viện đa khoa Xuyên Á đề nghị cung cấp thông tin liên quan đến các trường hợp gặp sự cố bất lợi sau tiêm chủng.
Trường hợp thứ nhất là nữ bệnh nhân L.T.Q.N (18 tuổi, ngụ quận 11) đến Trung tâm tiêm chủng Long Châu (quận Tân Bình) để tiêm vắc xin Twinrix (phòng viêm gan A, viêm gan B) và vắc xin Bexsero (phòng não mô cầu nhóm B) vào ngày 2/7. Hai mũi tiêm cách nhau khoảng 1 phút. Sau khi tiêm mũi 2 khoảng 30 giây, bệnh nhân chóng mặt, mệt, ngất, được xử lý cấp cứu và chuyển đến Bệnh viện quận 11 để theo dõi phản vệ độ 3.
Trường hợp thứ hai là nữ bệnh nhân D.C.T (17 tuổi, ở Long An) đến Trung tâm tiêm chủng Long Châu (huyện Củ Chi) để tiêm vắc xin Twinrix (ngừa viêm gan) vào ngày 3/7. Sau khi tiêm, bệnh nhân cũng xảy ra tình trạng phản vệ, được xử lý cấp cứu và chuyển đến Bệnh viện đa khoa Xuyên Á theo dõi.
Theo Sở Y tế TPHCM, trên địa bàn thành phố hiện có 20 cơ sở tiêm chủng thuộc Công ty Cổ phần dược phẩm FPT Long Châu ở 11 quận huyện, TP Thủ Đức.
Thời gian qua, các phòng y tế đã phối hợp Trung tâm y tế quận, huyện, TP Thủ Đức thực hiện thanh tra, kiểm tra hoạt động tiêm chủng trên địa bàn. Qua báo cáo, các cơ sở tiêm chủng của Công ty Cổ phần dược phẩm FPT Long Châu vẫn duy trì được các điều kiện thực hiện tiêm chủng, một số cơ sở còn tồn tại cần khắc phục.
Các tồn tại chủ yếu do cơ sở chưa đảm bảo quy trình 1 chiều, chưa trang bị máy phát điện dự phòng, thiết bị phòng cháy chữa cháy, chưa trang bị hệ thống cảnh báo bằng chuông và đèn khi có sự cố về nhiệt độ bảo quản vắc xin, vắc xin lưu trữ trong tủ lạnh không đảm bảo khoảng cách… Sau khi lập biên bản, cơ sở đã cam kết khắc phục các tồn tại này.