Chủ trương chính xác
Bộ GD-ĐT vừa có công văn hướng dẫn việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2024-2025. Trong đó lưu ý một số vấn đề cụ thể đối với việc kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn.
Theo công văn, các trường THCS và THPT cần tránh sử dụng những văn bản, đoạn trích đã được học trong sách giáo khoa để làm ngữ liệu kiểm tra, đánh giá năng lực đọc hiểu và viết trong các đề kiểm tra định kỳ.
Ngoài ra, việc đánh giá cần phải thực hiện theo đúng quy định, không vượt quá yêu cầu cần đạt của chương trình, tăng cường việc kiểm tra, đánh giá định kỳ thông qua bài thực hành, dự án học tập...
Bên cạnh đó, các trường cũng cần tăng cường xây dựng ngân hàng câu hỏi, ma trận đề kiểm tra theo yêu cầu cần đạt của chương trình môn học; chuẩn bị cho học sinh lớp 9 làm quen với định hướng đề thi tuyển sinh vào lớp 10, học sinh lớp 12 làm quen với định hướng đề thi tốt nghiệp THPT.
Việc sử dụng ngữ liệu để ra đề kiểm tra, đề thi môn Ngữ văn từ trước đến nay luôn nhận được sự chú ý của dư luận. Vừa qua, một số trường học khi sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa chưa phù hợp, có yếu tố nhạy cảm đã gây xôn xao dư luận.
Thầy Nguyễn Phước Bảo Khôi, giảng viên Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm TPHCM, cho hay yêu cầu các cơ sở giáo dục không được sử dụng những văn bản, đoạn trích đã được học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu kiểm tra định kỳ môn Ngữ văn thực ra là bước chi tiết hóa cho nội dung 2a và 2b trong Công văn 3175 của Bộ GD-ĐT ngày 21/7/2022 về việc pháp lý hóa yêu cầu về nguồn ngữ liệu dùng trong kiểm tra đánh giá.
Cụ thể, xác định học sinh cần vận dụng kiến thức đã học và kĩ năng đọc, viết, nói, nghe vào bối cảnh và ngữ liệu mới. Hơn thế, trong đánh giá phải tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết để đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn.
Theo thầy Khôi, yêu cầu không được sử dụng những văn bản, đoạn trích đã được học trong sách giáo khoa để làm ngữ liệu kiểm tra đánh giá là một quan điểm nhất quán với việc triển khai chương trình Ngữ văn 2018 theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực.
Đây là một chủ trương chính xác được nhắc lại nhiều lần, càng khẳng định quyết tâm của Bộ GD-ĐT trong việc đổi mới kiểm tra đánh giá, đặc biệt là đối với môn Ngữ văn, một môn học được dư luận quan tâm sâu sát.
Tuy nhiên, thầy Khôi lưu ý, trong kiểm tra đánh giá môn Ngữ văn cần xây dựng bộ tiêu chí lựa chọn ngữ liệu. Bởi dẫu chương trình Ngữ văn 2018 có nêu một số tiêu chí nhưng các tiêu chí này vẫn cần được cụ thể hóa, chi tiết hóa để hình thành nên các bảng kiểm đánh giá ngữ liệu, từ đó làm cơ sở cho việc chuẩn hóa vấn đề này.
'Tránh tự do quá trớn, vô tội vạ'
Thầy Hồ Tấn Nguyên Minh, giáo viên Ngữ văn Trường THPT Chuyên Lương Văn Chánh, Phú Yên, cho rằng việc không dùng ngữ liệu trong sách giáo khoa để ra đề thi định kì là xu thế tất yếu của chương trình mới theo định hướng phát triển năng lực học sinh.
Điều này đem đến một số lợi ích như: Đáp ứng được yêu cầu “một chương trình nhiều sách giáo khoa”. Khi ra ngữ liệu ngoài sách giáo khoa sẽ đảm bảo kiểm tra được năng lực của tất cả học sinh, đảm bảo sự công bằng cho tất cả học sinh dù ở trường các em học bộ sách giáo khoa nào đi chăng nữa.
Ra ngữ liệu ngoài sách giáo khoa sẽ hạn chế được tình trạng “thầy đoán đề, trò học tủ”, tình trạng học vẹt, học thuộc lòng… Từ điều này, thầy cô giáo bắt buộc phải chuyển cách dạy từ truyền đạt đơn thuần sang hình thành kĩ năng, năng lực cho học sinh. Học sinh cũng phải tích cực rèn luyện năng lực thì mới có thể làm bài được.
Ngoài ra, ngữ liệu ngoài sách giáo khoa sẽ thúc đẩy việc mở rộng biên độ tìm hiểu ngữ liệu của cả thầy lẫn trò. Bởi nếu như trước kia, khi còn ra ngữ liệu trong sách giáo khoa, thầy cô giáo và học sinh cứ quẩn quanh, trở đi trở lại đến nhàm chán một vài văn bản, thì bây giờ để ra được đề thi, thầy cô giáo phải đọc thêm rất nhiều ngữ liệu. Học sinh muốn làm được bài cũng phải rèn luyện trên nhiều ngữ liệu khác nhau.
Tuy nhiên, theo thầy Minh, để việc ra ngữ liệu ngoài sách giáo khoa đạt hiệu quả cao, cần phải cân nhắc kĩ một số điều. Cụ thể như việc không ra ngữ liệu sách giáo khoa sẽ mở ra sự tự do cho thầy cô giáo trong việc lựa chọn ngữ liệu. Tuy nhiên, điều này cũng dễ dẫn đến sự tự do quá trớn, vô tội vạ dẫn đến phản cảm, quá cao siêu hoặc quá dễ dãi, hời hợt.
“Tôi cho rằng, khi lựa chọn ngữ liệu cần chú ý kĩ là không lựa chọn theo sở thích của thầy cô mà phải lựa chọn phù hợp với học sinh. Theo đó ngữ liệu lựa chọn phải mạch lạc, sáng rõ, vừa sức, phù hợp với lứa tuổi, đảm bảo được thuần phong mỹ tục”- thầy Minh cảnh báo.
Ngoài ra, thầy Minh cho rằng đáp án phải mở, cách chấm cũng phải mở, không áp đặt học sinh vào hệ thống ý máy móc do thầy cô giáo đưa ra. Phải biết chấp nhận những khả năng đọc hiểu khác nhau, vượt khỏi ranh giới của đáp án, nhất là những văn bản nghệ thuật.
Tránh ra nhiều văn bản khác nhau trong cùng một đề thi dẫn đến việc học sinh không giải quyết nổi hoặc không có thời gian để suy nghĩ thấu đáo.
“Cần thiết phải có sự tích hợp, chọn một văn bản thật tốt, đáp ứng được nhiều yêu cầu. Cả phần đọc hiểu lẫn làm văn (nghị luận xã hội và nghị luận văn học) đều hỏi từ văn bản đó. Mặt khác, là văn bản ngoài sách giáo khoa, học sinh phải tự xử lý để làm bài nên khi chấm, không nên yêu cầu quá khắt khe. Cần chấp nhận những cách viết, cách diễn đạt có thể hơi non nớt, vụng về một chút nhưng đó mới là văn của các em chứ không phải là sự chép lại từ một nơi nào đó” – thầy Minh nói.