Thông tin dinh dưỡng
Theo Healthline, dứa có lượng calo thấp nhưng lại rất bổ dưỡng. Trong 165g dứa chứa 82,5 calo, 0,2g chất béo, 0,9g protein, 21,6g carbs, 2,3g chất xơ. Lượng vitamin C trong một phần dứa như trên lên tới 79mg, đáp ứng 88% nhu cầu trong ngày. Tương tự, lượng mangan đáp ứng nhu cầu cả ngày của phụ nữ và 66% nhu cầu của nam giới. Ngoài ra, dứa cũng chứa nhiều khoáng chất khác như vitamin B6, B9, đồng, sắt, kẽm, kali…
Vitamin C cần thiết cho hệ miễn dịch, hấp thu sắt, giúp cơ thể bạn tăng trưởng và phát triển. Trong khi đó, mangan có đặc tính chống oxy hóa, hỗ trợ tăng trưởng, trao đổi chất, ngăn ngừa tình trạng viêm nhiễm có thể dẫn đến ung thư và các bệnh mạn tính khác.
Tuy nhiên, dứa cũng gây ra nhiều tác dụng phụ:
Dị ứng
Ăn dứa có thể khiến một số người bị dị ứng với các biểu hiện như môi sưng tấy, cảm giác ngứa ran ở lưỡi, cổ họng. Hầu hết triệu chứng sẽ tự khỏi trong vòng vài giờ. Nếu không thấy thuyên giảm, bạn nên đến gặp bác sĩ ngay lập tức. Một blogger tên là Sarah cho biết cô đã thấy một loạt biểu hiện đáng lo ở con cho thấy bé bị dị ứng với dứa như nôn mửa, phát ban trên da.
Tăng lượng đường trong máu
Dứa là một trong những loại trái cây có chứa đường glucose và sucrose. Do đó, loại quả này có thể làm tăng lượng đường trong máu của chúng ta. Hầu hết các loại trái cây đều chứa carbs, có thể làm tăng đường huyết. Trong 165g dứa có 21,6g carbs cũng là yếu tố tác động tới đường trong máu. Khi bị tăng đường huyết quá mức, bệnh nhân có thể nhức đầu, khát nước liên tục, đi tiểu thường xuyên.
Hại răng
Mặc dù dứa là một loại trái cây ngon và tốt cho sức khỏe nhưng ăn quá nhiều dễ gây sâu răng. Các loại trái cây như dứa có tính axit cao có thể gây ra phản ứng hóa học trong miệng. Ăn quá nhiều dứa cùng với thói quen vệ sinh răng miệng không đúng cách làm tăng nguy cơ sâu răng. Người bệnh cũng cảm thấy khó chịu khi ăn đồ nóng hoặc lạnh.
Ảnh hưởng đường tiêu hóa
Trong dứa có đường tự nhiên như fructose, tiêu thụ một lượng lớn fructose có thể gây khó chịu đường tiêu hóa ở trẻ em và một số người lớn nhất định. Tình trạng tiêu chảy, đầy hơi, nôn mửa, đau bụng và đầy hơi đôi khi xuất hiện chỉ 30 phút sau khi ăn dứa.
Ngoài ra, nếu ăn quá nhiều dứa, lượng vitamin C cao có thể gây buồn nôn, tiêu chảy hoặc ợ chua. Tương tự như vậy, hấp thụ quá mức bromelain - enzyme trong dứa có nguy cơ gây tiêu chảy, phát ban trên da.
Một số người cho biết ăn nhiều dứa chưa chín gây khó chịu ở dạ dày, buồn nôn và tiêu chảy. Tốt nhất bạn nên chọn dứa chín, có màu vàng.
Những người mắc bệnh thận nên nói chuyện với bác sĩ trước khi ăn dứa hoặc uống nước ép dứa để đảm bảo hấp thụ hàm lượng kali không vượt quá ngưỡng an toàn.