Ông N.T.B, 58 tuổi, có bệnh nền tăng huyết áp, đái tháo đường, vào viện với chẩn đoán viêm tấy môi trên do dị vật. Ông kể mấy tuần trước, ông bị mảnh sắt bắn vào trong lúc lao động, khiến vùng môi trên bị sưng nề, tấy đỏ.
Người đàn ông này đã nhập viện tuyến dưới điều trị kháng sinh và trích rạch vùng góc mép. Tuy nhiên, sau can thiệp, tình trạng viêm tấy không cải thiện, bệnh nhân được chuyển lên Trung tâm Phẫu thuật tạo hình sọ mặt, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Bác sĩ hội chẩn và quyết định phẫu thuật lại với mục đích nạo vét, dẫn lưu toàn bộ dịch mủ và kiểm tra lấy bỏ dị vật trong vết thương. 20 ngày sau mổ, bệnh nhân đã được ra viện với tình trạng vết thương ổn định.
Đây là một trong 2 trường hợp điển hình bị viêm tấy vùng hàm mặt nặng nề sau tai nạn sinh hoạt tưởng chừng rất nhỏ mà Trung tâm phẫu thuật sọ mặt và tạo hình tiếp nhận gần đây.
Người thứ 2 là anh P.T.H, 26 tuổi, vào viện với chẩn đoán viêm tấy hàm trên bên trái sau chấn thương do tai nạn sinh hoạt. Anh H. cho biết anh bị đập mũi vào cửa kính khi đang di chuyển. Vài tiếng sau, vị trí rãnh mũi má trái của anh bị sưng nề, tấy đỏ mặc dù không chảy máu mũi, không xuất hiện vết thương ngoài da.
Ngày thứ 2, vị trí này tăng độ sưng nề, anh tự bôi mật gấu ngoài da. Đến ngày thứ 6, tình trạng sưng nề tăng lên nhiều đồng thời cảm giác đau hơn, bệnh nhân không thể chịu đựng được, phải vào viện ngay. Anh được bác sĩ tuyến dưới kê thuốc uống nhưng không đỡ.
Không những thế, vị trí lợi dính hàm trên bên trái có nhiều dịch mủ, màu nâu vàng, hôi chảy xuống miệng. Bệnh nhân được chuyển tới Khoa Phẫu thuật tạo hình sọ mặt, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Sau 5 ngày điều trị, sử dụng kháng sinh tích cực phối hợp nhiều biện pháp, tình trạng tại chỗ của bệnh nhân đã tiến triển tốt, sưng nề giảm nhiều, không còn dịch mủ, tiếp tục được điều trị tủy răng.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Lê Diệp Linh, Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật sọ mặt, viêm tấy hàm mặt là tình trạng viêm mô tế bào hoại tử lan rộng không giới hạn, với các biểu hiện nhiễm trùng, nhiễm độc nặng, diễn biến nhanh. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh có thể khiến bệnh nhân bị nhiễm độc, nhiễm trùng huyết, nghẹt thở... và có thể tử vong.
"Rất nhiều bệnh nhân bị viêm nhiễm vùng hàm mặt do chủ quan cho rằng đây là bệnh thông thường nên tự ý mua thuốc uống. Nhiều trường hợp do đến viện muộn, bị biến chứng nhiễm trùng máu nguy hiểm", Tiến sĩ Linh cho hay.
Tiến sĩ Linh hướng dẫn cách xử trí và dự phòng tai biến sau chấn thương hàm mặt do tai nạn sinh hoạt:
- Xử trí vết thương hở: Đối với dị vật nằm ở bề mặt vết thương như cát, sỏi..., có thể sử dụng các dụng cụ y tế thích hợp để loại bỏ dị vật khỏi vùng hàm mặt, khâu vết thương hở tại các cơ sở y tế gần nhất.
- Không có vết thương: Chườm lạnh xunh quanh vị trí sưng nề sau chấn thương. Khâu vết mổ, kết thúc phẫu thuật.
Đặc biệt lưu ý đối với những bệnh nhân lớn tuổi, có bệnh lý nền như tăng huyết áp, tiểu đường… khi xuất hiện vết thương hở cần lưu ý tiêm phòng uốn ván. Sau chấn thương vùng hàm mặt, bệnh nhân nên đến khám các chuyên khoa như Răng, Tai mũi họng… và dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị; tuyệt đối không tự ý điều trị.