Mời quý độc giả theo dõi video:
Vườn quốc gia Xuân Thủy, Nam Định có tổng diện tích 14.500ha, trong đó khoảng 7.100ha là vùng lõi và hơn 7.300ha là vùng đệm, nằm trên địa bàn 5 xã: Giao Thiện, Giao An, Giao Lạc, Giao Xuân, Giao Hải.
Đây là khu dự trữ thiên nhiên với nhiều sinh cảnh độc đáo, được bao quanh bởi những cánh rừng sú vẹt. Khi vào mùa hoa sú vẹt nở cũng dịp những người thợ nuôi ong lại tất bật với công việc làm giàu từ loài hoa đặc trưng của rừng ngập mặn. Từ lâu, nuôi ong dưới tán rừng sú vẹt cho hiệu quả cao, giúp nhiều hộ dân vươn lên làm giàu từ nghề này cũng như tạo ra thu nhập đáng kể cho người dân địa phương nhờ nghề quay mật.
Được khai thác hoàn toàn từ nguồn hoa tự nhiên nên Mật ong rừng Sú Vẹt Vườn quốc gia Xuân Thủy có ưu điểm vượt trội là thơm, chứa nhiều dưỡng chất, vitamin tự nhiên và không bị nhiễm thuốc bảo vệ thực vật. Mật ong hoa sú vẹt được bán ra với mức giá dao động từ 150.000 - 220.000 đồng/lít.
Mùa hoa sú vẹt năm 2023 tại vườn quốc gia Xuân Thuỷ có 20 chủ nuôi ong với khoảng 8.000 đàn ong về lấy mật, sản lượng mật từ 80-100 tấn/vụ, ước tính cho nhập lên đến hàng tỷ đồng/năm cho những người nuôi ong.
Để giảm áp lực khai thác lên tài nguyên thiên nhiên và giúp người dân phát huy tối đa hiệu quả kinh tế, Vườn quốc gia Xuân Thủy đã hỗ trợ người dân xây dựng nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm mật ong và từng bước thí điểm mô hình cải thiện chất lượng sản phẩm mật ong nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm mật ong, tạo thu nhập tốt hơn cho người dân.
Bên cạnh đó, sản phẩm mật ong sú vẹt Xuân Thủy đã gây dựng được thương hiệu sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, mang lại nguồn kinh tế cao cho nhiều gia đình. Mật ong sú vẹt đạt tiêu chuẩn OCOP bán ra có giá 150.000 đồng/lít, giá trị cao hơn khoảng 20 - 25% so với mật ong thông thường. Sản phẩm được tiêu thụ không chỉ tại địa phương mà còn đi khắp các tỉnh thành trên cả nước.
Khi tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất mật ong sú vẹt OCOP, các cơ sở có đầu ra ổn định, chất lượng được kiểm soát chặt chẽ, mang lại hiệu quả cao so với sản xuất mật ong thông thường. Doanh thu của các cơ sở đạt bình quân từ 350 - 400 triệu/năm, thu nhập người lao động từ 8 - 10 triệu/tháng. Góp phần thúc đẩy kinh tế của địa phương và ổn định đời sống của người dân khu vực. Ngoài lợi ích kinh tế, nghề nuôi ong lấy mật ở Vườn quốc gia Xuân Thủy còn góp phần bảo vệ tính đa dạng sinh học của các loài thực vật và bảo vệ môi trường sinh thái ven biển.
Thùy Chi- Đức Yên