Tiếp nối truyền thống “nghĩa tình”
Ngày 17/8, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã chủ trì buổi gặp mặt các cán bộ hưu trí khu vực phía Bắc nhân kỷ niệm 78 năm thành lập ngành TT&TT.
Buổi gặp mặt là sự kiện tiếp nối chuỗi hoạt động kỷ niệm thành lập ngành TT&TT đã được triển khai trong hai tháng gần đây như: Lễ dâng hương tưởng niệm các Anh hùng, Liệt sĩ ngành TT&TT tại Tây Ninh; lễ trao bằng “Tổ quốc ghi công” cho gia đình liệt sĩ Trang Hồng Vinh; gặp mặt cán bộ hưu trí tại khu vực TP.HCM và các tỉnh lân cận; gặp mặt cán bộ hưu trí tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên…
Điểm đặc biệt của buổi gặp mặt cán bộ hưu trí năm nay là thành phần được mở rộng, với sự có có mặt của cán bộ hưu trí ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong tất cả các lĩnh vực của ngành, bao gồm cả bưu chính, viễn thông, CNTT, công nghệ số, báo chí xuất bản, thông tin truyền thông, thông tin cơ sở.
Bày tỏ lòng biết ơn với các thế hệ lãnh đạo, cán bộ TT&TT qua các thời kỳ, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, buổi gặp mặt là dịp ôn lại những câu chuyện của ngành trong quá khứ, có thêm động lực cho hiện tại và vững tin viết tiếp câu chuyện tương lai.
Tinh thần “uống nước nhớ nguồn”, truyền thống “nghĩa tình” của ngành TT&TT cũng được lan tỏa trên cả nước, khi năm nay cũng là năm đầu tiên tất cả 63 sở TT&TT tỉnh, thành phố tổ chức gặp mặt cán bộ hưu trí ngành TT&TT trên địa bàn.
Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện, Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông Mai Liêm Trực chia sẻ: "Bộ TT&TT rất chú ý đến truyền thống, thể hiện qua nhiều hoạt động, tiêu biểu như việc xác minh và tổ chức trao bằng “Tổ quốc ghi công” cho gia đình liệt sĩ Trang Hồng Vinh."
Đánh giá cao sáng kiến của Bộ TT&TT mời tham gia cuộc gặp mặt nhân ngày truyền thống tất cả cán bộ lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong các lĩnh vực của ngành, ông Mai Liêm Trực cho rằng nhờ vậy ông và các cán bộ hưu trí đã có dịp được gặp gỡ các cộng sự một thời gắn bó.
Ngành TT&TT sẽ là đôi cánh đưa Việt Nam bay lên
Tại buổi gặp mặt, Thứ trưởng Phạm Đức Long, thay mặt lãnh đạo Bộ, báo cáo với các cán bộ hưu trí về tình hình phát triển của ngành trong 7 tháng đầu năm nay và một số nhiệm vụ trọng tâm của năm 2023.
Khẳng định Bộ TT&TT trong nhiệm kỳ này rất chú trọng việc xây dựng và hoàn thiện thể chế cho tiến trình chuyển đổi số, Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết, bên cạnh Luật Giao dịch điện tử đã được Quốc hội thông qua vào tháng 6, Luật Viễn thông sửa đổi sẽ trình Quốc hội xem xét thông qua trong tháng 10, Bộ TT&TT cũng dự kiến xây dựng các Luật: Báo chí, Xuất bản, Bưu chính; tiếp tục nghiên cứu đề xuất Luật Chính phủ số/Chuyển đổi số.
Một điểm sáng là lao động của ngành TT&TT vẫn có sự tăng trưởng trong 7 tháng qua, cho thấy ngành đang thu hút được nhiều lực lượng lao động tham gia vào phát triển, đóng góp vào công cuộc chuyển đổi số đất nước.
Các cán bộ lão thành của ngành ghi nhận và đánh giá cao những việc Bộ TT&TT đã làm được thời gian qua. “Những việc Bộ TT&TT đã làm rất đáng quý. Qua theo dõi, chúng tôi mừng cho những tiến bộ của ngành. Mong muốn Bộ TT&TT sẽ tiếp tục tham mưu cho Đảng, Nhà nước làm những việc mà cuộc sống đang rất cần, với mục tiêu rõ, dễ nhớ và dễ làm”, nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT Lê Doãn Hợp chia sẻ.
Ông Lê Doãn Hợp cũng lưu ý về một số lĩnh vực: Xuất bản là ngành “chọn chữ”, định hướng văn hóa đọc nên cần làm sao để có nhiều sách hay, nghiên cứu lập quỹ xuất bản để tài trợ cho những tác giả viết hay; Báo chí gói gọn trong 4 chữ “Trung thực, hướng thiện”; Chuyển đổi số nên tập trung làm 3 việc là Chính phủ số, doanh nghiệp số và công dân số.
Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương Nguyễn Thế Kỷ nhận xét, hoạt động của ngành, Bộ TT&TT thời gian qua có rất nhiều đổi mới, đặc biệt là từ khi Bộ TT&TT được Đảng, Nhà nước giao trọng trách hướng dẫn, tham mưu, chỉ đạo về chuyển đổi số.
Chuyển đổi số đã đi vào mọi đời sống xã hội. Đi đâu cũng chạm vào công nghệ, kiến thức khoa học công nghệ. Trách nhiệm của Bộ TT&TT sẽ lớn, nặng nề hơn. Hoạt động của Bộ TT&TT đi lên sẽ đẩy đất nước tiến nhanh, sánh với các nước phát triển. “Lĩnh vực xuất bản cũng đã có nhiều đổi mới. Nhiều người dân đã quan tâm đến văn hóa đọc, quý sách và giờ đọc sách không chỉ sách giấy mà cả sách điện tử. Qua sách, qua báo giúp nâng cao dân trí, vì vậy nâng tầm trí tuệ của dân tộc”, ông Nguyễn Thế Kỷ chia sẻ thêm.
Bày tỏ sự ấn tượng với những việc Bộ TT&TT đã làm được, ông Mai Liêm Trực chỉ ra 3 dấu ấn lớn của Bộ, đó là: Thay đổi nhận thức xã hội về chuyển đổi số và cách mạng 4.0 để từ cấp lãnh đạo đến từng người dân đều biết, nói đến chuyển đổi số; Dẫn dắt các doanh nghiệp, địa phương triển khai công cuộc chuyển đổi số thu được những kết quả cụ thể; Làm tốt công tác cán bộ, chọn cán bộ lãnh đạo dựa trên năng lực, công việc và luân chuyển, thay đổi môi trường để thử thách họ.
Là người có nhiều năm gắn bó với lĩnh vực truyền thông thông tin, nguyên Tổng biên tập báo Nhân dân Hà Đăng nhận xét: Qua phát biểu của cán bộ hưu trí ngành TT&TT có thể thấy đây là lực lượng “hưu nhưng trí không hưu, trí vẫn phát triển, vẫn gắn liền với cuộc sống hàng ngày. “Chúng tôi còn sống, làm việc thì còn gắn bó với giới thông tin, truyền thông”, ông Hà Đăng nói.
Chia sẻ góc nhìn của người từng dẫn dắt doanh nghiệp lớn trong ngành, Trung tướng Hoàng Anh Xuân, nguyên Tổng giám đốc Viettel cho rằng, Bộ TT&TT nên tập trung phát triển công nghiệp công nghệ số, tham mưu để Nhà nước có chính sách hỗ trợ phát triển ngành này.
Trao đổi với các cán bộ hưu trí, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng một lần nữa nhấn mạnh, ngành TT&TT ngày nay như đôi cánh để đưa Việt Nam bay lên. Báo chí, truyền thông, xuất bản sẽ khơi dậy khát vọng Việt Nam hùng cường và biến nó thành sức mạnh tinh thần. Sức mạnh vật chất, chủ yếu là công nghệ số được xác định là động lực chính để Việt Nam trở thành nước phát triển vào năm 2045. “Câu chuyện của thế hệ hôm nay có được viết nên hay không là do sự nỗ lực của toàn ngành trong hiện tại, đặc biệt là khát vọng của thế hệ hiện tại”, Bộ trưởng chỉ rõ.
Hiện thu nhập trên đầu người của Việt Nam xếp thứ 120 thế giới và các chỉ số xếp hạng quốc tế của chúng ta cơ bản cũng xung quanh 100. Bộ TT&TT đặt mục tiêu đến năm 2025, các lĩnh vực của ngành đều sẽ trong top 50 thế giới. Toàn ngành, Bộ TT&TT cam kết sẽ nỗ lực để thực hiện mục tiêu này. “Về báo chí, thế giới không xếp hạng, nhưng hiện nay câu chuyện chính của báo chí là thực hiện chuyển đổi số để thay đổi cách chúng ta làm báo, vẫn là làm báo nhưng công cụ thay đổi”, Bộ trưởng thông tin thêm.