Trong những phiên giao dịch trước kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán, thị trường chứng khoán càng trở nên ảm đạm, thanh khoản khó khăn, dòng tiền mất hút khiến giá cổ phiếu trồi sụt. Chỉ số VN-Index vẫn quanh mốc 1.200 điểm, vốn đã từng đạt được từ năm 2007.

Nhiều cổ phiếu tăng mạnh rồi giảm sâu, biến động bất thường cùng với những cú sốc hủy niêm yết/chìm sâu… như nhóm cổ phiếu “họ FLC”, “nhóm APEC”, “họ Louis”, “họ Sông Đà”… khiến nhiều người e ngại.

Khi dòng tiền đầu cơ rút ra khỏi thị trường cũng là lúc giá cổ phiếu của doanh nghiệp tốt/xấu, lớn/bé đều suy giảm. Đây cũng là cơ hội cho các nhà đầu tư dài hạn, trong đó có nhiều ông lớn/tỷ phú Thái Lan, Nhật Bản… gia tăng sở hữu tại các doanh nghiệp sản xuất quan trọng để xác lập vị thế ở thị trường 100 triệu dân.

Ông lớn ngoại sẵn tiền thâu tóm

Theo CTCP Sữa Việt Nam - Vinamilk (VNM), cổ đông lớn ngoại là F&N Diary Investments Pte.Ltd vừa đăng ký mua vào gần 20,9 triệu cổ phiếu VNM nhằm mục đích đầu tư. Giao dịch dự kiến diễn ra từ ngày 17/1-14/2 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh.

Với mức giá 61.900 đồng/cp như hiện tại, ước tính F&N Diary Investments Pte.Ltd có thể phải chi ra 1.300 tỷ đồng để sở hữu thêm số cổ phiếu Vinamilk này.

Hiện F&N Diary Investments nắm giữ gần 370 triệu cổ phiếu VNM, tương đương 17,69% cổ phần Vinamilk. Nếu mua thành công, sẽ nâng tỷ lệ sở hữu lên 18,69% cổ phần.

F&N Diary Investments là một doanh nghiệp đến từ Singapore và có 2 đại diện người Singapore trong HĐQT Vinamilk. Nhưng đây là một tổ chức liên quan tới tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi của Thái Lan, Chủ tịch Tập đoàn TCC Group. Năm 2013, TCC đã mua Fraser & Neave - công ty mẹ của F&N Dairy Investment.

Trong nhiều năm qua, F&N Diary Investments liên tục lặp lại điệp khúc đăng ký mua - không mua - rồi lại đăng ký mua cổ phiếu VNM. Nhưng nhìn chung, xu hướng là gia tăng tỷ trọng nắm giữ tại doanh nghiệp đầu ngành sữa Việt Nam. Lượng cổ phần người Thái nắm giữ tại VNM hiện trị giá khoảng 1 tỷ USD.

Tỷ phú Thái Charoen Sirivadhanabhakdi hồi năm 2017 nổi tiếng với thương vụ Thai Beverage chi 5 tỷ USD mua hơn 340 triệu cổ phần, qua đó nắm quyền chi phối hãng bia lớn nhất Việt Nam - Sabeco (SAB).

Với ngành nhựa, Tập đoàn SCG của Thái Lan đã trở thành cổ đông lớn của Nhựa Bình Minh (BMP) - doanh nghiệp đầu ngành nhựa Việt Nam từ đầu năm 2012. Từ đó tới nay, SCG không ngừng mua gom và chính thức thâu tóm thành công BMP hồi đầu năm 2018.

W-FDI (45).jpg
Vốn Thái, Nhật đổ mạnh vào Việt Nam qua cả kênh FDI và mua cổ phần doanh nghiệp. Ảnh: Nam Khánh

Hơn thập kỷ shopping, chiếm lĩnh những DN Việt quan trọng

Trong thập kỷ qua, rất nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam trong các ngành mũi nhọn đã trong tầm ngắm và nhiều tập đoàn Thái Lan thâu tóm như: Vinamilk, BMP, Nhựa Ngọc Nghĩa, Bao bì Biên Hòa, Gạch men Prime Group, Nguyễn Kim, MM Mega Market, Lan Chi, Home Credit, SHBFinance…

Nhiều tập đoàn Nhật cũng đã nắm giữ cổ phần lớn tại một loạt doanh nghiệp hàng đầu Việt như: Dược phẩm Hà Tây (DHT), Dược Hậu Giang (DHG), Tập đoàn Bảo Việt (BVH), VPBank, FE Credit, Ngân hàng VietinBank (CTG), Vietcombank (VCB), Chứng khoán SSI, TPBank, Chứng khoán FPTS, Petrolimex (PLX)… Gần đây, một ông lớn Nhật Bản được cho là đầu tư mua cổ phần dự án bất động sản Vũ Yên tại Hải Phòng của Vingroup.

Có thể thấy, các tập đoàn lớn đến từ Nhật Bản và Thái Lan đã thực hiện một chiến lược khá giống nhau là đổ tiền dần dần thâu tóm các doanh nghiệp hàng đầu trong các ngành quan trọng của Việt Nam.

Điểm đến hấp dẫn với người Thái, người Nhật là ngành ngân hàng tài chính, các khu công nghiệp, dầu khí, bán lẻ, hàng tiêu dùng nhanh, dược phẩm, nhựa, bao bì…

Không ít trong các thương vụ này, các tập đoàn Nhật, Thái đã chứng kiến giá cổ phiếu tăng vọt như nhiều mã cổ phiếu ngành ngân hàng (VCB, CTG, TPB…), hay nhựa như BMP, dược phẩm…

Trong năm 2024, “đại gia” Thái Lan SCG chứng kiến cổ phiếu nhựa BMP lập đỉnh hàng chục lần. Từ đầu năm 2020 đến nay, cổ phiếu BMP đã tăng khoảng 6 lần và hiện ở vùng cao lịch sử 130-140.000 đồng/cp.

Không chỉ lãi lớn từ cổ phần, SCG của Thái còn trúng đậm nhờ cổ tức BMP đều đặn hàng năm, có năm lên tới 126%, qua đó bỏ túi hàng nghìn tỷ đồng từ "gà đẻ trứng vàng" này.

Các ông lớn Nhật, Thái cũng được hưởng lợi lớn từ các cổ phiếu ngành ngân hàng khi giá tăng mạnh. Bên cạnh đó là cái lợi khó đo đếm hết từ việc thâu tóm các thương hiệu bán lẻ như: Big C (GO), MM Mega Market, Nguyễn Kim, Lan Chi…

Trường hợp "sóng gió" nhất có lẽ là thương vụ tại Sabeco, khi người Thái đầu tư 5 tỷ USD mua cả lô cổ phần lớn gần 54% cổ phần trong bối cảnh giá cổ phiếu SAB suy giảm nhiều năm qua. Tuy nhiên, Sabeco có hoạt động kinh doanh vẫn rất tốt và rủng rỉnh tiền mặt, chia cổ tức đều đặn cho TCC Group. Sabeco hiện vẫn là thương hiệu bia hàng đầu trên thị trường nội địa và đều đặn “in tiền” cho người Thái. Tới nay, Thaibev thu về hơn 12.000 tỷ đồng cổ tức từ Sabeco.

Trên hết, Sabeco đang giúp Tập đoàn TCC của người Thái chiếm lĩnh thị trường bia Việt Nam, qua đó xác lập vị thế vững chắc tại khu vực Đông Nam Á.