Reuters dẫn lời Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan hôm 18/7 cho biết, ông tin Thụy Điển đang "không thể hiện hình ảnh tốt đẹp".
Hồi tháng 5, Phần Lan và Thụy Điển đã chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO, nhằm ứng phó với việc Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Động thái được coi là sự thay đổi lớn nhất trong an ninh châu Âu suốt nhiều thập kỷ, khi hai quốc gia Bắc Âu trung lập lâu nay tìm kiếm sự bảo vệ của liên minh do Mỹ dẫn đầu.
Tuy nhiên, chính quyền ông Erdogan đã lên tiếng phản đối, vì cho rằng hai nước Bắc Âu dung chứa các đối tượng có liên quan tới các nhóm vũ trang chống Ankara và những nhân vật ủng hộ giáo sỹ Hồi giáo Fethullah Gulen, người đang sống lưu vong tại Mỹ và bị nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc là chủ mưu vụ đảo chính nhằm lật đổ Tổng thống Erdogan năm 2016.
Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ cũng yêu cầu Phần Lan bàn giao các nghi phạm khủng bố, điều Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto tuyên bố chỉ có thể được thực hiện nếu nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật được tôn trọng.
Bế tắc được giải tỏa sau khi 3 nước ký một thỏa thuận tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid vào tháng trước, trong đó Ankara sẽ chấm dứt việc phủ quyết NATO kết nạp Phần Lan và Thụy Điển để đổi lấy các cam kết chống khủng bố và xuất khẩu vũ khí từ Helsinki và Stockholm.
Thổ Nhĩ Kỳ đồng thời khuyến cáo sẽ giám sát chặt chẽ việc thực hiện thỏa thuận nói trên làm căn cứ phê chuẩn nỗ lực gia nhập liên minh của Phần Lan và Thụy Điển.
Tuấn Anh