Theo đài RT, thông tin do hãng thông tấn Yeni Safak cung cấp ngày 8/6, trích dẫn những tài liệu thu thập được. Dù chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa xác nhận tính xác thực của danh sách yêu cầu nói trên, nhưng chúng tương tự những tuyên bố chính thức trước đây từ Ankara.
Thổ Nhĩ Kỳ đã phản đối Phần Lan và Thụy Điển trở thành thành viên NATO với cáo buộc hai nước Bắc Âu "dung dưỡng các tổ chức khủng bố”, cụ thể là các thành viên của Đảng Công nhân người Kurd (PKK), nhóm chống Ankara bị coi là ngoài vòng pháp luật ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Nếu được xác thực, danh sách yêu cầu cho thấy những lo ngại về khủng bố vẫn là vấn đề then chốt đối với Thổ Nhĩ Kỳ. 7/10 yêu cầu của Ankara với Phần Lan và Thụy Điển có liên quan đến vấn đề này.
Đứng đầu danh sách, Thổ Nhĩ Kỳ đòi hỏi Helsinki và Stockholm hỗ trợ nước này "trong cuộc chiến chống lại các tổ chức khủng bố", bao gồm cả PKK và Tổ chức khủng bố Fetullah (FETO), nhóm bị cáo buộc đã âm mưu đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2016, cũng như các chi nhánh của chúng. Một điều kiện khác là Phần Lan và Thụy Điển phải "thiết lập các quy định pháp lý và khuôn khổ pháp lý cần thiết cho cuộc chiến chống khủng bố".
Thổ Nhĩ Kỳ cũng muốn hai nước Bắc Âu ngăn chặn mọi nỗ lực thành lập văn phòng của các chi nhánh PKK. Các hoạt động của FETO ở hai nước phải bị cấm và các trang web cũng như văn phòng báo chí của tổ chức này phải bị đóng cửa. Ankara còn yêu cầu phong tỏa tài sản đối với các tổ chức liên quan khủng bố, trục xuất và dẫn độ các nghi phạm khủng bố cùng một lệnh cấm biểu tình.
Theo yêu cầu của Ankara, Phần Lan và Thụy Điển cũng phải chia sẻ thông tin tình báo và dỡ bỏ các lệnh hạn chế trong lĩnh vực quốc phòng đã áp đặt với Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 2019, một số nước châu Âu, bao gồm cả Phần Lan và Thụy Điển đã triển khai lệnh cấm buôn bán vũ khí với Thổ Nhĩ Kỳ nhằm đáp trả việc nước này tấn công quân sự ở Syria.
Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto hồi đầu tháng 6 thừa nhận, do lập trường của giới chức Thổ Nhĩ Kỳ, Phần Lan thấy nước này như "ở trong tình thế chuộc tội”, điều họ chưa sẵn sàng. Trước đó, cuối tháng 5, Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson đã phản hồi về quan ngại chính của Ankara, khẳng định bà có thể dễ dàng làm rõ việc Stockholm không gửi tiền hoặc vũ khí cho các tổ chức khủng bố.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã nhiều lần tuyên bố các mối quan ngại về an ninh của mọi nước thành viên liên minh cần được giải quyết. Song, ông không công khai kêu gọi Phần Lan và Thụy Điển đáp ứng các yêu sách của Thổ Nhĩ Kỳ. Quan chức này lạc quan rằng các quốc gia chắc chắn sẽ vượt qua được những bất đồng.
Tuấn Anh