Hôm 18/5, ông Erdogan đã nới số yêu cầu của Ankara đối với Helsinki và Stockholm từ 2 lên 10. Trước đó, tại cuộc họp báo ngày 16/5, người đứng đầu Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ chỉ nêu 2 đòi hỏi, gồm Phần Lan và Thụy Điển phải chấm dứt việc ủng hộ đảng Công nhân người Kurd (PKK) bị Ankara coi là tổ chức khủng bố và hai nước này phải dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí áp đặt với Thổ Nhĩ Kỳ từ tháng 10/2019, sau khi các lực lượng Ankara tấn công phía bắc Syria.
Ông Erdogan cũng khẳng định, việc hai quốc gia Bắc Âu nói trên cử các đoàn đại biểu tới Ankara nhằm thuyết phục ông sẽ vô ích nếu các yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ không được đáp ứng.
Giới quan sát nhận định, sự phản đối công khai của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã tạo ra rào cản mới đối với tiến trình gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan, cũng như có thể khiến liên minh phải đau đầu tìm hướng giải quyết trong nhiều tháng. Lí do vì, theo thông lệ, việc chấp nhận các thành viên mới vào NATO cần có sự đồng ý của tất cả quốc gia thành viên hiện tại.
Theo báo Guardian, nhiệm vụ của các nhà ngoại giao NATO hiện là xác định mức độ quyết liệt của ông Erdogan, cũng như cái giá phải trả để buộc ông lùi bước và ngăn chặn một cuộc khủng hoảng toàn diện trong liên minh.
Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde ban đầu từng hy vọng bà đã bị dịch nhầm ý, khi truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ trích dẫn lời bà nói người Thổ Nhĩ Kỳ coi tất cả người Kurd là những kẻ khủng bố. Bà Linde quả quyết hôm 14/5 rằng, bản thân chưa bao giờ đưa ra những nhận xét như vậy, chưa bao giờ gặp PKK và sẽ không làm như vậy.
Bà Linde lạc quan một cách thận trọng rằng mọi hiểu lầm có thể được giải tỏa. Song, các diễn biến đến ngày 18/5 cho thấy rõ ràng sự trấn an của nhà ngoại giao hàng đầu Thụy Điển đã không đáp ứng được những đòi hỏi của lãnh đạo Ankara.
Các chính trị gia Bắc Âu ban đầu tỏ ra nghi ngờ về sự nghiêm túc của ông Erdogan. Tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö nói, ông đã trò chuyện với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ cách đây một tháng và không thấy mối quan ngại nào của Ankara được đề cập đến. Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại NATO Basat Öztürk cũng không đưa ra bất kỳ cảnh báo sớm nào.
Tuy nhiên, đánh giá đó đang thay đổi. Theo Jonathan Eyal, Phó giám đốc viện nghiên cứu Rusi, ông Erdogan "đang đối mặt với vực thẳm và hành động thông qua trò chơi bên miệng hố chiến tranh". "Rất nhiều đòi hỏi của ông ấy về PKK là giọng điệu quen thuộc của Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, ông ấy có lí do trong nước để lên tiếng phản đối. Nền kinh tế đang trở nên tồi tệ và mức tín nhiệm dành cho ông ấy hiện ở mức thấp nhất mọi thời đại”, ông Eyal giải thích.
Đối mặt với lạm phát lên tới 66,9%, đồng nội tệ mất gần một nửa giá trị trong năm vừa qua và cuộc tổng tuyển cử sắp diễn ra vào mùa hè năm sau, việc kích động chủ nghĩa dân tộc quốc gia trong cuộc bỏ phiếu không gây hại gì, thậm chí có thể giúp ông Erdogan lấy lòng được cử tri. Nhưng điều đó không có nghĩa, những lời phàn nàn của Erdogan là việc trầm trọng hóa vấn đề.
Hồi đầu tuần này, Bộ Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận diện 6 thành viên PKK mà họ đang tìm cách dẫn độ từ Phần Lan về nước cũng như 11 phần tử PKK khác từ Thụy Điển. Ngoài các đối tượng bị Ankara cáo buộc ủng hộ giáo sĩ Mỹ Fethullah Gülen dàn dựng âm mưu đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ năm 2016, họ cũng muốn bắt giữ 12 nghi can ở Phần Lan và 21 nghi can ở Thụy Điển.
Các nhà ngoại giao Bắc Âu cho biết, danh sách trên được gửi đến Phần Lan và Thụy Điển gần đây nhất vào năm 2017 và không phải là chủ đề của bất kỳ cuộc vận động hành lang nào của Thổ Nhĩ Kỳ trong những năm gần đây.
Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa tin về những gì họ mô tả là ví dụ khác về thái độ “mềm mỏng” của Thụy Điển đối với chủ nghĩa khủng bố, bao gồm bằng chứng cho thấy chi nhánh PKK ở Syria đã tổ chức các cuộc gặp tại Stockholm, do văn phòng đối ngoại Thụy Điển và tổ chức tư vấn Trung tâm Quốc tế Olof Palme chủ trì.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng tố cáo, vào năm 2019, những người ủng hộ PKK đã tổ chức biểu tình tại một trung tâm mua sắm để ủng hộ nhà lãnh đạo bị bỏ tù Abdullah Öcalan và lực lượng an ninh Thụy Điển đã không làm gì để ngăn họ mang cờ của PKK cũng như các bức ảnh của Öcalan.
Chuyên gia Eyal cho biết, các nước Bắc Âu khó có thể nhượng bộ trước những lời phàn nàn trên: “Hai quốc gia này không thể thay đổi luật pháp của họ về quyền tự do hội họp. Đặc biệt, Thụy Điển có một cộng đồng người Kurd tích cực ủng hộ chính trị. Giai đoạn này gợi nhớ đến năm 2009, khi ông Erdogan tuyên bố sẽ không cho phép chính trị gia Anders Rasmussen được bổ nhiệm làm Tổng thư ký NATO trừ khi Đan Mạch đóng cửa một đài truyền hình của người Kurd. Ông Rasmussen vẫn được bổ nhiệm nhưng một năm sau đài truyền hình nói trên cũng bị đóng cửa”.
Một số thỏa thuận hậu trường bị trì hoãn tương tự có thể xảy ra lần này. Không quốc gia nào có thể đơn giản phá bỏ hệ thống tị nạn của mình và Thụy Điển cho biết họ không đưa ra danh sách khủng bố riêng rẽ, khác với các danh sách đã được soạn thảo ở cấp độ Liên minh châu Âu (EU).
Giới quan sát tin, Thổ Nhĩ Kỳ có thể sử dụng quyền phủ quyết trong NATO như một đòn bẩy không chỉ nhằm chống lại các thành viên tương lai mà còn cả những thành viên hiện tại.
CNN dẫn lời Asli Aydintasbas, chuyên gia chính sách cấp cao tại Hội đồng quan hệ đối ngoại châu Âu nhận định, vấn đề then chốt có thể là sự thất vọng của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ về việc không thể thiết lập một mối quan hệ hiệu quả với chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden như ông từng làm được với những lãnh đạo Nhà Trắng tiền nhiệm như Barack Obama và Donald Trump. Bản thân ông Erdogan đã công khai than phiền về điều này hồi tháng trước.
Ngoài ra, việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga vào năm 2017 đã khiến Washington tức giận và dẫn đến việc Ankara bị Mỹ loại khỏi chương trình chuyển giao siêu tiêm kích tàng hình F-35.
Những đồn đoán gần đây rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể đến thăm Ankara trong tương lai gần, dù Moscow đã lên tiếng bác bỏ, có lẽ là một tín hiệu khác từ Ankara cho thấy họ còn "quân bài" để chơi. Song, chính trò chơi nước đôi này đã khiến rất nhiều quốc gia NATO khác thất vọng với chính sách bên miệng hố chiến tranh của ông Erdogan.
Nhà phân tích Aydintasbas lưu ý, đây không phải lần đầu tiên Thổ Nhĩ Kỳ phản đối NATO kết nạp các thành viên mới và ông Erdogan "có thể mong chờ được thuyết phục, nhượng bộ và thậm chí được khen thưởng cho sự hợp tác của mình như trong quá khứ".
Mặc dù Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố những quan ngại an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ cần được giải quyết, nhưng cách chính quyền ông Erdogan chọn bày tỏ sự bất bình, đi ngược lại quan điểm của các nước thành viên NATO khác đúng vào lúc liên minh cần sự đoàn kết hơn bao giờ hết, trong bối cảnh quan ngại ngày càng tăng cao vì cuộc chiến Nga - Ukraine có thể là bị coi là "sự phá bĩnh" và gây mất thiện cảm đối với Ankara.
Tuấn Anh