Nhiều quốc gia trên thế giới đang băn khoăn về việc chính sách đối ngoại của chính quyền mới sẽ như thế nào?
Giới quan sát quốc tế tin rằng nếu ông Joe Biden chiến thắng thì các chính sách sẽ không có quá nhiều thay đổi so với hiện tại trừ khi có ứng cử viên khác thay thế ông. Vì vậy, nhiều băn khoăn tập trung chủ yếu vào bối cảnh nếu phe Cộng hòa giành được tấm vé vào Nhà Trắng.
Vô số trang báo mạng và các đối thủ chính trị nhận định rằng ông Trump sẽ là người theo chủ nghĩa biệt lập, người sẽ rút nước Mỹ khỏi "những cuộc chiến tranh bất tận" (Trung Đông nói chung), chấm dứt những can thiệp vô nghĩa vào các vấn đề nội bộ của các nước khác (Venezuela, Cuba, Pakistan), rút tư cách thành viên khỏi các tổ chức quốc tế (Hiệp định khí hậu Paris, Liên Hợp Quốc), các liên minh không hiệu quả (NATO) và quan hệ thương mại không công bằng (EU).
Về an ninh, ông Trump ủng hộ việc mở rộng quyền lực của Mỹ ra nước ngoài và bảo vệ lợi ích quốc gia. Đôi khi, ông là người theo chủ nghĩa biệt lập.
Về thương mại, ông Trump không ủng hộ các mối quan hệ gây bất lợi cho Mỹ. Nhiều khả năng, ông sẽ ưu ái các hiệp định thương mại song phương hơn đa phương, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trước đây chính là một ví dụ.
Ông Trump tin tưởng mạnh mẽ vào việc “vũ khí hóa” thuế quan, ngay cả khi việc áp đặt thuế quan không mang lại tác dụng gì. Do đó, có thể nói, ông là người theo chủ nghĩa bảo hộ, bảo vệ lợi ích của nước Mỹ.
Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2016 và những ngày đầu của nhiệm kỳ, ông Trump đã vô tình khiến cộng đồng quốc tế tin rằng ông thực sự là người theo chủ nghĩa biệt lập dựa trên các tuyên bố chính sách "nước Mỹ trên hết" của mình. Trong bài phát biểu năm 2017 tại APEC, ông đã làm rõ ý đó của mình.
Ông Trump lập luận, nhiều hiệp định thương mại quốc tế, đa phương và song phương, đã gây tổn hại đến nền kinh tế và người lao động Mỹ. Ông cho rằng đây là sai lầm của các chính quyền tiền nhiệm khi đặt bút ký kết những "thỏa thuận tồi tệ" này. Kế hoạch của ông sẽ đàm phán song phương để có các thỏa thuận công bằng với Mỹ và các đối tác thương mại.
Chúng ta cùng nhìn lại các sáng kiến chính sách của chính quyền Donald Trump trước đây.
Trung Đông
Ông Trump đã tập trung nhiều nỗ lực vào việc đưa nước Mỹ thoát khỏi vũng lầy Trung Đông kéo dài từ năm 1948 đến nay. Bởi vì, Mỹ đã chi hàng nghìn tỷ USD cho hết cuộc chiến này đến cuộc chiến khác mà không mang lại bất kỳ dấu hiệu hòa bình nào.
Ông Trump cũng hiểu rằng để "xoay trục" sang khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là giấc mơ của các cựu Tổng thống Bush và Obama, ông sẽ phải giải thoát Mỹ khỏi Trung Đông.
Ông Trump đã mở rộng ngành công nghiệp dầu khí trong nước để đảm bảo Mỹ không phụ thuộc vào các nhà cung cấp ở Trung Đông với mục đích thu hẹp ảnh hưởng của các nước này đối với chính sách của chính quyền Mỹ. Sau đó, ông lấy việc xuất khẩu dầu khí của Mỹ làm nền tảng để xây dựng các liên minh.
Chính quyền Mỹ trước nhiệm kỳ Trump đã trao quyền cho Iran để cân bằng sức mạnh với các quốc gia Ả Rập nổi trội trong khu vực. Chính sách đó đã thất bại khi khu vực này trở nên bất ổn hơn nữa. Hệ quả, điều đó chỉ khiến Iran khẳng định mình hơn nữa trước các đối thủ của nước này.
Khi Iran tấn công quân đội Mỹ ở Iraq, ông Trump đã ra lệnh ám sát Tướng Qassem Soleimani, Chỉ huy đơn vị tinh nhuệ Quds của lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran. Ông đã tái áp đặt các lệnh trừng phạt tài chính, cắt giảm việc bán vũ khí, ngừng xuất khẩu dầu và rút khỏi hiệp ước vũ khí hạt nhân Iran.
Trong cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo (ISIS) không có tiến triển, ông Trump đã phát động các cuộc tấn công vào Syria và Iraq, vô hiệu hóa ISIS. Trong nhiệm kỳ Trump, quân đội Mỹ đã xoá sổ nhiều thủ lĩnh ISIS, bao gồm cả Abu Bakr al-Baghdadi, thủ lĩnh khét tiếng của tổ chức này.
Ông là người khởi xướng Thoả ước hòa bình Abraham nhằm khuyến khích các quốc gia Ả Rập tham gia vào các thỏa thuận thương mại và ngoại giao, từ đó mang lại hòa bình, không phải chiến tranh cho khu vực. Thoả ước đã có được sự tham gia của các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Bahrain, Morocco và Sudan. Cũng chính ông đã nối lại quan hệ với Ai Cập và Jordan.
Châu Âu
27 quốc gia thành viên của Liên minh Châu Âu là một khối thương mại toàn cầu phụ thuộc vào tấm lá chắn bảo vệ của 32 quốc gia trong liên minh NATO. Ông Trump đã đối đầu với NATO về việc các quốc gia thành viên không đồng ý chi tiêu ít nhất 2% GDP của mình cho quốc phòng theo quy định NATO đề ra.
Để phản đối thực trạng đó, ông Trump bắt đầu rút quân đội Mỹ khỏi NATO bất chấp sự phản đối mạnh mẽ. Động thái này đã khiến các nước thành viên e sợ và bắt đầu thực hiện nghĩa vụ của mình.
Ông Trump đã đưa quân đội Mỹ đến vùng Baltic để đối trọng với sự hiện diện của Nga ở biên giới. Ông cũng đã điều quân đến Ba Lan, khiến họ đặt tên cho các cộng sự của mình là "Pháo đài Trump". Ông đã cung cấp vũ khí cho Ukraine sau khi Nga sáp nhập Crimea.
Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, ông Trump đã vận dụng chủ nghĩa giao dịch khi ông "đàm phán trao đổi" các mục tiêu chính sách của Mỹ với các mục tiêu chính sách của Tổng thống Erdogan.
Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
Ngay sau khi tiếp quản chính quyền, ông Trump đã ngay lập tức rút lại sự ủng hộ đối với Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Điều cần lưu ý là ông Obama, bà Hillary Clinton, và Quốc hội Mỹ cũng phản đối TPP.
Việc rút khỏi Hiệp định TPP là một sai lầm. Ông Trump đã tự làm mất đi cơ hội hợp tác với các quốc gia Đông Nam Á đang háo hức hợp tác với Mỹ. Quyết định này của ông đã nhường cơ hội cho Trung Quốc, một đối thủ cạnh tranh lớn của Mỹ.
Kế hoạch tập trung vào các Hiệp định thương mại song phương của ông Trump cũng không được cân nhắc kỹ lưỡng. Ông đã đánh giá thấp yếu tố thời gian trong việc đàm phán các thỏa thuận riêng lẻ. Thêm nữa, các thỏa thuận thương mại với Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước khác đã không mang lại những kết quả như ông mong đợi.
Các chính sách thương mại của nhiệm kỳ Donald Trump đã tạo ra một cuộc đối đầu kinh tế với Trung Quốc, dẫn đến cuộc chiến thương mại gây tổn hại cho cả hai bên. Tuy nhiên, ông không né tránh cuộc đối đầu hòa bình khi lợi ích thương mại và an ninh của Trung Quốc và Mỹ khác nhau.
Về mặt an ninh, ông Trump đã gia tăng ngân sách quân sự để quân đội Mỹ có thể bảo vệ các tuyến đường vận chuyển ở Biển Đông đang có nhiều tranh chấp. Ông đã tái khởi động “Tứ giác kim cương” gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc.
Ông đã làm được một điều mà một số người cho là không thể: đàm phán thỏa thuận hòa hoãn với Triều Tiên, dù chỉ trong một thời gian ngắn.
Dự đoán
Ông Trump là người có khả năng sẽ sử dụng vũ lực và vũ khí hoá thương mại để bảo vệ lợi ích của nước Mỹ nếu cần thiết.
Một số câu hỏi đặt ra: Ông Trump sẽ bảo vệ những lợi ích gì cho nước Mỹ? Ông bảo vệ những điều đó như thế nào? Ông sẵn sàng trả mức giá nào và đánh đổi lấy điều gì?
Các chính sách của ông Trump sẽ phụ thuộc vào việc Quốc hội sẽ phê chuẩn những sáng kiến nào và cấp ngân sách đến đâu. Nếu thời gian tới đây Quốc hội đầy chia rẽ, khi lưỡng viện do hai Đảng kiểm soát thì lựa chọn của chính quyền mới sẽ gặp nhiều hạn chế. Bởi việc kiểm soát tài chính nằm trong tay Quốc hội.
Vì vậy, các chính sách đối ngoại của ông Trump chỉ được tiết lộ trong từng trường hợp cụ thể. Có lẽ, đây không phải là một điều lý tưởng đối với các nước đối tác.