Đối với ông Biden, cuộc tranh luận là cơ hội để ông chứng minh với những người ủng hộ rằng ông vẫn đủ năng lực - cả về mặt tinh thần và thể chất - để tiếp tục một nhiệm kỳ nữa. Mặt khác, ông có thể ngăn chặn việc đảng Dân chủ đang mất đi những phiếu bầu của người da màu, người gốc Latinh, thanh niên và phụ nữ.
Đối với ông Trump, đây là cuộc trưng cầu dân ý về việc liệu các chính sách và phong thái của ông trong tư cách tổng thống có phục vụ đất nước tốt hơn phe đối lập hay không.
Theo quan điểm của tôi, cuộc tranh luận là sự thất bại đối với cả hai ứng cử viên. Ông Biden đã có một màn thể hiện đến nỗi rất có thể ông sẽ mất đi sự ủng hộ từ Đảng Dân chủ và cử tri của mình. Phong độ của ông gây thất vọng đến mức đảng Dân chủ có thể đang tìm kiếm một ứng cử viên khác thay thế.
Một kết quả quan trọng của cuộc tranh luận nữa là mọi việc đã trở nên rõ ràng. Truyền thông chính thống, đảng Dân chủ và gia đình của ông Biden đã che đậy mức độ suy giảm cả về sức khỏe tinh thần và thể chất của ông suốt thời gian qua. Điều này đã đặt nước Mỹ vào một tình thế rất bấp bênh.
Còn ông Trump vẫn chính là Trump, một nghệ sĩ giải trí, không phải là một chính trị gia. Có thể ông không mất đi sự ủng hộ, nhưng rất có thể ông đã không giành được đủ số phiếu từ cả những cử tri Dân chủ và những người Cộng hòa còn đang phân vân để giành ưu thế trước ông Biden hoặc người sẽ thay thế ông ấy.
Nếu phải lựa chọn, tôi cho rằng màn thể hiện của ông Trump có phần nổi trội hơn ông Biden.
Trong ba tháng tới đây, trước khi diễn ra cuộc bầu cử vào tháng 11, chính trường Mỹ sẽ còn hỗn loạn hơn nữa, chưa kể đến những động thái chưa từng có tiền lệ.
Phá vỡ những tiền lệ trong tranh luận tổng thống
Nhiều tuần liền, ông Trump đã gây sức ép cho ông Biden tham gia tranh luận. Ông Biden đã từ chối, có thể là vì lúc đó ông đang được đánh giá là mạnh trong các cuộc thăm dò và có thể ông e ngại ông Trump. Ông chỉ đồng ý tranh luận khi các cuộc thăm dò cho thấy sự ủng hộ dành cho ông sụt giảm đáng kể.
Các cuộc tranh luận của ứng viên tổng thống chưa bao giờ được tổ chức vào tháng 6 mà luôn là vào tháng 9 và tháng 10, ngay trước thềm cuộc bầu cử tháng 11. Tại sao lần này họ lại tổ chức sớm? Đảng Dân chủ lo ngại rằng nếu họ đợi đến tháng 9 để tranh luận và ông Biden làm không tốt thì họ sẽ không còn cơ hội nào trong cuộc bầu cử. Việc tìm một ứng cử viên khác thay thế ông Biden sẽ là điều không thể. Những e ngại này đã trở thành sự thật trong cuộc tranh luận đêm thứ Năm.
Trước đó, ông Biden đã liên tục từ chối tranh luận với các ứng cử viên khác của đảng Dân chủ, một quyết định khiến nhiều người Dân chủ tức giận. Ông cũng từ chối tranh luận với ông John F. Kennedy vì e sợ ông Kennedy có thể sẽ đè bẹp mình. Cả ông Biden và ông Trump đã loại ông Kennedy khỏi cuộc tranh luận này vì không muốn cuộc tranh luận trở thành diễn đàn để ông ấy thu hút sự ủng hộ của công chúng. Ông Trump, không có đối thủ trong đảng Cộng hòa đã không tranh luận trong cuộc bầu cử sơ bộ.
Ông Biden đặt ra các quy tắc cho cuộc tranh luận
Đảng Dân chủ và ông Biden e ngại việc tranh luận với ông Trump. Và sau cuộc tranh luận này, họ thực sự nên yếu thế hơn. Trong các cuộc tranh luận năm 2020, ông Trump đã tấn công ông Biden một cách không khoan nhượng. Trong cuộc đua năm 2016 mà ông Trump giành chiến thắng, ông cũng sử dụng cùng một chiến lược hung hăng khi tranh luận với bà Hillary Clinton.
Để giành quyền kiểm soát các quy tắc tranh luận, ông Biden chỉ đồng ý với điều kiện ông có thể chọn các quy tắc có lợi cho mình và bất lợi cho ông Trump. Các cuộc tranh luận của ứng viên tổng thống trước đây kể từ những năm 1980 đều do một cơ quan lưỡng đảng là Ủy ban Tranh luận Tổng thống tổ chức. Tuy nhiên, ông Biden đã từ chối hợp tác với uỷ ban này.
Chính các quy tắc mà ông Biden áp đặt cho cuộc tranh luận lại có lợi có ông Trump và khiến bản thân ông ấy chịu thiệt hại. Ông Biden nhất quyết yêu cầu phải là CNN phát sóng cuộc tranh luận từ phòng thu của họ với hai người điều phối là những bình luận viên nổi tiếng có quan điểm chống Trump kịch liệt. CNN đã ưu ái các ứng cử viên Dân chủ trong cuộc tranh luận Biden/Trump năm 2020 và Hillary Clinton/Trump năm 2016. Nhưng ông Biden đã tính toán sai. Cả hai điều phối viên của cuộc tranh luận năm nay rất công bằng. Họ không thiên vị ông Biden.
Trong phòng thu không có khán giả và hai điều phối viên kiểm soát nghiêm ngặt thời gian giới hạn cho các câu hỏi và câu trả lời. Ông Trump đã không được quyền có khán giả, nguồn cảm hứng cho những bài diễn thuyết của ông. Nhưng chính điều đó lại giúp ông giữ được phong thái điềm đạm. Điều khiến người ta phải suy nghĩ là việc ông Biden bước vào phòng thu và vẫy tay chào những hàng ghế trống không.
Ông Trump là người thích nói. Ông đã độc chiếm các cơ hội phát biểu trong các cuộc tranh luận trước đây, thường xuyên ngắt lời đối thủ và không thể ngừng lời. Những quy tắc kiểm soát thời gian và ngắt micro tưởng chừng sẽ gây tổn hại nhưng hoá ra lại rất hữu ích cho ông Trump. Những quy tắc này đã giúp cho ông ấy tập trung hơn, không ngắt lời đối thủ, và không trình bày lan man. Nhìn chung, các quy tắc đó đã khiến tính cách của ông ấy dịu lại.
Trong số này có những quy tắc có lợi cho ông Trump. Hai ứng viên sẽ không được sử dụng ghi chú. Ông Trump là người luôn luôn ứng khẩu nên chưa bao giờ phải phụ thuộc vào những tờ ghi chú viết sẵn. Tôi còn ngờ rằng kể cả nếu có trong giấy trong tay thì ông ấy cũng sẽ không đọc. Ông Biden thì rất hiếm khi phát biểu mà không có những tờ ghi chú viết sẵn hoặc máy nhắc chữ. Ông Biden thường có sẵn trong tay các câu hỏi của nhà báo trước khi phát biểu trước công chúng. Ông ấy có thể đã bị ngợp vì không có các tờ giấy ghi chú viết sẵn làm bùa hộ mệnh.
Hai ứng cử viên đã đứng trong suốt cuộc tranh luận và không được phép tham khảo ý kiến với cố vấn. Sau cuộc tranh luận kéo dài 1 tiếng rưỡi, ông Trump rời khỏi bục tranh luận với dáng đi oai phong vốn có. Ông Biden phải nhờ đến vợ mình, bà Jill Biden, dìu đi...
* Phần 2: Trận so găng Biden-Trump: Khi ai cũng tranh cử theo kiểu đánh bại đối phương
Tổng thống Joe Biden và quyền lực mềm trong đối ngoại
Biden và 1 năm giành lại quyền lãnh đạo của nước Mỹ
Tổng thống Joe Biden đã phải đối mặt với di sản của người tiền nhiệm Donald Trump để lại, trong đó có lĩnh vực đối ngoại.
Viễn cảnh mờ mịt của ông Trump và tương lai khó khăn với ông Biden
Sự phân cực, bất lực của các thiết chế trong lòng nước Mỹ đặt ra nhu cầu phải tái lập trật tự, tái lập các thiết chế dân chủ của Mỹ. Điều đó rõ ràng cho thấy một nước Mỹ không hề yên ả.