Quyết định 81/QĐ-TTg ký ngày 13/2 nêu rõ, mục tiêu triển khai đồng bộ, hiệu quả các quy định pháp luật thủy sản; khắc phục các tồn tại, hạn chế theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “thẻ vàng” trong năm 2023.
Thống nhất nhận thức, hành động và vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống khai thác IUU. Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp của các ban, bộ, ngành, địa phương có liên quan trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm trong công tác phòng, chống khai thác IUU, coi đây là nhiệm vụ chính trị, ưu tiên, cấp bách, tập trung nguồn lực thực hiện, quyết tâm gỡ cảnh báo “thẻ vàng”.
Cùng với đó, quản lý khai thác và phát triển bền vững ngành thủy sản vì lợi ích của người dân, của quốc gia; nâng cao vị thế, hình ảnh, trách nhiệm quốc tế của Việt Nam trong thực hiện các cam kết, điều ước quốc tế trong bảo vệ môi trường biển, hệ sinh thái biển bền vững; góp phần đảm bảo quốc phòng an ninh, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Theo đó, trong Kế hoạch hành động nêu rõ nhiệm vụ và giải pháp đến tháng 5/2023 về: thông tin truyền thông; khung pháp lý, cơ chế, chính sách; quản lý đội tàu và theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá; về xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác;
Về thực thi pháp luật, xử lý vi phạm, trong Kế hoạch hành động nhấn mạnh, phải chấm dứt tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.
Điều tra, xử lý 100% vụ việc tàu cá Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ, xử lý và xử phạt 100% các trường hợp vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài và thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời điều tra, củng cố hồ sơ, truy tố xét xử các vụ việc môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài để ngăn chặn, xử lý phục vụ công tác tuyên truyền, răn đe.
Mở các đợt cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát có sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng và xử phạt nghiêm 100% hành vi khai thác IUU theo quy định...
Ngoài ra, đàm phán, ký kết và tổ chức thực hiện đường dây nóng giữa Việt Nam và Indonesia, Malaysia, Campuchia, Philippines, Thái Lan, Trung Quốc để trao đổi thông tin, xử lý các vụ việc về tàu cá, ngư dân hai nước.
Về lâu dài, triển khai thực hiện các chương trình, đề án, quy hoạch phát triển ngành thủy sản bền vững đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trên căn cứ chức năng, nhiệm vụ đã được phân công, các ban, bộ, ngành, địa phương có liên quan xây dựng kế hoạch, kinh phí thực hiện nhiệm vụ được giao, định kỳ trước ngày 15/11 hàng năm và đột xuất theo yêu cầu gửi báo cáo về Bộ NN-PTNT để theo dõi, tổng hợp.
Trước đó, lãnh đạo Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), sau chuyến kiểm tra lần 3, phía EC chuẩn bị báo cáo đánh giá về kết quả gỡ thẻ vàng của Việt Nam, công bố vào đầu năm tới. Đợt thanh tra tiếp theo dự kiến được EC triển khai vào tháng 4/2023.
Họp với lãnh đạo các tỉnh ven biển, bộ, ngành về IUU đầu tháng 12/2022, Thủ tướng giao Bộ NN-PTNT khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch hành động 180 ngày thực hiện các khuyến nghị của EC về gỡ thẻ vàng.
Việc nhận thẻ vàng IUU của EC khiến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường EU sụt giảm liên tục từ năm 2017 đến nay. So với kết quả xuất khẩu 2017, năm 2019, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang EU giảm 12%, tương đương 183,5 triệu USD. Xu hướng giảm tiếp tục kéo dài vào năm 2020, khi con số xuất khẩu giảm 5,7% so với năm 2019. Kể từ năm 2019, EU tụt từ vị trí thứ 2 xuống vị trí thứ 4 trong các thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam. Năm 2022, xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường EU đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22% so với năm 2021. |