Sáng 21/7, Ban Bí thư tổ chức hội nghị toàn quốc nghiên cứu, quán triệt, học tập Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 5 khóa XIII.
Hội nghị diễn ra trong 2 ngày 21 và 22/7 với 4 chuyên đề. Trong đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính báo cáo chuyên đề về "tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa đất nước trở thành nước phát triển có thu nhập cao".
Giàu lên cũng vì đất, tù tội cũng vì đất
Theo người đứng đầu Chính phủ, đất đai là vấn đề hết sức phức tạp, nhạy cảm, đặc biệt quan trọng, hệ trọng đối với sự ổn định và phát triển bền vững đất nước. Tổng Bí thư đã nhiều lần nhắc lại câu nói: "Lao động là cha, đất đai là mẹ của của cải vật chất".
Vì vậy, giải quyết tốt chính sách đất đai sẽ thúc đẩy giải phóng sức lao động, các nguồn lực cho phát triển đất nước. Giải quyết không tốt thì sẽ lúng túng, cản trở phát triển, đặc biệt còn vi phạm pháp luật và bị xử lý.
“Thực tiễn cho thấy, giàu lên cũng vì đất, nghèo đi cũng vì đất; tranh chấp, khiếu kiện, mất đoàn kết, chia rẽ nội bộ cũng vì đất; thậm chí sai phạm, tù tội cũng vì đất”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng khái quát lại 8 cái được và 11 hạn chế, yếu kém liên quan đến đất đai đã được Trung ương nêu rõ trong Nghị quyết. Trong đó, Thủ tướng lưu ý, Luật Đất đai và một số văn bản pháp luật có liên quan còn chồng chéo, chưa thống nhất, đồng bộ; hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch có sử dụng đất chưa bảo đảm tính tổng thể, thống nhất và đồng bộ; việc giao đất, cho thuê đất ở một số nơi còn nhiều bất cập, sai phạm.
Ngoài ra, thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất phát triển chưa ổn định, minh bạch, bền vững, tiềm ẩn nhiều rủi ro; các phương pháp định giá, đấu giá quyền sử dụng đất còn bất cập, chưa phù hợp với thực tế…
Thủ tướng nêu thực tế, nhiều địa phương cứ chỗ nào đẹp cho làm bất động sản; trong khi đáng lý, chỗ nào có sự phát triển tốt, thì nên đưa vào sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm thì có người đến làm, đến ở, mua nhà thì mới phát triển bất động sản.
“Ngay lập tức chỗ nào đẹp nhất phát triển bất động sản thì không có công ăn việc làm, doanh nghiệp cũng gặp khó khăn mà nhà nước cũng gặp khó khăn. Vì vậy, trước hết, từ đất đai phải tạo công ăn việc làm chứ không phải ưu tiên cho bất động sản”, Thủ tướng lưu ý.
Bên cạnh đó, Thủ tướng nhấn mạnh đến việc khắc phục bằng được tình trạng đất lãng phí, hoang hóa, suy thoái, vướng mắc về sử dụng đất do lịch sử để lại.
“Vừa qua chúng tôi đi kiểm tra, những cái sai từ các vụ án, qua thanh tra, kiểm tra hiện nay các dự án còn tồn đọng rất nhiều. Nhưng mình không thể hợp thức hóa cái sai này được mà phải có cơ chế, chính sách để hóa giải, làm sao cho phù hợp với tình hình thực tế”, người đứng đầu Chính phủ nói.
Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phụ trách xử lý vấn đề này với tinh thần là "không hợp thức hóa cái sai", nhưng phải tìm cơ chế chính sách để hóa giải nó, phù hợp với thực tiễn, đảm bảo nhanh chóng, kịp thời.
Điểm mới đột phá là bỏ khung giá đất
Trong các nhiệm vụ giải pháp đặt ra, Thủ tướng lưu ý, không để suy thoái, lãng phí đất, tham nhũng, tiêu cực từ đất. Trung ương đã thống nhất cao tiếp tục đổi mới, hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai, trọng tâm là sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, đáp ứng yêu cầu phát triển mới.
“Chúng ta sửa cho tương đối đồng bộ, sát thực tiễn, tránh sửa xong một vài năm lại sửa. Nhiều luật hiện nay, lúc đầu cứ kêu vướng nhưng mà khi sửa lại không chỉ ra được cụ thể, nên sửa xong lại vướng. Lần này về khối chính quyền chúng tôi giao nhiệm vụ rất rõ, chủ tịch tỉnh phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng thể chế”, Thủ tướng yêu cầu.
Đi vào cụ thể, Thủ tướng lưu ý đến việc đổi mới và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; không hi sinh công bằng tiến bộ xã hội, văn hóa, để chạy theo tăng trưởng đơn thuần.
"Quy hoạch phải có tầm nhìn chiến lược, có tính lâu dài, chứ không phải quy hoạch lúc đầu giao cho đối tác này làm thế này nhưng không làm được, đối tác khác đến chạy chọt lại thay đổi quy hoạch", Thủ tướng nhấn mạnh tình trạng này tương đối nhiều và đề nghị quy hoạch phải đột phá, đi trước một bước, ổn định.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng cho biết, Nghị quyết còn bổ sung nội dung quan trọng “Nhà nước đảm bảo đủ nguồn lực để lập quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất” để hạn chế việc lạm dụng, tham nhũng, tiêu cực.
“Anh xây dựng quy hoạch và tiếp nhận quy hoạch cũng phải trong sáng, tránh quy hoạch cứ nghĩ đến mảnh nào đẹp nhất thì làm bất động sản, thì công ăn việc làm chẳng có, nên doanh nghiệp khổ, chính quyền, nhân dân khổ”, Thủ tướng một lần nữa nhắc lại điều này.
Người đứng đầu Chính phủ nêu thực tiễn thời gian qua, sai phạm ở nhiều nơi có liên quan đến việc thực hiện giao đất, cho thuê đất nhưng không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất hay đấu thầu dự án có sử dụng đất, không công khai, minh bạch.
“Lần này phải thông qua đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu dự án có sử dụng đất, đảm bảo công khai, minh bạch, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, dễ giám sát, tránh bị lợi dụng”, Thủ tướng quả quyết.
Ngoài ra, Nghị quyết của Trung ương tiếp tục khẳng định giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất và đặt ra yêu cầu cần phải có quy định cụ thể về đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất.
Nghị quyết cũng nêu nhiều nhiệm vụ giải pháp liên quan đến hoàn thiện quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất. Trong đó nêu rõ, việc thu hồi đất chỉ được thực hiện sau khi phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được phê duyệt; bố trí tái định cư phải hoàn thành trước khi thu hồi đất. Người dân có đất bị thu hồi có chỗ ở đảm bảo cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng nêu nhiều nội dung liên quan đến hoàn thiện cơ chế xác định giá đất. Trong đó, điểm mới đột phá lần này là bỏ khung giá đất. Đồng thời yêu cầu có các cơ chế, phương pháp, xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường; HĐND cấp tỉnh quyết định kiểm tra, giám sát, thực hiện giá đất.
Cùng với đó là phải công khai giá đất, bắt buộc giao dịch qua các sàn giao dịch, thanh toán qua ngân hàng, không dùng tiền mặt; xử lý nghiêm các vi phạm...
Cũng trong hôm nay, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh báo cáo chuyên đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Phó Thủ tướng Lê Minh Khái báo cáo chuyên đề tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới. Trong sáng mai (22/7) Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai báo cáo chuyên đề về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới. |