XEM VIDEO:
Sáng 8/11, Quốc hội tiếp tục chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa 14 về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa 15 đến hết kỳ họp thứ 4.
Sau hơn 2 ngày chất vấn 4 nhóm lĩnh vực, Thủ tướng Phạm Minh Chính đăng đàn trước Quốc hội báo cáo giải trình, làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Xem đầy đủ phiên chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất về Kinh tế tổng hợp: TẠI ĐÂY.
Xem đầy đủ phiên chất vấn nhóm vấn đề thứ hai về Kinh tế ngành: TẠI ĐÂY.
Xem đầy đủ phiên chất vấn nhóm vấn đề thứ ba về Nội chính, Tư pháp: TẠI ĐÂY.
Xem đầy đủ phiên chất vấn nhóm vấn đề thứ tư về Văn hóa - Xã hội: TẠI ĐÂY.
VietNamNet tường thuật trực tiếp phiên trả lời chất vấn của Thủ tướng Chính phủ:
11h05: Chất vấn và trả lời chất vấn có trọng tâm, đi thẳng vào vấn đề
XEM VIDEO:
Phát biểu bế mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, sau 2,5 ngày làm việc nghiêm túc, với tinh thần xây dựng, tâm huyết và trách nhiệm cao, đã có 457 lượt đại biểu đăng ký tham gia chất vấn; 152 lượt đại biểu Quốc hội thực hiện quyền chất vấn, trong đó có 39 lượt đại biểu tranh luận.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, đây là lần đầu tiên trong nhiệm kỳ khóa 15, Thủ tướng, tất cả các Phó Thủ tướng Chính phủ và 21 vị Bộ trưởng, Trưởng ngành đã trực tiếp trả lời chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội.
Theo Chủ tịch Quốc hội, với phạm vi chất vấn rất rộng, đại biểu đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, nghiên cứu kỹ các báo cáo, đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, có trọng tâm, đi thẳng vào vấn đề.
Các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành nắm chắc thực trạng của ngành, lĩnh vực phụ trách, cơ bản đã trả lời thẳng thắn, giải trình nghiêm túc, làm sáng tỏ nhiều vấn đề và đề ra giải pháp để khắc phục.
Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao sự nghiêm túc, cầu thị, tinh thần trách nhiệm của các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành trong việc trả lời chất vấn và tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội.
XEM THÊM:
10h47: 3 đột phá về thể chế, nguồn nhân lực, xây dựng kết cấu hạ tầng cần hài hòa, hợp lý
Tại phiên chất vấn, ĐB Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) cho biết, ngay từ những ngày đầu nhận nhiệm vụ, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã xác định cải cách thể chế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Tuy nhiên, theo đại biểu, có ý kiến cho rằng, vẫn còn chưa rõ cải cách quan trọng nhất và trọng tâm nhất ở đây là gì? Bên cạnh đó, thủ tục hành chính thì vẫn còn rườm rà và sức ì của một bộ phận cán bộ, công chức vẫn là cản trở cho sự phát triển.
Vì vậy, đại biểu chất vấn Thủ tướng Phạm Minh Chính, nếu được xếp thứ tự ưu tiên ba vấn đề quan trọng nhất trong thời gian tới, Thủ tướng sẽ chọn vấn đề gì và giải pháp gì để xử lý những tồn tại, hạn chế nêu trên?
Trả lời câu hỏi trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, trong ba đột phá về thể chế, nguồn nhân lực và xây dựng kết cấu hạ tầng, không chọn ưu tiên nào trong 3 đột phá này mà cần đảm bảo hài hòa, hợp lý phù hợp với hoàn cảnh cụ thể trong từng giai đoạn.
Thủ tướng khẳng định, có tình trạng thủ tục hành chính còn rườm rà, cán bộ đùn đẩy, sợ trách nhiệm. Vì vậy, giải pháp trong thời gian tới là đảm bảo lợi ích vật chất và tinh thần cho cán bộ, công chức và tăng cường giáo dục, tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm trong giải quyết thủ tục hành chính.
Các bộ, ngành tiếp tục rà soát cắt giảm thủ tục còn rườm rà, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị vừa thúc đẩy, vừa giám sát, vừa động viên. Trong đó, giải pháp căn cơ vẫn là tinh thần trách nhiệm, năng lực của cán bộ, tăng chế tài xử lý; đồng thời, cần cụ thể hóa chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu.
XEM THÊM:
10h44: Giải pháp như nào chấn chỉnh sau những vụ cháy nghiêm trọng?
ĐB Cầm Thị Mẫn (đoàn Thanh Hóa) cho biết, thời gian gần đây xảy ra một số vụ việc cháy, nổ nghiêm trọng gây thiệt hại lớn về người và của. Điển hình như vụ cháy chung cư mini tại quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.
Do vậy, đại biểu đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho biết trong thời gian tới cần tập trung thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp như nào để chấn chỉnh tình trạng này?
Trả lời đại biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, những năm gần đây đã xảy ra nhiều vụ cháy nổ rất thương tâm, trong đó có các vụ cháy chung cư mini, cháy quán karaoke…
Trước thực trạng đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ cũng đã có những biện pháp, giải pháp ngăn chặn.
Để thực hiện hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, cần nâng cao ý thức của người dân trong công tác PCCC. Bên cạnh đó cần tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo ở cấp ủy và tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước và hoàn thiện cơ sở vật chất phục vụ công tác PCCC.
10h34: Tiết kiệm các khoản để có 560 nghìn tỷ chi cho cải cách tiền lương
Trước khi mời thêm đại biểu chất vấn, Chủ tịch Quốc hội nêu lại 2 câu hỏi của đại biểu trong các phiên trước có gửi đến Thủ tướng.
Cụ thể, ĐB Nguyễn Phương Thủy (đoàn Hà Nội) có đặt vấn đề nhiệm kỳ này, Chính phủ trình thực hiện thí điểm nhiều và có thể dẫn đến hệ thống pháp luật thiếu thống nhất và đồng bộ. Điều đó có thể tạo điều kiện cho tham nhũng chính sách hay là cơ chế xin cho. Đại biểu muốn biết quan điểm của Thủ tướng về vấn đề này như thế nào?
ĐB Văn Thị Bạch Tuyết (đoàn TP.HCM) nêu câu hỏi về giải pháp phát triển kinh tế số, xã hội số trong đó giải pháp nào có tính đột phá. Đại biểu cũng đề nghị Thủ tướng cho biết việc triển khai, thực hiện chính sách cải cách tiền lương và hoàn thiện chính sách liên quan để đảm bảo tính đồng bộ trong cải cách chính sách tiền lương?
Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Phương Thủy, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, vừa qua đã có một số cơ chế đặc thù cho một số địa phương, một số ngành, đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn khách quan.
Thủ tướng Chính phủ cho biết, việc ra cơ chế đặc thù là có cơ sở chính trị vững chắc. Nghị quyết 18 của Trung ương khóa trước, Nghị quyết 19 của Trung ương khóa này đều mang tinh thần những gì đã rõ, đã chín, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, đa số đồng tình thì quyết tâm luật hóa. Điều gì chưa rõ, chưa chín, có luật pháp nhưng không còn phù hợp, hoặc chưa có luật pháp quy định, thì phải mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không cầu toàn, không nóng vội. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng cho phép việc này.
Về cơ sở thực tiễn, việc thực hiện các nghị quyết về cơ chế đặc thù ở các địa phương hiện đang phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, cũng cần điều chỉnh cơ chế đặc thù cho phù hợp. Sắp tới, Chính phủ sẽ nghiên cứu sâu hơn, đánh giá tác động kỹ lưỡng hơn, lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, các cơ quan có liên quan, các Đại biểu Quốc hội và người dân để có điều chỉnh cho phù hợp, tiến tới hệ thống pháp luật bao trùm, xuyên suốt, thống nhất.
Với câu hỏi của ĐB Văn Thị Bạch Tuyết, Thủ tướng cho biết, tiền lương là vấn đề luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, vừa là công cụ tái tạo sức lao động, vừa là động lực cho cán bộ, công chức, người lao động tham gia vào việc phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Vừa qua, do đại dịch Covid-19, nguồn lực có hạn, dẫn đến việc thực hiện cải cách tiền lương còn khó khăn. Chính phủ đã cố gắng trích lập lương, tăng thu giảm chi, tiết kiệm các khoản để có 560 nghìn tỷ chi cho cải cách tiền lương.
Đồng thời, cùng với việc cải cách tiền lương trong khu vực Nhà nước, chúng ta cũng thực hiện cải cách tiền lương khu vực ngoài Nhà nước, doanh nghiệp. Sắp tới, Chính phủ tiếp tục thực hiện hoàn chỉnh vị trí việc làm, tinh giản biên chế gắn với nâng cao hiệu lực hiệu quả của hệ thống chính trị, tiết kiệm các khoản chi để đảm bảo nguồn chi lương cho người lao động.
10h21: Việt Nam có nhiều lợi thế du lịch nhưng thực tế phát triển chưa tương xứng
ĐB Nguyễn Ngọc Sơn (đoàn Hải Dương) cho biết, du lịch là một trong ba ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển du lịch bền vững là yếu tố cần thiết để mang lại sự thành công cũng như lợi ích trong tương lai.
Thời gian vừa qua, ngành du lịch đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế dẫn đến không khai thác hết tiềm năng, lợi thế sẵn có để phát triển du lịch bền vững gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường.
Đại biểu đề nghị Thủ tướng cho biết định hướng và giải pháp cụ thể trong thời gian tới để phát triển ngành du lịch?
ĐB Nguyễn Lâm Thành (đoàn Thái Nguyên) cho biết, cử tri và dư luận xã hội rất vui mừng vì ngay từ ngày đầu nhiệm kỳ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những chủ trương tập trung nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực bộ máy và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Tuy nhiên, thực tiễn trong nhiều lĩnh vực vừa qua chưa thực sự đạt được mục tiêu như kỳ vọng.
Đại biểu đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho biết nguyên nhân, định hướng và giải pháp cụ thể trong thời gian tới để thực hiện thành công chủ trương lớn trên?
Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Ngọc Sơn về phát triển du lịch, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam có nhiều lợi thế phát triển du lịch nhưng thực tế du lịch vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh như kỳ vọng của đồng vào và cử tri cả nước. Nguyên nhân liên quan đến thể chế, chính sách, nhân lực, quy hoạch, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu.
Về các giải pháp trong thời gian tới, Thủ tướng khẳng định tiếp tục thể chế hóa chủ trương của Đảng, trong đó xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, xác định rõ trọng tâm phát triển; chuẩn bị nguồn lực và nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; đồng thời có sự phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành.
Việc phân cấp, phân quyền vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc
Trả lời chất vấn của ĐB Nguyễn Lâm Thành liên quan đến phân cấp, phân quyền, Thủ tướng Chính phủ khẳng định, đây là nhiệm vụ quan trọng, để phân định rõ hơn trách nhiệm của các cấp, phát huy tính năng động, sáng tạo chủ động của các cấp, làm rõ trách nhiệm của các cấp. Tuy nhiên, việc phân cấp, phân quyền vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc, chưa đáp ứng yêu và mong muốn của cử tri và nhân dân.
Nguyên nhân là chưa thực hiện triệt để, nghiêm túc chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự muốn phân cấp phân quyền; năng lực cán bộ còn hạn chế, bất cập, nhất là việc lớn, việc mới còn khó khăn; việc đáp ứng yêu cầu của người dân liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành nên công tác này chưa đạt yêu cầu đề ra.
Về giải pháp, Thủ tướng nhấn mạnh đến công tác chỉ đạo, phân cấp phân quyền phải đi đôi với phân bổ nguồn lực, tăng cường giám sát, kiểm tra, nâng cao khả năng thực thi của cấp dưới, hoàn thiện thể chế, mạnh dạn thực hiện phân cấp, phân quyền, tránh né tránh, đùn đẩy.
10h08: 5 chỉ tiêu khó đạt kế hoạch đề ra
Về các chỉ tiêu dự kiến khó đạt kế hoạch, Thủ tướng cho biết dự kiến có 5 chỉ tiêu khó đạt kế hoạch đề ra, gồm: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP); GDP bình quân đầu người; Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP; Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội; Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tốc độ tăng GDP dự kiến không đạt kế hoạch đề ra là do tác động, ảnh hưởng nặng nề từ bên ngoài và những hạn chế, bất cập từ bên trong, sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, trong khi nước ta là nước đang phát triển, nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi, xuất phát điểm thấp, quy mô còn khiêm tốn, độ mở lớn, sức chống chịu và khả năng cạnh tranh còn hạn chế.
Tốc độ tăng trưởng GDP không đạt mục tiêu là một yếu tố quan trọng dẫn đến các chỉ tiêu khác như GDP bình quân đầu người, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội cũng không đạt được mục tiêu đề ra.
Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chịu ảnh hưởng nặng nề từ thị trường quốc tế, tính chung 10 tháng chỉ đạt 0,5%, dẫn đến chỉ tiêu tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP thấp hơn mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó, áp lực cắt giảm việc làm do sản xuất kinh doanh khó khăn tạo ra sự chuyển dịch lao động sang khu vực nông nghiệp, dẫn đến tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động có việc làm khoảng 26,9%, khó đạt mục tiêu đặt ra (26,2%).
Thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, tiếp tục ưu tiên thúc đẩy các động lực tăng trưởng, tập trung phát triển mạnh thị trường trong nước; mở rộng xuất khẩu…
Về tăng năng suất lao động xã hội, Thủ tướng cho biết, trong nhiều năm qua, năng suất lao động xã hội của Việt Nam tăng trưởng liên tục và cao hơn so với bình quân của khu vực, thế giới. Tuy nhiên, chỉ tiêu này vẫn chưa đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.
Thời gian tới, Chính phủ tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhất là khu vực công nghiệp gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động, đặc biệt là thu hút lao động nông nhàn, phi chính thức sang các khu vực công nghiệp và dịch vụ…
Thay mặt Chính phủ, tôi xin trân trọng báo cáo giải trình về một số vấn đề được nhiều vị đại biểu Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước quan tâm. Trong đó, có những vấn đề đã được tập trung chỉ đạo xử lý và có kết quả cụ thể; nhưng cũng có những vấn đề cần phải tiếp tục nghiên cứu, có giải pháp phù hợp, hiệu quả để tập trung khắc phục trong thời gian tới.
Chính phủ, Thủ tướng rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, đóng góp ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước.
9h58: Tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế từng bước được xử lý hiệu quả
Về giải quyết tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, các bệnh viện chậm tiến độ, Thủ tướng cho biết, nguyên nhân chủ yếu là do đại dịch Covid-19 dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng; các bất cập trong quy định về đăng ký, đấu thầu, mua sắm; còn có tâm lý e ngại, sợ sai tại một số cơ quan, cơ sở y tế; đầu tư phát triển cơ sở khám chữa bệnh còn hạn hẹp...
Với tinh thần bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân là trên hết, trước hết, Chính phủ đã trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung các luật về đấu thầu, giá, khám bệnh, chữa bệnh và các nghị quyết cho phép gia hạn giấy đăng ký lưu hành đối với thuốc hết hiệu lực lưu hành; ban hành Nghị quyết về bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế; chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động đấu thầu, mua sắm thuốc và thanh toán bảo hiểm y tế.
Đến nay, tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế từng bước được xử lý hiệu quả, trong đó bảo đảm đủ các loại thuốc thiết yếu, phổ biến. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác và yêu cầu khẩn trương xây dựng, triển khai phương án giải quyết những vấn đề tồn đọng của 2 dự án Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2.
Thời gian tới, Chính phủ tập trung chỉ đạo trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung các Luật Dược, Luật Bảo hiểm y tế và xây dựng, trình Quốc hội sớm ban hành Luật Trang thiết bị y tế để giải quyết các vấn đề thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế và bảo hiểm y tế một cách căn cơ, có hệ thống, bảo đảm hiệu quả…
9h54: Đảm bảo giữ vững an ninh năng lượng quốc gia
Về vấn đề bảo đảm an ninh năng lượng, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo từ sớm, từ xa về việc cung ứng đủ điện, xăng dầu cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân.
Về cơ bản, an ninh năng lượng được đảm bảo; tuy nhiên trong năm nay đã xảy ra tình trạng thiếu điện cục bộ tại miền Bắc vào cuối tháng 5, đầu tháng 6, đúng như các vị đại biểu Quốc hội đã nêu.
Mặc dù tổng công suất nguồn đạt trên 70 nghìn MW; nhu cầu thực tế chỉ cần khoảng 52 nghìn MW; nhưng do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan đã dẫn đến tình trạng thiếu điện cục bộ khu vực miền Bắc. Nhưng nguyên nhân chủ quan là chính, do nắm tình hình, xây dựng kế hoạch truyền tải, điều độ và khâu phân phối.
Chính phủ chỉ đạo kiên quyết đảm bảo giữ vững an ninh năng lượng quốc gia.
Trong đó khẩn trương ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8; nâng cao hiệu quả các khâu truyền tải, điều độ và phân phối, trong đó đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường dây 500 kV từ miền Trung ra miền Bắc; sớm hoàn thiện thị trường mua bán điện cạnh tranh, cơ chế mua bán điện trực tiếp, cơ chế khuyến khích phát triển nguồn điện áp mái tự sản, tự tiêu…
Về đào tạo nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, Thủ tướng nhấn mạnh đây là yếu tố có ý nghĩa quyết định đến phát triển nhanh và bền vững, được Đảng, Nhà nước xác định là một trong ba khâu đột phá chiến lược, là quốc sách hàng đầu và đã đạt được những kết quả tích cực.
Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế, bất cập, như các vị đại biểu Quốc hội băn khoăn, trăn trở; trong đó cơ cấu, trình độ nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt là đối với các ngành, lĩnh vực mới; thị trường khoa học công nghệ (KHCN) còn bất cập; chưa có nhiều sản phẩm thành công; các hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp chưa nhiều…
Thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo đột phá phát triển nhân lực chất lượng cao, thu hút, trọng dụng nhân tài, nhất là đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, lao động trình độ cao cả trong và ngoài nước.
Ưu tiên bố trí nguồn lực đào tạo nhân lực chất lượng cao cho các ngành, lĩnh vực mới nổi (như chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, chip bán dẫn, chuyển đổi năng lượng sạch, hydrogen...); Đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; phát huy hiệu quả Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC)…
XEM THÊM:
9h52: Vượt nắng thắng mưa, 3 ca 4 kíp để hoàn thành dự án giao thông trọng điểm
Về các dự án hạ tầng quan trọng ngành giao thông, Thủ tướng cho biết, thời gian qua đã triển khai các dự án giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia (36 dự án với 83 dự án thành phần).
Lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương thường xuyên kiểm tra, trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn, động viên, khích lệ các đơn vị thi công và người lao động “vượt nắng, thắng mưa", “xua tan dịch bệnh”, làm việc “3 ca, 4 kíp”, xuyên lễ, xuyên Tết, nỗ lực hết mình để hoàn thành, sớm đưa công trình vào sử dụng và đạt được những kết quả quan trọng, đáp ứng sự mong mỏi của người dân, doanh nghiệp.
Đồng thời, qua đó tập trung chỉ đạo sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm để bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách. Tháo gỡ những vấn đề bất cập, vướng mắc kéo dài để khởi công, triển khai các dự án giao thông trọng điểm như Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, sân bay Điện Biên, Vành đai 3 TP.HCM, Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và nhiều dự án đường bộ cao tốc khác.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nhìn nhận một số dự án còn chậm tiến độ, đội vốn, chia nhỏ gói thầu, chất lượng chưa đồng đều; việc triển khai gặp nhiều khó khăn, vướng mắc pháp lý, tổ chức thực hiện trong giải phóng mặt bằng, tái định cư, cung ứng nguyên vật liệu.
Một số đoạn, tuyến cao tốc chưa xây dựng đủ 4 làn xe, chưa có trạm dừng nghỉ, làn dừng khẩn cấp; hoàn trả đường dân sinh, hậu cần còn bất cập...
Thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp. Trong đó rà soát, sửa đổi, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan, nhất là về trình tự thủ tục đầu tư, thủ tục vốn ODA, bảo đảm nhanh, kịp thời, hiệu quả.
Cùng đó đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tái định cư; xử lý các khó khăn về đường gom, đường tránh, nút giao cho người dân; tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc về nguồn nguyên vật liệu, đặc biệt là ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Rà soát, tính toán hợp lý, huy động nguồn lực đầu tư mở rộng 5 tuyến cao tốc phân kỳ đầu tư 2 làn xe và 7 tuyến chưa có làn dừng khẩn cấp.
Thủ tướng khẳng định phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ hoàn thành mục tiêu ít nhất có 3.000 km đường bộ cao tốc theo Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng.
9h50: Tập trung thúc đẩy các động lực tăng trưởng
Mở đầu phiên chất vấn, Thủ tướng Phạm Minh Chính trân trọng cảm ơn, lắng nghe và nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng báo cáo, làm rõ thêm một số vấn đề được các vị đại biểu Quốc hội và đồng bào, cử tri quan tâm.
Về cập nhật tình hình KTXH: Thủ tướng cho biết, trong tháng 10, tình hình KTXH tiếp tục xu hướng tích cực, tháng sau cao hơn tháng trước, đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.
Cụ thể, lạm phát tiếp tục được kiểm soát; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 10 tháng tăng 3,2%. Khu vực công nghiệp phục hồi tích cực; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 10 tăng 5,5% so với tháng trước và tăng 4,1% so với cùng kỳ…
Tuy nhiên, tình hình KTXH vẫn còn những hạn chế, bất cập; sản xuất kinh doanh tiếp tục gặp khó khăn; thị trường lao động, việc làm trong một số lĩnh vực suy giảm; tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên còn cao; thiên tai, bão lũ, sạt lở đất tiếp tục ảnh hưởng lớn đến khu vực miền Trung…, đúng như các vị đại biểu Quốc hội đã nêu.
Trong thời gian còn lại của năm 2023, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực, vừa giải quyết những vấn đề trước mắt, vừa chuẩn bị cơ sở, tiền đề cho những năm tiếp theo, trong đó tập trung thúc đẩy các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu), các địa phương đầu tàu tăng trưởng.
Đồng thời, thực hiện các chính sách hỗ trợ tăng tổng cầu, nhất là các chính sách tài khóa, tiền tệ; tăng khả năng tiếp cận tín dụng, đất đai, mở rộng thị trường, đa dạng sản phẩm, chuỗi cung ứng; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; thu hút vốn đầu tư xã hội, đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài…
Theo dõi sát, nắm chắc diễn biến tình hình quốc tế, trong nước, phản ứng chính sách kịp thời, linh hoạt, hiệu quả với những vấn đề mới phát sinh; nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch năm 2023, trong đó tăng trưởng GDP đạt trên 5%, tạo đà cho việc thực hiện kế hoạch năm 2024.
XEM THÊM: