Hội nghị đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2023 có chủ đề: Nông dân là chủ thể, là trung tâm trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới xanh, bền vững.
Phải liên kết để thành 1 đại điền
Thủ tướng yêu cầu đối thoại thực chất, đi thẳng vào tình hình, những nút thắt, khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ. Sau đối thoại phải có tiến bộ, điều cuối cùng là phải ra sản phẩm cụ thể, ra tiền bạc, lúa gạo, đường sá…, thay đổi hơn nữa bộ mặt nông thôn và đời sống người nông dân, với tinh thần nông dân là trung tâm, là chủ thể, nông thôn là nền tảng, nông nghiệp là động lực.
Tại cuộc đối thoại, nông dân đặt câu hỏi về chính sách, giải pháp để hỗ trợ người nông dân xung quanh vấn đề chuyển đổi tư duy sản xuất, vấn đề thị trường, liên kết sản xuất, chuyển đổi số, phát triển du lịch nông nghiệp, thị trường tiêu thụ nông sản…
Liên quan những vấn đề trên, Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan đặc biệt nhấn mạnh giải pháp nâng cao năng lực của người nông dân. Bởi, chúng ta không thể cạnh tranh được nếu không liên kết những mảnh đất nhỏ, những mảnh vườn nhỏ trở thành một đại điền lớn.
Khi liên kết được với nhau, ông nghĩ cộng đồng doanh nghiệp sẵn sàng tạo ra những vùng nguyên liệu. Doanh nghiệp cũng là người đưa nông sản ra thị trường. Nhà nước đóng vai trò cầu nối và tạo ra những điều kiện phù hợp.
Bộ đã cùng Hiệp hội Cà phê ký chương trình hành động nhằm trợ giúp và đồng hành cùng nông dân, để người sản xuất cập nhật, nắm vững các quy định, chính sách của các nước nhập khẩu.
Hay như trong vấn đề phát triển con tôm, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định lợi thế của ĐBSCL là nơi có nhiều mô hình sinh thái tôm ôm lúa. Song vùng này chưa khai thác triệt để một thương hiệu một loại gạo đặc biệt mà nuôi cùng với tôm hoặc một loại tôm mà sống cùng với lúa. Nếu làm được sẽ tạo ra giá trị gấp nhiều lần trên một diện tích đất canh tác.
Đề cập câu chuyện này, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hệ sinh thái nuôi tôm và trồng lúa cũng là một mô hình kinh tế tuần hoàn. Nhà nước cũng phải có cơ chế, chính sách, đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do; tạo cơ hội cho doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm đầu vào như phân bón, sinh phẩm… và lo đầu ra cho sản phẩm. Các ngân hàng phải vào cuộc với tín dụng phù hợp.
Về liên kết sản xuất, Thủ tướng nhắc lại câu nói "muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau" và lưu ý: Trong bối cảnh mới và trước quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh, yêu cầu đặt ra là phải liên kết.
Người nông dân cần liên kết theo hướng lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, từ đó các HTX cạnh tranh lành mạnh; tạo ra chuỗi sản phẩm, chuỗi giá trị, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm; tiến hành xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại…
Còn về Đề án 1 triệu ha sản xuất lúa chất lượng cao, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, bên cạnh chính sách hỗ trợ HTX, Agribank sẽ có những gói tín dụng riêng cho các doanh nghiệp và các HTX tham gia vào Đề án với tiêu chí thành viên HTX càng đông thì lãi suất có thể càng thấp. Cùng với đó là chính sách hỗ trợ logistics, kho lưu trữ, liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp.
Bộ trưởng Hoan cho rằng phải tư duy lại, trồng lúa không nhất thiết là bán lúa. Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với nông nghiệp tuần hoàn từ thân lúa, rơm, trấu,… đưa ngành lúa gạo thành ngành hàng tích hợp đa giá trị.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, phát triển nông nghiệp cần 5 thành tố quan trọng: thương hiệu; quy hoạch; doanh nghiệp; ngân hàng; ứng dụng khoa học công nghệ.
Trước hết phải có thương hiệu. Phải quy hoạch vùng nguyên liệu để bảo đảm sản xuất ổn định, đủ sản lượng theo thị trường. Doanh nghiệp cung ứng sản phẩm đầu vào, lo đầu ra cho nông dân. Ngân hàng cung cấp nguồn vốn với ưu đãi phù hợp còn khoa học công nghệ để nâng cao giá trị sản phẩm.
Để có những yếu tố này, người nông dân phải có đề án cụ thể theo quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh thì các bên mới có thể tham gia hợp tác, hỗ trợ.
Nông dân thật thà, cần linh hoạt trong cho vay vốn
Về câu chuyện vay vốn mà nông dân Nguyễn Hồng Quyết ở Bình Dương nêu ra tại cuộc đối thoại, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, dẫn thống kê đến thời điểm này có 18 văn bản, liên quan đến 18 cơ chế chính sách trực tiếp hỗ trợ lĩnh vực nông nghiệp nông thôn của người nông dân.
Trong đó, không phải chỉ có những cơ chế chính sách chung cho cả nước mà đi vào cụ thể từng vùng, miền. Ví như, khu vực ĐBSCL cho cây lúa, cho tôm, cho cá; đối với khu vực Tây Nguyên cho cây cà phê cũng như cây công nghiệp.... Thậm chí, có những cơ chế chính sách rất riêng cho thiên tai, dịch bệnh… để hỗ trợ kịp thời cho người nông dân.
Lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn mức tổng dư nợ đang là 3,3 triệu tỷ, tương đương 1/4 tổng dư nợ nền kinh tế. Mức tăng trưởng tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thường xuyên duy trì cao nhất trong tất cả các ngành, chiếm khoảng 10–12%/hàng năm.
“Chúng tôi cũng đặt vấn đề với Bộ NN-PTNT để cùng phối hợp với các bộ ngành khác, chuẩn bị nghiên cứu, mở rộng thêm các đối tượng để cho nông nghiệp nông thôn thụ hưởng”, ông Tú nói.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, người nông dân phải có hỗ trợ về tín dụng để phát triển sản xuất. Ông đề nghị ngân hàng cố gắng nghiên cứu các chính sách về tín dụng để hỗ trợ nông dân. Ngân hàng cần quan tâm hỗ trợ thế chấp tài sản trong tương lai. Cùng với đó, cần tăng cường hướng dẫn tháo gỡ khó khăn cho người nông dân ở ngay cơ sở để nông dân hiểu quy định của ngân hàng.
Các ngân hàng cũng cần nghiên cứu chính sách tiếp cận tín dụng cả tài sản thế chấp và cả tín chấp, nghiên cứu tín chấp nhiều hơn.
“Bản chất người nông dân thật thà, chân thành. Vì vậy cần linh hoạt trong tiếp cận vốn cho người nông dân. Cần tăng cường tín chấp tài sản hình thành trong tương lai cho người nông dân, Thủ tướng lưu ý.
Thủ tướng khẳng định, đóng góp của lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân vào thành tựu chung của đất nước là rất to lớn và hết sức quan trọng; khẳng định được vai trò và vị trí, góp phần làm vững chắc thêm nền tảng cho đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Sau khi lắng nghe nhiều ý kiến của nông dân, doanh nghiệp, bộ ngành, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao cuộc đối thoại diễn ra trong không khí dân chủ, trách nhiệm, hiệu quả, đề cập tới nhiều vấn đề khác nhau, góp phần giải quyết được một số vướng mắc, ách tắc với tinh thần xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, bám sát thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, dù một cuộc đối thoại không thể giải quyết được hết các vấn đề của nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Thủ tướng giao các bộ ngành, cơ quan tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện, trình ban hành sản phẩm cụ thể, phù hợp sau hội nghị để tổ chức triển khai hiệu quả, đồng bộ.