Thực hiện Quyết định số 957/QĐ-TTg ngày 06/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030, ngày 27/11/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu chung là chủ động nâng cao vai trò quản lý của các ngành, các cấp trong công tác theo dõi, đánh giá diễn biến sạt lở bờ sông, bờ biển, thực hiện các giải pháp phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển nhằm tạo điều kiện ổn định và phát triển kinh tế - xã hội khu vực ven sông, góp phần đảm bảo an ninh, quốc phòng.
Tỉnh Tiền Giang có vị trí địa lý khá đặc biệt thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, là tỉnh cuối nguồn của hệ thống sông Mê Kông. Phía Đông giáp biển Đông; Phía Tây giáp tỉnh Đồng Tháp; Phía Nam giáp tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long; Phía Bắc giáp tỉnh Long An, thành phố Hồ Chí Minh.
Tỉnh Tiền Giang có 32km chiều dài bờ biển, chịu ảnh hưởng mạnh chế độ bán nhật triều biển Đông và hai sông ảnh hưởng đến tỉnh là sông Tiền và sông Vàm Cỏ. Đoạn sông Tiền chảy qua tỉnh dài 115 km, là một trong những dòng chính của sông Mê Kông và cũng là nguồn cung cấp nước chủ yếu cho 92% diện tích canh tác của tỉnh.
Về tình hình sạt lở bờ biển, trong khoảng 10 năm gần đây bờ biển Tiền Giang xảy ra 23 điểm, tổng chiều dài 11,28 km đã làm xâm thực gây mất khoảng 700,36 ha rừng phòng hộ. Từ năm 2009 đến 2020, thực hiện chương trình củng cố nâng cấp đê biển (theo Quyết định số 667/QĐ-TTg ngày 27/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình củng cố nâng cấp hệ thống đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang đến năm 2020), tỉnh Tiền Giang kè bảo vệ mái đê biển Gò Công dài 11,28 km. Tổng kinh phí thực hiện 520,26 tỷ đồng. Ngoài ra, được sự quan tâm hỗ trợ tích cực của Chính phủ, Bộ ngành Trung ương và sự cố gắng nỗ lực của tỉnh, từ năm 2016 - 2021 tỉnh đầu tư xây dựng 18 dự án kè sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài 11,3km, tổng kinh phí 509,668 tỷ đồng.
Nguyên nhân của việc sạt lở bờ biển do tác động của điều kiện tự nhiên bao gồm các yếu tố sóng, gió, mưa, dòng chảy tác động đến hạ tầng ven bờ biển (trong đó có tác động của biến đổi khí hậu). Nền đất yếu, chịu tác động mạnh mẽ của sóng do ảnh hưởng của gió mùa Đông, Đông Bắc. Bên cạnh đó, lượng phù sa bồi đắp các bãi biển suy kiệt dần làm cây rừng ngập mặn dần suy thoái kết hợp với tác động mạnh mẽ của sóng biển làm cho diện tích rừng phòng hộ của tỉnh bị xâm thực nhanh chóng và bờ biển bị sạt lở nghiêm trọng, nhất là tại huyện Gò Công Đông.
Trong Đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030 trên địa bàn, tỉnh Tiền Giang đặt ra nhiệm vụ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân về phòng, chống sạt lở nhằm giảm nguy cơ sạt lở, các thiệt hại về người và tài sản do sạt lở bờ sông gây ra; Xây dựng cơ sở dữ liệu liên quan đến sạt lở bờ sông.
Căn cứ nội dung Đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, văn bản triển khai hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các nguyên nhân gây ra sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, các giải pháp triển khai là Rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống sạt lở bờ sông; Tổ chức điều tra cơ bản, xây dựng cơ sở dữ liệu, thiết kế quy hoạch; Triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách trước mắt, giải pháp căn cơ lâu dài, các công trình, phi công trình để phòng, chống sạt lở; Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ phục vụ phòng, chống sạt lở…