“Hậu quả, bi kịch cuối cùng của chiến tranh chính là con người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Vì vậy cuốn sách Bác Hana để lại cho chúng ta nhiều suy ngẫm và còn giữ nguyên giá trị tới ngày hôm nay”, bà Khúc Thị Hoa Phượng, Giám đốc NXB Phụ nữ VN chia sẻ.
Theo dịch giả Bình Slavická, "Hana" vừa mang ý nghĩa nhân hậu, dịu dàng lại vừa có nghĩa là hổ thẹn. Nó không chỉ là tên của nhân vật chính mà còn là cảm giác nhân vật ấy phải sống cùng suốt cuộc đời mình.
Câu chuyện được kể thành 3 phần và trải dài theo hai dòng thời gian riêng biệt đưa độc giả khám phá thị trấn Meziříčí, nhà giam ở Terezín và trại tập trung Auschwitz-Birkenau trong suốt những năm từ 1940 đến 1950. Khi Mira khám phá ra sự thật về lịch sử gia đình, lý do dẫn đến hành vi của bác Hana, dáng vẻ gầy yếu mong manh cũng như hình xăm trên cổ tay bác cũng được tiết lộ.
Điểm chung của những số phận đó, chính là mặc cảm tội lỗi. Họ thấy có lỗi, khi chỉ có mình sống sót. Họ trở về một thế giới không muốn họ, một thế giới không hiểu họ.
“Người ta khuyên tôi quên đi, bởi vì không muốn nghe những gì tôi có thể kể. Họ đã không cần phải sợ như thế. Tôi không thể quên được, những ký ức ấy đã vĩnh viễn hằn sâu trong óc tôi, giống như con số xăm trên cánh tay trái. Nhưng tôi thì không thể nói ra được ký ức ấy”, trích nội dung cuốn sách.
Tư liệu lịch sử chỉ giúp ta biết được điều gì đã xảy ra trong quá khứ, nhưng văn chương lại giúp mỗi người đồng cảm với các nhân vật, cảm nhận nỗi đau khổ và chứng kiến trực tiếp câu chuyện của họ.
Alena Mornštajnová sinh năm 1963 tại Valašské Meziříčí, tốt nghiệp ngành ngôn ngữ Anh và ngôn ngữ Séc tại trường Đại học Ostrava, Cộng hòa Séc. Hiện tác giả là giáo viên tiếng Anh và dịch giả. Tiểu thuyết Bác Hana giành giải thưởng Česká kniha (Giải thưởng sách Séc) năm 2018 là tác phẩm làm nên tên tuổi của Alena Mornštajnová và khiến bà trở thành một trong những nhà văn được yêu thích nhất của văn học Séc đương đại. Tác phẩm được dịch sang 18 ngôn ngữ, được chuyển thể sân khấu và điện ảnh. |