Chủ xe gia đình đồng tình kiểm định theo số km
Mới đây, chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ GTVT nghiên cứu quy định chu kỳ kiểm định theo số km nhận được sự chú ý của dư luận. Nhiều chủ xe gia đình bày tỏ sự ủng hộ phương án này thay vì tính chu kỳ kiểm định dựa trên thời gian sử dụng như hiện nay.
Anh Nguyễn Văn Tuấn (Nam Từ Liêm, Hà Nội) nhận định, việc dựa vào thời gian để đưa ra chu kỳ kiểm định như hiện nay chỉ mang tính tương đối.
“Xe cá nhân thường đi ít hơn xe kinh doanh vận tải, mỗi xe cá nhân cũng di chuyển khác nhau. Xe chạy càng nhiều thì độ hao mòn càng lớn, vì vậy tính theo km là hợp lý và công bằng hơn”, anh Tuấn cho hay.
Anh Tuấn dẫn chứng xe của anh đi chưa đến 1 vạn km/năm, còn xe của gia đình em trai di chuyển tới 2,5 vạn km/năm. Thế nhưng cả hai xe đều có chu kỳ đăng kiểm như nhau.
Trao đổi với VietNamNet về vấn đề này, TS. Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng việc tính chu kỳ đăng kiểm dựa trên km có thể chính xác nhưng không khả thi.
Theo ông Tạo, mục tiêu của đăng kiểm là dự báo mức độ an toàn của xe. Việc dự báo đánh giá dựa trên thời gian sử dụng và theo môi trường, cường độ hoạt động của xe, từ đó các nhà chuyên môn đưa ra đánh giá độ an toàn của xe.
Vị chuyên gia cho rằng, nếu tính được số km xe chạy một cách chuẩn xác để làm cơ sở xác định thời hạn chu kỳ đăng kiểm thì về mặt chuyên môn sẽ chính xác hơn, nhưng việc này không khả thi, phi thực tế.
Bởi vì hiện chưa có cách nào xác định chính xác số km xe chạy. Đồng hồ đo km gắn trên xe không đủ tính trung thực, thiết bị dễ dàng bị can thiệp như thay đồng hồ, tua số km.
“Nhiều ý kiến cho rằng với xe kinh doanh vận tải có thể theo dõi được vì đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Thế nhưng ngay cả thiết bị đó thì vẫn bị các chủ phương tiện can thiệp, làm sao để đánh giá được chính xác?”, ông Tạo băn khoăn.
Theo ông Tạo, để thực hiện được phương án này, sẽ phải lắp một đồng hồ khác để tính số km. “Như thế sẽ gây tốn kém và phiền toái khi phải xây dựng được quy chuẩn kỹ thuật, quy trình kiểm định riêng và phải có cơ chế giám sát để “khóa” tình trạng gian lận số km”, ông Tạo nêu vấn đề.
Đồng tình với quan điểm này, một chuyên gia giao thông khác cho rằng, xe gia đình dưới 9 chỗ chạy trung bình khoảng 50km/ngày, tức là mỗi tháng đi 1.500km, trong khi đó xe kinh doanh dịch vụ di chuyển trung bình mỗi tháng 30.000km. Như vậy, rõ ràng là thời gian hoạt động của xe kinh doanh gấp nhiều lần so với xe gia đình.
Ngoài ra, xe gia đình được chủ xe quan tâm chăm sóc, bảo dưỡng... tỉ lệ đạt ngay từ lần kiểm định thứ nhất là rất cao, khoảng 95%.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho rằng chu kỳ kiểm định xe nghiên cứu theo km thiếu tính khả thi, bởi khó kiểm soát được quãng đường thực mà xe đã chạy.
Sử dụng thường xuyên, bảo dưỡng định kỳ mới an toàn
Ông Tạo phân tích, sự hao mòn, hư hỏng của một xe ô tô được xác định theo 2 chỉ tiêu: Số km xe chạy (tức là cường độ mài mòn của các chi tiết) và sự hao mòn có tính chất vô hình (tự hao mòn theo thời gian, ở một số chi tiết như dầu nhớt, lốp).
Do đó, khi xác định quá trình hao mòn của xe, mọi người thường quan niệm những xe chạy nhiều sẽ nhanh hỏng hơn xe chạy ít; ô tô ít đi, hao mòn ít sẽ duy trì trạng thái hoạt động tốt hơn. Đây cũng là lý do nhiều chủ xe gia đình cho rằng nên tính chu kỳ đăng kiểm theo km.
“Tôi rất hiểu tâm lý của chủ phương tiện xe cá nhân khi cho rằng xe mình đi ít. Nhưng có cách nào để chứng minh, xác định xe anh đi ít hay đi nhiều đâu?”, ông Tạo lưu ý.
Giám đốc một trung tâm đăng kiểm cho biết thêm, thực tế xe sử dụng thường xuyên và được bảo dưỡng định kỳ mới an toàn. Xe mà nằm kho, trong gara cả năm không đi thì một số tính năng, kỹ thuật cũng tự suy giảm, hao mòn. Như thế xe đi ít không hẳn an toàn hơn xe đi thường xuyên.
Theo ông Tạo, toàn thế giới đang áp dụng kiểm định xe ô tô theo thời gian. Những nước tiên tiến có nền khoa học kỹ thuật phát triển như Mỹ, Đức, Pháp, Nhật Bản… cũng chấp nhận kiểm định theo thời gian.
“Không phải các nước chưa nghĩ đến kiểm định theo km mà bởi việc áp dụng trong thực tiễn không khả thi. Đúng là mong muốn kiểm định theo km về mặt chuyên môn, kỹ thuật là chính xác, hợp lý hơn, nhưng vì không xác định được chính xác nên cả thế giới hiện nay vẫn đang áp dụng kiểm định theo thời gian”, ông Tạo khẳng định.