Làm dâu vất vả
Cách đây hơn 50 năm, trên đường về quê thăm nhà, anh cán bộ địa chất Lương Văn Yên (nay đã 74 tuổi) vô tình nhìn thấy cô gái xinh đẹp đi ngược chiều. Tò mò, anh hỏi thăm và được người dân cho biết cô gái có tên Bùi Thị Xoan, sống ở địa phương.
Được người dân cho địa chỉ, ông Yên lập tức đến nhà, gặp bố mẹ bà Xoan. Tại đây, ông ngỏ lời xin phép bố mẹ bà Xoan cho mình quen biết, trò chuyện với bà.
Trong khi đó, bà Xoan không hề hay biết việc mình được ông Yên để ý. Mỗi tối, thấy ông Yên đến nhà trò chuyện với bố, bà Xoan tưởng ông là khách lạ đến thuê bố mình đi làm.
Nửa tháng sau lần gặp mặt tình cờ, bà Xoan thấy bố mẹ ông Yên mang trầu cau đến nhà nói chuyện cưới xin. Đến lúc này, bà mới biết người đàn ông hay đến chơi nhà đã để ý, có tình cảm với mình.
Tại chương trình Tình trăm năm tập 197, bà Xoan (nay 72 tuổi) kể: “50 năm trước, chuyện cưới xin đều được cha mẹ bàn tính, con cái chỉ ngồi nghe.
Vì cha mẹ đặt đâu con phải ngồi đấy nên khi bố mẹ nói tôi lấy ông Yên, tôi gật đầu đồng ý. Lúc đó, ông ấy cũng phong độ, đẹp trai nên tôi bằng lòng”.
Cũng chỉ nửa tháng sau ngày làm lễ dạm ngõ, ông bà tổ chức đám cưới. Hôn nhân đến quá nhanh khiến bà Xoan sợ hãi. Ngày cưới, khi tiệc tan, gia đình, dòng họ nhà gái về hết, bà thấy mình lẻ loi, trống vắng.
Lo sợ, bà trốn khỏi nhà chồng, trở về nhà mẹ đẻ. Ông Yên biết chuyện nhưng không vội chạy theo níu kéo. Ông biết vợ chưa quen nhà chồng, còn xấu hổ nên để bà có thời gian bình tâm.
Đến chiều tối, ông mới đến nhà bố mẹ vợ, lựa lời đưa bà Xoan về nhà. Đêm tân hôn, đôi vợ chồng trẻ ngủ trong căn nhà vách tre 3 gian rách nát. Dẫu vậy, cả hai vẫn có đêm động phòng hạnh phúc.
Cưới được 1 tuần, ông Yên lên đường sang Lào công tác suốt 3 năm. Bà Xoan ở lại, làm dâu người mẹ chồng hà khắc như thời phong kiến. Ngoài việc phải ra thưa, vào trình mẹ chồng, mỗi ngày bà phải làm lụng vất vả để tự nuôi thân.
Sau 3 tháng làm dâu, bà được mẹ chồng cho ăn riêng. Bà cụ cho con dâu vay 5kg gạo để ăn với điều kiện cuối mùa phải đong trả 15kg thóc.
Tết, bà Xoan cũng chỉ được vào bếp nấu cơm phụ mẹ chồng. Nấu xong, bà phải lánh mặt, không được ăn cơm chung mâm.
Bà kể: “Ngày tôi đi làm dâu, bố tôi là thợ mộc nên đóng cho 1 cái giường. Mẹ chồng cho đôi chiếu mới với cái chăn dạ. Chồng tôi mượn của anh trai cái võng dù rồi tháo ra căng lên làm tấm ri đô che phòng tân hôn.
Một hôm đi làm về, tôi thấy phòng không còn tấm ri đô và cái chăn dạ đâu nữa. Tôi hỏi thì mẹ chồng nói bà đã tháo xuống, cất đi để trả cho anh trai chồng. Năm ấy vào vụ rét, tôi lạnh quá phải xin rơm, phơi thật khô, giũ sạch bụi rồi để lên giường nằm cho ấm”.
Sau 3 năm vắng nhà, ông Yên mới được về quê. Dẫu vậy, ông bà vẫn không dám sinh con vì còn phải sống trong cảnh nhà xiêu, vách nát, không đủ điều kiện nuôi con.
Phải 2 năm sau, ông bà mới dám sinh đứa con đầu lòng. Sau đó, cả hai lần lượt có thêm 4 người con. Có con nhưng ông Yên không được ở nhà mà tiếp tục biền biệt đi công tác.
Hạnh phúc hiếm hoi
Bà Xoan ở lại nhà không chỉ phải làm thuê mưu sinh mà còn một tay chăm, nuôi đàn con nhỏ. Chồng lương ít, bản thân chỉ biết làm thuê lại không được mẹ chồng giúp đỡ, cuộc sống mẹ con bà Xoan trôi qua trong đói khổ.
Phải nhường cơm cho con ăn, nhiều lần bà Xoan té ngã, ngất xỉu trên bờ ruộng vì đói. Nhiều đêm, bà nằm khóc, hối hận đã lấy chồng vì thấy mình quá khổ. Bà đau khổ, tủi thân đến nỗi có lúc nghĩ quẩn, định tìm đến cái chết.
Bà tâm sự: “Lúc ấy tôi cực lắm, làm dâu nhưng không được mẹ chồng thương. Đến lúc tôi mang thai, mẹ cũng không quan tâm. Tôi sinh con buổi tối thì sáng hôm sau đã phải tự trầm mình dưới sông để giặt đồ. Các con tôi cũng không được mẹ chồng nhìn nhận.
Thời gian ấy, một tháng 30 ngày thì tôi khóc hết 28 ngày. Tôi tủi thân, đau khổ đến nỗi từng nghĩ đến việc không sống ở nhà chồng nữa. Nhưng khi nghe tôi kể, bố tôi chỉ nói rằng mẹ chồng có tuổi, rồi cũng mất nhưng ở với chồng là ở cả đời”.
“Thậm chí, ông còn dọa nạt khiến tôi không dám nói nữa, chỉ cố gắng chịu đựng.
Nhưng thấy con đói khổ, không được ai thương tôi đau lòng lắm. Có lần, tôi vừa đi chợ vừa tính chuyện mua đồ ăn về nấu bữa cơm ngon cùng ăn với 5 con rồi nghĩ quẩn”, bà Xoan nói trong nước mắt.
Những nỗi khổ của vợ ở nhà, ông Yên đều biết. Thế nên ông cố gắng làm lụng, gửi hết tiền lương ít ỏi của mình cho bà nuôi con. Ông cũng cố gắng viết thư về an ủi, động viên vợ vượt khó.
Nhận thư, dù ao ước ngày trước ông Yên đừng cưới mình và khóc ướt nhòe cả trang giấy, bà Xoan vẫn nghe lời chồng, cố gắng chăm sóc mẹ chồng cho đến khi bà mất. Cuối cùng, sau khi gặp sự cố ở một bên tai, ông Yên xin nghỉ hưu, trở về gia đình.
Thấy vợ con nheo nhóc, ông quyết định đưa gia đình đến tỉnh Sơn La làm kinh tế mới. Nơi đất khách, vợ chồng ông cật lực vỡ hoang, trồng vườn cây ăn trái. Ông bà siêng làm đến nỗi đêm trăng sáng cả hai không ngủ mà dậy cuốc đất, trồng cây.
Những nỗ lực của ông bà sớm có trái ngọt. Cả hai có cuộc sống ổn định, các con đều thành đạt. Dẫu vậy, sau thời gian dài làm việc cực nhọc, năm 2008 ông Yên lâm bệnh do biến chứng của bệnh tiểu đường.
Mấy năm trước ông lại bị tai biến, đột quỵ phải nằm liệt giường 3 tháng. Suốt thời gian này, bà Xoan ngày đêm túc trực vừa chăm sóc vừa động viên chồng vượt bệnh tật.
Những nỗ lực của bà như liều thuốc tinh thần giúp ông Yên chiến thắng bệnh, trở về gia đình. Tại chương trình Tình trăm năm, ông ngỏ lời cám ơn người vợ đã hy sinh cho mình suốt cả cuộc đời.
Đổi lại, bà Xoan khẳng định từ khi cưới đến bây giờ, ông Yên chưa bao giờ nói nặng với mình dù chỉ một lời. Ông luôn chứng tỏ mình là người chồng tốt, yêu thương vợ con hết mực.
Cuối chương trình, bà Xoan đọc những câu thơ bà viết tặng chồng trong lúc ông nằm viện. Bà cho biết, đó là những lời động viên chồng vượt bệnh tật và cũng là tình cảm, ước mong của bà trong cuộc hôn nhân này.
Bài thơ có đoạn:
"Ông ơi mất gì thì mất
Xin trời để lại còn đôi ông bà
Cuối đời có phải đi xa
Tôi xin đi trước, ông là đi sau...".