J. Biden không chỉ có mối quan hệ thân thiết, mà đã từng làm cấp phó cho tổng thống Barack Obama trong 08 năm. Vì thế, dễ hiểu vì sao ông bảo lưu khá nhiều di sản quan điểm chính sách của cựu tổng thống Barack Obama.
Ngay từ khi tranh cử, J. Biden đã nhấn mạnh và coi trọng hơn vị thế lãnh đạo của nước Mỹ trên bình diện thế giới. Theo J. Biden, chính quyền của tổng thống D. Trump đã hành động ích kỷ cho nên đã tự cô lập nước Mỹ, làm mờ nhạt các nguyên tắc dân chủ, hạ thấp vị thế của Hoa Kỳ trên trường quốc tế, làm suy yếu các đồng minh, và đặc biệt là đã làm giảm khả năng của Hoa Kỳ trong việc huy động các đối tác quốc tế để cùng ứng phó với những thách thức toàn cầu.
J. Biden cho rằng nước Mỹ cần tái khẳng định vị thế và vai trò lãnh đạo trên bình diện thế giới không chỉ dựa vào quyền lực cứng, tức là sức mạnh quân sự và kinh tế. Thay vào đó, nước Mỹ cần phải hướng đến vai trò lãnh đạo thế giới dựa vào sức mạnh mềm, thể hiện thông qua hình ảnh nước Mỹ như một tấm gương điển hình cho các quốc gia khác noi theo, nhất là về đạo đức.
Để hiện thực hóa được mong muốn khôi phục vị thế lãnh đạo của nước Mỹ trên phạm vi toàn cầu, J. Biden cho rằng nước Mỹ trước hết cần đổi mới và củng cố nền dân chủ trong nước, tăng cường quan hệ với các nền dân chủ đồng minh. Vì an ninh quốc gia không thể tách rời an ninh kinh tế, chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ cần phải dựa vào sức mạnh của tầng lớp trung lưu. Theo đó, giáo dục, sáng tạo công nghệ, và phát triển bao trùm nên là những mối quan tâm chính sách hàng đầu.
Trên bình diện quốc tế, nước Mỹ cần tích cực và chủ động tham gia các liên minh để ứng phó với những thách thức toàn cầu. Để huy động được sự ủng hộ của các đối tác, uy tín và ảnh hưởng của Hoa Kỳ cần phải được khôi phục trước hết dựa vào các biện pháp ngoại giao.
Các lợi ích sống còn của nước Mỹ phải được bảo vệ; Mỹ sẽ rút khỏi các cuộc xung đột khu vực tại Afghanistan và Trung Đông, tập trung vào nhiệm vụ chống khủng bố. Mỹ sẽ khôi phục và định hình lại quan hệ với NATO và các đối tác trên toàn thế giới. Chính quyền Biden cũng sẽ trở lại với “Thỏa thuận môi trường Paris” để thúc đẩy các quốc gia khác cùng chung tay xử lý các vấn đề môi trường, được cho là đã rơi vào khủng hoảng dưới thời D. Trump.
Quan điểm đối ngoại đề cao quyền lực mềm của Tổng thống J. Biden cũng thể hiện rõ trong định hướng chính sách với Trung Quốc, coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chứ không không phải là đối thủ "chiến tranh". Nói cách khác, chính quyền Mỹ dưới thời tổng thống J. Biden sẽ không thực hiện một cuộc chiến tranh lạnh với Trung Quốc. Thay vào đó, J. Biden cho rằng chính nước Mỹ phải tự đổi mới để gia tăng khả năng cạnh tranh. Các ưu tiên đầu tư phát triển năng lực cạnh tranh cho nước Mỹ bao gồm: cơ sở hạ tầng, giáo dục, y tế, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
J. Biden nhận thức rằng, để chiếm ưu thế trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung, chính quyền Mỹ không chỉ cần thúc đẩy sáng tạo và sản xuất trong nước mà còn phải nỗ lực cải thiện các chính sách thương mại với Trung Quốc, tăng cường quan hệ với các đối tác khác tại châu Á.
Ông Biden coi trọng quyền lực mềm trong đối ngoại, kêu gọi hợp tác với Trung Quốc để giải quyết các vấn đề toàn cầu như: bảo vệ môi trường, kiểm soát vũ khí hạt nhân, kiểm soát dịch bệnh.
Các đối tác như Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, và Australia được coi là những thành viên chủ chốt, nhằm mục đích chính là tạo sức ép buộc các quốc gia khác phải tuân thủ các nguyên tắc thương mại quốc tế, đồng thời bảo vệ chuỗi cung ứng cho liên minh, giảm sự lệ thuộc thương mại của từng thành viên trong liên minh vào thị trường cung cấp bên ngoài.
Trong quan hệ giữa nước Mỹ với Việt Nam, J. Biden nhận thức rằng thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với những quốc gia như Việt Nam là rất cần thiết trong khu vực.
Với quan điểm coi trọng thực chất và sự linh hoạt trong chính sách đối ngoại của Mỹ, Việt Nam sẽ được Mỹ đặc biệt quan tâm và thúc đẩy quan hệ chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực. Và bằng cách đó, tổng thống J. Biden có thể kỳ vọng vào sự trở lại mạnh mẽ hơn của nước Mỹ trong vai trò lãnh đạo trên phạm vi toàn cầu, dựa trên quyền lực mềm, để ứng phó với các thách thức chung.
Joseph Robinette Biden Jr. sinh ngày 20/11/1942 tại Scranton, bang Pennsylvania. Ông tốt nghiệp đại học Delaware vào năm 1965, và có thêm bằng J.D về Pháp lý vào năm 1968. J. Biden là người Thiên chúa giáo, đã trải qua hai cuộc hôn nhân và có 5 người con. Sự nghiệp chính trị của Joe Biden bắt đầu từ năm 1972, ở tuổi 29, khi ông được bầu vào Thượng viện và đến tháng 1/1973, Biden chính thức trở thành Thượng nghị sỹ Hoa Kỳ, đại diện cho bang Delaware. Ông tái cử Thượng nghị sỹ vào các năm 1978, 1984, 1990, 1996, và 2002. Từ 1987 – 1995, J. Biden đảm nhiệm vị trí chủ tịch Ủy ban tư pháp của Thượng viện Hoa Kỳ. Tháng 1/1987, J. Biden tham gia cuộc đua vào vị trí Tổng thống nhưng bỏ cuộc sau ba tháng. Từ năm 2000 – 2003 và 2007 – 2009, ông là chủ tịch Ủy ban đối ngoại của Thượng viện Hoa Kỳ. Tháng 1/2007, ông lại tham gia tranh cử cho vị trí Tổng thống nhưng cũng lại bỏ cuộc sớm. Tháng 11/2008, J. Biden được bầu vào vị trí phó tổng thống Hoa Kỳ, và tiếp tục tái cử vào tháng 11/2011. |
TS Nguyễn Văn Đáng