Theo đề xuất, phần mái che dự kiến có kết cấu khung sắt lợp tôn, đóng trần, vươn ra ngoài chừng 4m, kinh phí từ 20-30 tỉ đồng được huy động xã hội hóa hoặc từ ngân sách.
Đây là khu vực trung tâm, nơi có nhiều giá trị văn hóa, sát chợ Bến Thành được trả lại mặt bằng sau 8 năm rào chắn thi công Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) được cho là đang trong điều kiện chưa thể bố trí ngay mảng xanh đủ lớn tạo bóng mát cho vỉa hè.
Mái che tôn không phù hợp với đường Lê Lợi
Lý do, ánh nắng mặt trời tạo ra nguồn sáng, nhiệt lượng. Tôn là loại vật liệu hấp thụ nhiệt khá cao, nếu áp dụng làm mái che chống nắng dù có làm trần phía dưới cũng có thể tích trữ gây nóng không gian xung quanh, nhất là trong điều kiện mùa khô với khí hậu nhiệt đới như TP.HCM.
Chưa kể làm mái che hẳn ít nhiều sẽ cản gió, khuất tầm nhìn, cảm giác ngột ngạt. Xét về bố cục, màu sắc có lẽ không hài hòa cảnh quan kiến trúc khu vực hiện đại bậc nhất cả nước.
Biết rằng triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng, metro hay các dự án khác cũng nhằm hướng đến thành phố văn minh, hiện đại phục vụ sự phát triển thì đôi khi cũng phải “hy sinh” đốn hạ cây xanh nhưng làm xong rồi thì nên tìm cách bổ sung với số lượng phù hợp.
Trục đường Lê Lợi không phù hợp làm mái che nắng, mưa bởi phía dưới có không gian ngầm đi bộ với lối lên xuống nhà ga dẫn đến các trung tâm mua sắm, ăn uống tiện ích. Thay vào đó nên tăng cường mảng xanh, đừng lấy lý do trồng cây xanh chờ có bóng mát mất thời gian khá lâu. Nếu quyết tâm sẽ làm được vì vẫn có thể trồng lại cây xanh có kích cỡ lớn, chăm sóc tốt trong thời gian ngắn cũng có thể rợp bóng mát, hiệu quả thiết thực và lâu dài.
Cần thiết kế không gian mặt đường, vỉa hè này theo phong cách hiện đại với văn hóa tạo thêm không gian mở cho người dân vui chơi, đạt yêu cầu về mỹ quan, thoáng đãng, mát mẻ và hài hòa cảnh quan xung quanh phố đi bộ Nguyễn Huệ, công viên Bến Bạch Đằng.
Hạn chế xe cá nhân, sử dụng giao thông công cộng kết hợp đi bộ. Tùy vị trí phù hợp làm các công viên lớn, nhỏ kết hợp trồng cây tạo mảng xanh, thảm cỏ, vườn hoa, bố trí ghế đá dọc lối đi… Làn riêng cho xe đạp công cộng, các lối đi bộ, sân khấu ngoài trời, khu vui chơi, nơi dành cho thể thao, nhà vệ sinh và các cơ sở dịch vụ mua bán, ẩm thực, cà phê.
Nếu làm mái che nắng, mưa tùy vị trí tạo thêm điểm nhấn cảnh quan, sử dụng mái che di động có thể thu gọn lại lúc trời mát hay lồng ghép lắp đặt mái che bằng năng lượng mặt trời vừa lấy nguồn điện phục vụ sinh hoạt cộng đồng, công viên, chiếu sáng. Nơi có thể xem xét áp dụng là công viên Bến Bạch Đằng tại khu vực cầu tàu, trạm buýt đường thủy.
Thành phố đáng sống không thiếu mảng xanh
Hầu hết các thành phố phát triển trên thế giới, nơi có chất lượng sống tốt đều không ngừng phát triển mảng xanh tạo bóng mát, cảnh quan, giảm khói bụi, thanh lọc khí độc.
Một người bạn làm tư vấn trong lĩnh vực quản lý đô thị tại Singapore trong lần về nước được tôi chở trên xe máy dạo quanh qua các tuyến đường tại nội đô TP.HCM đã thắc mắc, “sao ở đây lại ít mảng xanh quá vậy?”. Rồi anh kể rằng, Singapore có được mảng xanh ngày nay nhờ quyết tâm từ chính quyền đến người dân đều có trách nhiệm gìn giữ và phát triển mảng xanh, trồng cây. Chính quyền hoạch định chủ trương, xem cây xanh đường phố là xương sống cho “thành phố trong vườn”, tận dụng mọi cơ hội phát triển mảng xanh được tích hợp vào khung chính sách.
Hiện TP.HCM có khoảng 102.000 cây xanh có đánh số. Singapore có đất rộng khoảng bằng 1/3 diện tích và chỉ bằng 1/2 dân số TP.HCM nhưng có hơn 2 triệu cây xanh, cũng là khí hậu nhiệt đới nhưng không khí ôn hòa và đường phố sạch sẽ hẳn nhờ nhiều cây xanh.
TP.HCM đã thông qua đề án phát triển mảng xanh giai đoạn 2020 - 2030. Dự kiến đất công viên có thêm ít nhất 150ha (tăng 0,65m2/người) đến năm 2025, 450ha (đạt 1m2/người) đến năm 2030. Trước đó đồ án quy hoạch năm 2020, TP.HCM đặt mục tiêu diện tích công viên công cộng sẽ đạt 11.400ha, diện tích công viên cây xanh đạt 7m2/người. Thực tế hiện nay chỉ đạt 500ha, bình quân chỉ đạt 0,55m2/người.
Khu vực nội thành, nhiều đồ án quy hoạch phân khu chưa quan tâm đúng mức để phát triển mảng xanh, khi xây dựng công trình đã có không biết bao hàng cây cổ thụ bị đốn hạ như ở đường Lê Lợi, Tôn Đức Thắng. Những hàng cây trồng mới liệu có thay thế cho mảng xanh từ hàng cây cổ thụ đã mất đi? Nhiều tuyến đường khác có cây xanh nhưng rất ít, còi cọc.
Nên chăng, rà soát quy hoạch phân khu trên cơ sở quy hoạch chung TP.HCM và có sự điều chỉnh phù hợp với nhu cầu phát triển mảng xanh. Quy định bằng hành lang pháp lý, các công trình đều hướng đến bảo vệ môi trường và cảnh quan tạo không gian xanh.
Khuyến khích người dân, doanh nghiệp trồng cây phát triển mảng xanh. Tùy theo điều kiện có thể lồng ghép hình thành các công trình xanh, khu dân cư xanh. Tăng mật độ cây xanh tối đa với các dự án nhà ở, bệnh viện, trường học, cơ sở tư nhân, cơ quan nhà nước.
TP.HCM hiện vẫn còn những hàng cây xanh cổ thụ trên một số tuyến đường được trồng từ thời Pháp vốn nổi tiếng về quy hoạch, thiết kế và xây dựng, giờ vẫn xanh tốt. Cần lập danh sách cho các loại cây xanh cổ thụ này tùy kích cỡ và chuẩn loại lâu năm xem như “di sản” được ưu tiên bảo tồn giữ lại, có thể điều chỉnh hạng mục công trình hạn chế ảnh hưởng. Phát hiện kịp thời các dấu hiệu bất thường để xử lý bảo vệ mảng xanh, nhất là loại cổ thụ.
Khu vực nội thành thiếu mảng xanh trầm trọng, nén chặt nhà cao tầng, khó tìm ra quỹ đất làm công viên hoặc nơi sinh hoạt cộng đồng. Nếu tận dụng được các trục đường hiện hữu phát triển mảng xanh sẽ thuận lợi, không phải giải tỏa nhà dân và tốn kém đền bù, vị trí rất đắc địa thích hợp trong quy hoạch kết hợp khai thác thu hút du lịch và phát triển văn hóa, mở rộng không gian phục vụ cộng đồng, nâng cao chất lượng sống cho người dân.
Trần Văn Tường