Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên phủ trên không”, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với các đơn vị tổ chức triển lãm “Từ mặt đất đến bầu trời” tại Di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long.
Triển lãm giới thiệu hơn 100 tài liệu, gồm 2 chủ đề: B52: Hà Nội không bất ngờ; Từ mặt đất đến bầu trời nhằm ôn lại truyền thống cách mạng hào hùng của dân tộc, góp phần làm rõ hơn về thế trận phòng không mà quân và dân Hà Nội và các tỉnh miền Bắc Việt Nam đã chuẩn bị, chiến đấu đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược với mật danh Linerbaker II của Mỹ.
Đặc biệt, lần đầu tiên câu chuyện của 108 phi công Việt Nam - những nhân chứng đã từng tham gia chiến đấu bảo vệ nền độc lập dân tộc, thống nhất đất nước được giới thiệu. Trong đó có câu chuyện của những người trực tiếp tham gia chiến đấu đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược bằng B.52 của đế quốc Mỹ cuối năm 1972.
Triển lãm trưng bày ảnh chân dung những phi công quân sự Việt Nam, những con người làm nên lịch sử, gắn liền với chiến dịch Điện Biên Phủ trên không. Các chiến sĩ lái máy bay trẻ của Việt Nam hầu hết là thanh niên nông thôn, những người vừa tạm xa tay cày, tay cuốc, ruộng đồng lên đường chiến đấu.
Thượng tướng - AHLLVTND - phi công MiG-21 ACE Phạm Thanh Ngân đã trực tiếp bắn rơi 8 máy bay của Không quân Hoa Kỳ và chỉ huy đơn vị bắn rơi 8 máy bay khác. Ông là một trong 16 phi công Việt Nam được công nhận danh hiệu Aces (Át chủ bài). Trên chiếc “Én bạc 34”, phi công Phạm Thanh Ngân đã trực tiếp hạ 2 máy bay F105 - “Thần Sấm” của Không quân Hoa Kỳ. Đây cũng là thành tích cao nhất mà những người từng lái MiG-21 số hiệu 4324 từng đạt được.
Đại tá - AHLLVTND Nguyễn Văn Bảy - nguyên Phó tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không Không quân Việt Nam là phi công đã bắn rơi 7 máy bay Mỹ. Ông cũng là người từng tham gia trận “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.
Trung tá - AHLLVTND - phi công MiG-21 Nguyễn Văn Minh (sinh năm 1939 tại xã Xuân Đài, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định). Ông nhập ngũ tháng 2/1960. Năm 1966, ông tốt nghiệp trường không quân ở Liên Xô rồi về công tác tại Trung đoàn 921. Cựu binh từng bắn rơi 3 máy bay F-4 của Mỹ.
Chân dung Trung tướng - phi công MiG-21 Phạm Tuân, người đầu tiên bắn hạ được máy bay B52 từ trên không và trở về an toàn. Với thành tích này, ông đã được phong danh hiệu AHLLVTND vào ngày 3/9/1973. Lúc đó, ông thuộc quân số của Đại đội 5, Trung đoàn 921, Sư đoàn 371. Năm 1980, ông cũng là người đầu tiên của Việt Nam và châu Á bay lên vũ trụ.
Thiếu tướng - AHLLVTND - phi công MiG-21 ACE Mai Văn Cương đã bắn rơi 5 máy bay địch. Năm 1967, trong một trận không quân ác liệt, người cựu binh đã phải nhảy dù từ độ cao 6.000 mét và bị thương nặng - sụt xương sống, gãy hàm răng và ngất đi.
Ông Đặng Quang Thướng (75 tuổi) bắt chuyến tàu điện từ Hà Đông đến tham quan triển lãm. Từng làm việc hậu cần tại Quân chủng Phòng không - Không quân, ông chia sẻ, ngày đó tất cả đều dành sự ưu tiên cho không quân để họ có thể làm chủ phương tiện, chiến thắng trên bầu trời. Nhớ về một thời hoa lửa, cựu binh nghẹn ngào: “Trong suốt 12 ngày đêm, mỗi lần nghe tin máy bay địch rơi ai cũng cảm thấy hạnh phúc, thấy chiến thắng đến gần hơn”.
Là người con miền Nam từng nhiều lần ra thăm Lăng Bác nhưng đây là lần đầu tiên anh Nguyễn Hữu Phúc (quận Tân Bình) ghé thăm Hoàng thành Thăng Long và tham quan triển lãm "Từ mặt đất đến bầu trời". Dù đã được học và đọc nhiều tài liệu nhưng khi trực tiếp chứng kiến những hiện vật và tư liệu tại triển lãm, anh cảm nhận rõ hơn về sự ác liệt của chiến tranh và cảm thấy trân trọng những phi công nhỏ bé đã góp phần làm nên chiến thắng "lững lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Bước ra từ chiến tranh, những phi công lại trở lại cuộc sống dân dã, bình dị thật gần gũi.
Có mặt tại triển lãm, bạn Nhâm Hồng Nhung (Bắc Từ Liêm) không giấu nổi sự xúc động và ấn tượng mạnh về câu chuyện của 108 phi công Việt Nam. Đứng trước bức ảnh của Thiếu úy, phi công MiG-17 Phan Điệt, nữ sinh cảm phục trước nghị lực của người lính cụ Hồ đã bắn rơi 1 máy bay Mỹ và nhảy dù dẫn tới liệt nửa người khi mới 24 tuổi. “Các bác đã dành cả cuộc đời cống hiến cho Tổ quốc”, Nhung nói.
Những hồi ức và hình ảnh được chia sẻ thông qua những câu chuyện chân thực của chính những người trong cuộc được chia sẻ tại triển lãm sẽ giúp công chúng và thế hệ trẻ một lần nữa ôn lại truyền thống cách mạng hào hùng, trân trọng ký ức hào hùng của “một thời đạn bom, một thời hòa bình”.