Rối rắm, phức tạp, phiền hà
Tôi vốn là một kỹ sư xây dựng. Sau nhiều năm làm quản lý ở các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, tôi thấy các thủ tục hành chính luôn rối rắm, phức tạp, chồng chéo, phiền hà và tốn kém về thời gian, tiền bạc.
Có những dự án duy tu, sửa chữa ổ gà, ổ voi có tổng vốn đầu tư chỉ vài tỉ đồng, thi công vài đêm là xong, nhưng quy trình, thủ tục phải mất nhiều tháng, thậm chí vài năm. Có những nơi tai nạn đã xảy ra với dân trên đường bởi các ổ gà, ổ voi đó mà chúng tôi vẫn phải ngóng chờ thủ tục chưa xong.
Có công trình phát sinh trụ điện, trụ viễn thông mới phải xây dựng hay chướng ngại vật cần di dời thì phải xin điều chỉnh, bổ sung. Khi được chấp nhận, công trình đó mới tiếp tục được triển khai. Thời gian, công sức cho những việc như vậy rất tốn kém.
Sau nhiều trải nghiệm trong nghề, tôi cho rằng cách quản lý đầu tư công vẫn còn mang dáng dấp bao cấp, bị chi phối bởi nhiều quy định chồng chéo, rắc rối không đáng có. Trong không ít trường hợp, sự đổi mới, sáng tạo, sáng kiến của tổ chức và cá nhân đã bị phớt lờ thậm chí triệt tiêu.
Chẳng hạn, đơn giá, định mức các loại vật liệu cát, đá, sắt, thép, xi măng, bù lon, ốc vít... bị quản lý quá chặt chẽ, cứng nhắc. Không ít trường hợp dự án sắp tổ chức đấu thầu phải dừng để điều chỉnh lại định mức, đơn giá vật liệu cho dù không làm tăng tổng mức đầu tư. Trên thực tế, những yếu tố này chỉ là dự toán cho chi phí đầu vào, chứ không phải là căn cứ để thanh toán cho nhà thầu.
Từ thực tế đó, tôi xin mạo muội góp ý cho các dự án, công trình lớn đang đứng trước rủi ro chậm tiến độ mà báo chí tường thuật gần đây.
'Thủ tục hành chính đến ba năm chín tháng chưa xong'
Tại buổi kiểm tra hiện trường dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành chiều 13-3, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: "Tôi thấy rất vô lý. Tiền nhàn rỗi của VEC đang gửi tiết kiệm, trong khi công trình quan trọng lại trì trệ nhiều năm. Tiền nào chẳng là tiền của Nhà nước!".
Dự án này đã đình trệ dẫn tới nhiều nhà thầu khởi kiện, đòi bồi thường. Chủ đầu tư, Tổng công ty Đầu tư Phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC) đề xuất dùng nguồn thu phí do VEC quản lý để tự cân đối vốn, tiếp tục thi công dự án.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính không đồng tình vì cho rằng nguồn thu phí mà VEC đang quản lý thuộc sở hữu nhà nước, không phải vốn chủ sở hữu riêng VEC. Vì vậy, không có cơ sở cho VEC tự lấy để làm vốn đối ứng.
Vì thế, Phó Thủ tướng mới chỉ đạo như nêu trên.
Dự án bị đình trệ bởi một lý do nữa: VEC được điều chuyển chủ quản từ Bộ Giao thông qua Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước.
Phó Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, ngành phải rà soát, đưa ra giải pháp đẩy nhanh tiến độ vì dự án “chậm quá rồi”. Ông nói: "Thủ tục hành chính gì mà đến ba năm chín tháng chưa xong!".
Nếu có cơ chế tháo gỡ nút thắt về thủ tục và vốn, có lẽ dự án quan trọng này đã hoàn thành và được đưa vào sử dụng, tạo ra trục giao thông kết nối liên hoàn, hiệu quả kinh tế vô cùng lớn.
Một dự án giao thông nổi tiếng khác là tuyến Metro số 1 tại TP.HCM. Dự án đã hoàn thành hơn 94% khối lượng công việc, dự kiến đưa vào khai thác sử dụng cuối năm 2023. Tuy nhiên, nỗi lo lớn nhất hiện nay là khâu quản lý, vận hành và tất nhiên là kinh phí đi kèm.
Ủy ban Nhân dân TP.HCM nhiều lần đề nghị các bộ, ngành liên quan hoàn tất thủ tục bổ sung vốn điều lệ cho Công ty TNHH MTV Đường sắt Đô thị số 1.
Trước đó, đơn vị này được thành lập cho dự án Metro số 1 với số tiền vỏn vẹn 14 tỉ đồng vốn điều lệ, nhiều năm qua không được cấp kinh phí nên không có tiền trả lương cho cán bộ, kỹ sư, người lao động trong nhiều tháng. Nhiều nhân sự có trình độ cao đã nghỉ việc, đội ngũ nhân sự kỹ thuật, vận hành, bảo dưỡng cũng chưa được tuyển dụng đúng theo kế hoạch trong khi thời gian đã cận kề.
Trao quyền tự chủ nhiều hơn
TP.HCM đã kiến nghị tháo gỡ những vấn đề tưởng như khá đơn giản nhưng vẫn không được giải quyết. Ví dụ, kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn tất thủ tục trình Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện dự án Metro số 1 hoàn thành cuối năm 2023 hay báo cáo Thủ tướng chấp thuận thời gian hoàn thành đưa vào sử dụng dự án Metro số 2 vào năm 2030.
Thực tế cho thấy, nhiều dự án giao thông quan trọng cứ phải cứng nhắc tuân thủ đúng quy định, trình tự, thủ tục không biết bao giờ mới hoàn thành.
Các dự án cao tốc trên trục Bắc - Nam, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, vành đai 3 TP.HCM, vành đai 4 Hà Nội liệu có kịp để khởi công trước ngày 30-6-2023?
Nếu cứ theo quy định, trình tự, thủ tục cấp phép khai thác các mỏ cát, đất, đá thì 7 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông với tổng chiều dài hơn 410km đang dừng chờ vật liệu làm sao có thể hoàn thành theo kế hoạch?
Rõ ràng, có những nguyên tắc, quy định, trình tự, thủ tục như hiện nay đang làm mất nhiều thời gian.
Nên chăng cần thay đổi cách quản lý, thủ tục đầu vào để dự trù chi phí và kiểm soát chất lượng, giá cả cho đầu ra.
Cần tổ chức đấu thầu, đấu giá cạnh tranh sao cho công bằng làm cơ sở thanh toán. Tiến độ hạng mục, công việc nào bị chậm so với kế hoạch trong dự án thì phạt, từ chối thanh toán sản phẩm không đạt chất lượng.
Các nguyên tắc, quy định được đặt ra nhằm phục vụ sự phát triển nhưng một khi trở thành chướng ngại cản trở kìm hãm mục tiêu đó thì không nên tồn tại nữa. Giảm thủ tục rườm rà, không cần thiết còn giúp tiết kiệm chi phí, lãng phí ngân sách và mang lại hiệu quả kinh tế nhiều hơn.
Nếu dự án Cao tốc Bến Lức - Long Thành hoàn thành, đưa vào khai thác theo kế hoạch ban đầu năm 2018 thì lợi ích vô cùng lớn so với năm 2025.
Cần phân cấp và giao quyền tự chủ đối với các địa phương để tăng tính chủ động giải quyết các vấn đề nóng, đặc biệt là cơ sở hạ tầng giao thông, hạn chế “xin - cho”. Vai trò các bộ, ngành cũng cần thay đổi từ cấp tham mưu, quyết định trở thành giám sát và cố vấn.
Kỹ sư Trần Văn Tường