Ung thư mũi họng, đặc biệt là ung thư vòm, nằm trong bệnh cảnh chung của ung thư đầu cổ, chủ yếu xảy ra ở người châu Á, Đông Nam Á và châu Phi. Việt Nam nằm trong vùng dịch tễ, vì thế ung thư vòm họng xảy ra với khá nhiều người.
Bệnh xảy ra ở nam nhiều hơn nữ, thường gặp ở tuổi từ 30-50. Ca nhỏ tuổi nhất mắc ung thư vòm họng mà Bệnh viện Ung bướu Hà Nội từng gặp là nam sinh 16 tuổi. Từ sau 65 tuổi, tỷ lệ gặp của bệnh lại ít đi.
Dấu hiệu nghi ngờ sớm ung thư vòm họng
Ung thư vòm họng là bệnh có triệu chứng mượn, dễ nhầm với các bệnh lý mũi họng, cảm cúm thông thường, nên bệnh nhân thường chủ quan. Ở giai đoạn muộn, biểu hiện ung thư vòm họng điển hình hơn, nhưng vẫn tiếp tục mượn các triệu chứng của bệnh lý khác. Thông thường, nếu các triệu chứng sau xuất hiện 1 bên, 1 vị trí và tăng dần, cần chú ý:
- Mũi: Ngạt mũi, tắc mũi, chảy mũi, xì máu 1 bên
- Tai: Ù tai, đau tai 1 bên
- Mắt: Đau hố mắt sau thái dương 1 bên; nhìn mờ, khó chịu.
- Họng: Nuốt vướng, nuốt đau 1 bên.
Ngoài ra, bệnh nhân ung thư vòm họng có thể xuất hiện hạch sau góc hàm không đau, bất ngờ to lên. Bệnh nhân khi đến khám, bác sĩ sẽ nghĩ đến ngay ung thư vòm, cảnh báo giai đoạn muộn của bệnh.
Những triệu chứng mượn của thần kinh như đau đầu, lác mắt, liệt, sụp mi, nuốt nghẹn, sặc… đó là biểu hiện của khối u lan rộng vào nền sọ. Việc chẩn đoán không khó nhưng điều trị khó hơn nhiều.
Khi nào nên đi khám để tầm soát ung thư vòm họng?
Ở giai đoạn sớm, triệu chứng ung thư vòm họng thường thoáng qua, không có cách nào phòng ngừa được. Tuy nhiên, những người hút thuốc lá, đàn ông từ 30-50 tuổi, phải đi khám ngay nếu các triệu chứng trên kéo dài trên 2 tuần.
Việc tầm soát khi chưa có bệnh phải thực hiện qua khám định kỳ. Với người trên 30 tuổi, đi khám 1 năm/lần, từ 40 tuổi trở đi nên khám 6 tháng/lần.
Đặc biệt, các đối tượng nguy cơ cao như người thường xuyên ăn đồ muối, mốc, nướng; người làm trong môi trường khói bụi như thợ xây, thợ sơn hắc ín (phải hít khí độc của hóa chất vào mũi)… thì càng phải lưu ý đi tầm soát định kỳ thường xuyên hơn. Ngoài ra, những người điều trị dai dẳng các triệu chứng xảy ra ở một bên mũi, tai, mắt, đau đầu không rõ nguyên nhân... vẫn tái diễn, kéo dài trên 2 tuần, thì nên đi khám.
Phát hiện, can thiệp sớm sẽ mang lại tiên lượng đáp ứng điều trị và chất lượng cuộc sống tốt hơn. Ngoài khám lâm sàng, có 2 xét nghiệm quan trọng với bệnh nhân đi khám từ khi chưa có triệu chứng điển hình, gồm siêu âm vùng cổ đánh giá hệ thống hạch và nội soi tai mũi họng. Nếu nghi ngờ, bác sĩ sẽ chỉ định bấm sinh thiết và các xét nghiệm chuyên sâu.
Nhiều bệnh nhân phát hiện bệnh khi đã muộn, ban đầu chỉ là triệu chứng "mượn" nên chủ quan. Điều này gây ra nhiều khó khăn cho bệnh nhân và thầy thuốc. Ngoài việc khiến hiệu quả, đáp ứng điều trị và chất lượng sống kém hơn, đến viện điều trị ở giai đoạn muộn cũng khiến bệnh nhân nặng nề hơn trong khả năng chi trả chữa bệnh.
Bên cạnh đó, tiên lượng sống của bệnh nhân phát hiện, điều trị muộn rất thấp. Nếu điều trị ở giai đoạn sớm, tỷ lệ sống trên 5 năm khoảng 70-80%, nhưng nếu muộn thì giảm còn 20-30%.
Tiến sĩ Đàm Trọng Nghĩa, Trưởng khoa Ngoại đầu cổ, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội