Theo truyền thống từ thời Tây Chu, chú rể tương lai thường tặng cho gia đình cô dâu một số tiền để thể hiện sự chân thành và giàu có của mình. “Giá cô dâu” là một khái niệm phổ biến ở các quốc gia Nam Á.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, khoản tiền trao tặng mang tính truyền thống này đã đạt mức cao nhất mọi thời đại - trung bình 20.000 USD (gần 470 triệu đồng) ở một số tỉnh của Trung Quốc, khiến việc kết hôn ngày càng trở nên khó khăn.
Lo ngại về nguy cơ sụt giảm dân số lần đầu tiên trong 6 thập kỷ và tình trạng dân số đang già đi nhanh chóng, các quan chức nước này đang đưa ra một loạt chính sách nhằm mở ra một “kỷ nguyên mới” về hôn nhân và sinh đẻ.
Chính quyền các địa phương bắt đầu triển khai những chiến dịch tuyên truyền hướng dẫn phụ nữ chưa lập gia đình không cạnh tranh với nhau để “hét giá”. Một số quan chức địa phương đã can thiệp trực tiếp vào các cuộc đàm phán riêng tư giữa các gia đình, theo tờ The New York Times.
Tại Daijiapu, một thị trấn ở đông nam Trung Quốc, các quan chức gần đây đã tập hợp phụ nữ chưa kết hôn lại để ký cam kết công khai từ chối “hét giá” cao.
Mô tả sự kiện này trên trang web của mình, chính quyền địa phương cho biết họ hy vọng người dân sẽ từ bỏ những phong tục lạc hậu như vậy và thực hiện phần việc của mình để “bắt đầu một xu hướng văn minh mới”.
Ngăn chặn tình trạng “hét giá” cô dâu chỉ là một trong số những giải pháp mà Hiệp hội Kế hoạch hóa gia đình Trung Quốc đang thử nghiệm ở hơn 20 thành phố nhằm mục tiêu tăng dân số quốc gia. Còn một giải pháp khác là khuyến khích cả đàn ông và phụ nữ cùng chia sẻ trách nhiệm nuôi dạy con cái.
Trước đó, các địa phương cũng từng đưa ra các biện pháp bao gồm ưu đãi thuế, trợ cấp nhà ở và giáo dục miễn phí hoặc trợ cấp cho người sinh con thứ 3.
Hồi tháng 3 năm nay, các cố vấn của chính phủ đã đề xuất phụ nữ độc thân và chưa kết hôn nên được tiếp cận với phương pháp đông lạnh trứng và điều trị IVF, cùng với các dịch vụ khác để tăng tỷ lệ sinh.
“Xã hội cần định hướng giới trẻ nhiều hơn về khái niệm hôn nhân và sinh con”, nhà nhân khẩu học He Yafu chia sẻ với tờ Global Times.
Tuy nhiên, chiến dịch đã vấp phải sự chỉ trích, trong đó nhiều người bình luận trên mạng xã hội đặt câu hỏi “tại sao gánh nặng giải quyết vấn đề lại đổ lên đầu phụ nữ?”, tờ Telegraph đưa tin.
Các biện pháp tăng tỷ lệ sinh đẻ gần đây của Trung Quốc cũng không mang lại hiệu quả, trong đó một số phụ nữ cho rằng các chính sách này không giải quyết hiệu quả vấn đề chi phí chăm sóc trẻ em. Trong khi đó, nhiều phụ nữ đã quyết định không sinh con do áp lực xã hội buộc họ phải hạn chế phát triển sự nghiệp.