Theo Bộ GD-ĐT, chuẩn cơ sở giáo dục đại học được sử dụng làm cơ sở để thực hiện quy hoạch, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và đầu tư phát triển hệ thống giáo dục đại học theo quy định của pháp luật.
Cùng đó, xem xét, thẩm định và giám sát các điều kiện cho phép hoạt động đào tạo, đình chỉ hoạt động đào tạo đối với các cơ sở đào tạo và phân hiệu của các cơ sở giáo dục đại học theo quy định.
Chuẩn cơ sở giáo dục đại học cũng được sử dụng xác định các điều kiện bảo đảm chất lượng và các biện pháp cải tiến chất lượng giáo dục của cơ sở đào tạo; thực hiện trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch thông tin của cơ sở đào tạo đối với người học, xã hội và cơ quan quản lý nhà nước theo quy định.
Ngoài ra, chuẩn cơ sở giáo dục đại học còn được sử dụng để xem xét, kiểm tra, giám sát các điều kiện, tiêu chí về mở ngành, duy trì hoạt động ngành đào tạo, xác định chỉ tiêu tuyển sinh và tổ chức tuyển sinh đối với cơ sở đào tạo.
Theo dự thảo, Bộ GD-ĐT ban hành kèm theo thông tư này chuẩn cơ sở giáo dục đại học gồm 6 tiêu chuẩn và 26 tiêu chí.
6 tiêu chuẩn để đánh giá chuẩn cơ sở giáo dục đại học gồm: Tổ chức và quản trị; giảng viên; điều kiện dạy và học; Tài chính; Tuyển sinh và đào tạo; Nghiên cứu và đổi mới sáng tạo.
Một số tiêu chí đáng chú ý các vị trí lãnh đạo chủ chốt (chủ tịch hội đồng trường/hội đồng đại học và hiệu trưởng/giám đốc) được kiện toàn kịp thời, tổng thời gian trống các vị trí phải không quá 12 tháng.
Hay tỷ lệ sinh viên hài lòng với giảng viên về chất lượng và hiệu quả giảng dạy phải đạt trên 70%.
Tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp hài lòng với tổng thể quá trình học tập và trải nghiệm tại trường phải đạt trên 70%.
Ngoài ra, cơ sở đào tạo phải chứng tỏ năng lực nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, thể hiện qua nguồn thu khoa học - công nghệ và khả năng công bố khoa học.
Tiêu chí là tỉ trọng thu từ hoạt động khoa học - công nghệ trên tổng thu, tính trung bình trong 3 năm gần nhất, đạt tối thiểu 5%, đối với cơ sở đào tạo có đào tạo tiến sĩ phải đạt tối thiểu 10%.
Số lượng công bố khoa học tính trung bình trên một giảng viên toàn thời gian phải đạt tối thiểu 0,3 bài/năm, đối với cơ sở đào tạo có đào tạo tiến sĩ (không phải trường chuyên ngành đặc thù) chỉ tính các bài có trong danh mục Web of Science (WoS) hoặc Scopus.
Cụ thể, 6 tiêu chuẩn và 26 tiêu chí mà dự thảo thông tư đưa ra như sau:
Hằng năm, cơ sở đào tạo sẽ tiến hành đánh giá theo các tiêu chuẩn, tiêu chí và lập báo cáo thực hiện chuẩn cho năm trước liền kề (năm báo cáo), hoàn thành gửi Bộ GD-ĐT trước ngày 30/4. Thời điểm lấy số liệu thống kê là ngày 31/12 của năm báo cáo.
Căn cứ yêu cầu quản lý, Bộ GD-ĐT tổ chức đánh giá độc lập hoặc thẩm định báo cáo thực hiện chuẩn đối với một số cơ sở đào tạo, yêu cầu cơ sở đào tạo giải trình đối với những nội dung chưa đầy đủ, chưa chính xác. Cơ sở đào tạo có trách nhiệm chỉnh sửa, gửi lại Bộ báo cáo chỉnh sửa.
Trước ngày 30/6 hằng năm, cơ sở đào tạo công bố báo cáo thực hiện chuẩn trên trang thông tin điện tử và đưa kết quả đánh giá các tiêu chuẩn, tiêu chí vào báo cáo thường niên của của cơ sở đào tạo, đồng thời cập nhật thông tin trên hệ thống thông tin quản lý giáo dục đại học của Bộ GD-ĐT.
Cơ sở đào tạo không đạt chuẩn hoặc cơ sở đào tạo có phân hiệu không đạt chuẩn phải xây dựng kế hoạch khắc phục có xác nhận của cơ quan quản lý trực tiếp và báo cáo về Bộ GD-ĐT.
Việc áp dụng các biện pháp xử lý đối với cơ sở đào tạo không đạt chuẩn, phân hiệu không đạt chuẩn thực hiện theo quy định của pháp luật liên quan.
Hiệu trưởng, giám đốc cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm về tính đầy đủ, chính xác và nhất quán của thông tin, số liệu thống kê, về thời hạn hoàn thành và chất lượng báo cáo đánh giá thực hiện chuẩn.
Bộ GD-ĐT xin ý kiến góp ý cho dự thảo thông tư này đến hết ngày 23/7/2023.