Cuối thập kỷ 80 thế kỷ trước, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (1/7/1915- 27/4/1998) đã viết loạt bài “Những việc cần làm ngay” trên báo Nhân Dân với bút danh N.V.L.
Loạt bài thẳng thắn phê bình những hiện tượng tiêu cực, quan liêu, cửa quyền này lập tức gây tiếng vang. Những nội dung trong loạt bài này khi đó đã tạo nhiều chuyển biến trong thực tiễn.
Nhà báo lão thành Hữu Thọ-người tiếp nhận bài đầu của loạt bài này- khi trao đổi với báo chí có nói rõ, là Tổng Bí thư, ông Nguyễn Văn Linh có nhiều công cụ để chỉ đạo như chỉ thị, chỉ đạo để cơ quan chức năng theo nhiệm vụ mà chấn chỉnh. Nhưng Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh chọn báo chí để truyền đi thông điệp là ông mong muốn cả xã hội hiểu đúng về bản chất các vụ việc, tạo nhận thức chung, chung tay cùng Tổng Bí thư loại bỏ những hiện tượng tiêu cực.
Sau Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh là một trong những vị lãnh đạo thích dùng báo chí làm phương tiện trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành.
Điều đó cho thấy, truyền thông không chỉ là nhiệm vụ của riêng báo chí, nó còn là nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền và đơn vị liên quan.
Muốn dư luận hiểu rõ bản chất các vụ việc, vấn đề là mong mỏi của cả Nhà nước, người dân và cơ quan truyền thông. Thông tin trung thực tình hình chính trị, kinh tế, xã hội cũng là nhiệm vụ quan trọng nhất của truyền thông. Để làm được điều này, riêng cơ quan báo chí thì không thể bởi báo chí không thể có chất liệu để truyền thông, nhiều khi không thể tự mình xác tín được trước dòng chảy hàng triệu thông tin mỗi giây, mỗi phút, mỗi giờ…nếu thiếu sự phối hợp của cơ quan chức năng. Hoạt động truyền thông là một bàn tay, việc phối hợp, chủ động cung cấp và xác tín của chính quyền các cấp như bàn tay còn lại, sự phối hợp nhịp nhàng hai bên mới có thể tạo thành tiếng vỗ tay.
Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã rất có lý khi nhìn nhận về vấn đề này khi phát biểu tại hội nghị toàn quốc về “Truyền thông chính sách: Nhận thức - Hành động - Nguồn lực” chiều 24/1.
Bộ trưởng nói, báo chí là một phương tiện truyền thông. Còn công tác truyền thông là việc của chính quyền các cấp. Công tác truyền thông bao gồm việc đưa thông tin gì ra cho báo chí, sử dụng phương tiện truyền thông nào, tức là lập kế hoạch truyền thông và bố trí ngân sách cho truyền thông.
Cụ thể hơn, theo Bộ trưởng TT&TT, từ trước đến nay, vẫn có sự nhầm lẫn là báo chí làm công tác truyền thông, vì thế chính quyền các cấp không làm công việc này. Do vậy mà hay xảy ra khủng hoảng truyền thông của các cấp chính quyền.
“Báo chí khi làm tuyên truyền thiếu thông tin từ chính quyền, cũng thiếu cả việc đặt hàng từ chính quyền. Tức là, báo chí thiếu cả thông tin và ngân sách để làm tuyên truyền”- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.
Đó cũng là mong mỏi của giới báo chí lâu nay bởi sự tác nghiệp khó khăn khi thiếu sự phối hợp của các cấp chính quyền dù Luật Báo chí đã quy định rõ. Khi các cấp chính quyền chủ động phối hợp truyền thông với các cơ quan báo chí sẽ là nền tảng quan trọng nhất cho việc làm chủ tình hình trong bối cảnh hiện nay.
Xem toàn văn bài phát biểu của Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tại đây