Đổi đời nhờ cây chè

Trong ngôi nhà gỗ khang trang của gia đình anh Mùa A Sang ở bản Mống Vàng, xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên, Sơn La có đầy đủ tiện nghi: Ti vi, tủ lạnh, tủ bếp, nhà vệ sinh khép kín...

từ cây chè cổ thụ rừng già đến bàn trà người việt

Trà Shanam chủ yếu mọc tự nhiên trên núi; muốn thu hoạch người dân phải trèo lên cây để hái

Khoe chiếc xe máy mới ở góc nhà vừa sắm cho con gái Mùa A Tồng để đi làm tại Công ty Trà và Đặc sản Tây Bắc, anh Sang cho biết: “Tất cả những gì gia đình chúng tôi có được là nhờ cây chè”.

"Chúng tôi đánh giá cao mô hình sản xuất có trách nhiệm như của Shanam. Họ đã xây dựng thương hiệu được người tiêu dùng tin dùng, đầu ra đảm bảo, quay lại đầu tư cho người nông dân.
Việt Nam có nhiều vùng trà nổi danh như Tà Xùa (Sơn La); Suối Giàng (Yên Bái), Tây Côn Lĩnh (Hà Giang), Tân Cương (Thái Nguyên), Bảo Lộc (Lâm Đồng)… Hiệp hội luôn ủng hộ và mong muốn có nhiều doanh nghiệp đi đúng hướng như Công ty Trà và Đặc sản Tây Bắc, để cùng nhau nâng cao chất lượng, giá trị cho cây chè Việt Nam". ông Hoàng Vĩnh Long, Phó tổng thư ký kiêm Chánh văn phòng Hiệp hội Chè Việt Nam

Rót chén trà mời khách, anh Sang giới thiệu đây là trà Shanam bạch trà mây, được hái từ cây trà cổ thụ hơn 200 năm tuổi mà gia đình anh đang chăm sóc.

Nhấp một ngụm nước vàng óng, thoảng mùi hương lan rừng, vị ngọt thanh thanh như mật ong, PV được nghe anh Sang kể: Trước đây, gia đình anh có 1ha đất canh tác, trong đó trồng nhiều loại cây như táo mèo, dong riềng và chè cổ thụ, tuy nhiên thu nhập chẳng là bao. Riêng chè chỉ bán được cho các thương lái giá 10-12 nghìn đồng/kg.

Tuy nhiên, từ khi Công ty Trà và Đặc sản Tây Bắc (Tafood) có dự án phát triển vùng chè cổ thụ với thương hiệu Shanam, họ đã thu mua với giá 20-40 nghìn đồng/kg; thậm chí loại cao nhất tới 150.000 đồng/kg.

Được giá, gia đình anh chăm thu hái hơn, sản lượng thu hoạch lên tới cả tấn/ha/năm, đồng thời trồng mới thêm 3ha giống chè cổ thụ nữa.

Ở bản Tà Xùa A bên cạnh, cả gia đình anh Mùa A Vừ cũng lần lượt trở thành người của Công ty Trà và Đặc sản Tây Bắc, từ anh rồi tới vợ và con gái, con rể. Ngoài lương thưởng theo chế độ, gia đình anh còn có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ “vườn chè” đang quản lý, chăm sóc.

“Hồi công ty mới đến Tà Xùa, anh Khánh (ông Phạm Vũ Khánh, nhà sáng lập thương hiệu chè Shanam – PV), chị Thắm (bà Nguyễn Thị Thắm, giám đốc thương hiệu và cũng là người bạn đời của ông Khánh – PV) phải mất 2 năm “vật vã” giải thích cho tôi tại sao phải đi làm. Còn giờ tôi chỉ sợ mất việc, vì nhờ đó mà gia đình tôi có cuộc sống sung túc, con cái được học hành”, anh Vừ tâm sự.

Gia đình anh Mùa A Sang, Mùa A Vừ là hai trong số hơn 300 hộ nông dân “đối tác” thu hái chè cho Công ty Trà và Đặc sản Tây Bắc tại vùng chè Tà Xùa, với thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên, tuỳ theo số lượng gốc chè họ sở hữu.

Ông Lê Văn Kỳ, Chủ tịch UBND huyện Bắc Yên, Sơn La rất hào hứng với dự án bảo vệ, nâng cao giá trị cây trà cổ thụ trên địa bàn – dự án được ông ấp ủ từ 11 năm trước, khi còn làm trưởng phòng nông nghiệp huyện, đã được Công ty Trà và Đặc sản Tây Bắc phát triển thành công. Ông Kỳ khoe, trên địa bàn huyện đã trồng mới thêm được 130ha giống chè đặc sản này; chè Bắc Yên nhiều khi còn “không có mà bán”!

“Tôi đi nhiều nơi mà chưa thấy sản phẩm chè nào chuẩn chỉ từ bao bì, nhãn mác như vậy. Hoạt động thu mua, chế biến cũng rất chuyên nghiệp. Sản phẩm rất đa dạng với hàng trăm loại, khách hàng tha hồ lựa chọn. Đây cũng là thương hiệu đầu tiên của Việt Nam sản xuất thành công trà ép bánh nổi tiếng trên thế giới, mang về 40 giải thưởng quốc tế... Nhờ tất cả những điều đó, đời sống bà con dân bản đã “thay da đổi thịt”.

Trước đây, chè chỉ là nguồn thu nhập phụ, đến giờ trở thành thu nhập chính với mức trung bình 150 triệu đồng/ha/năm. Mang 1kg chè đi bán nhẹ nhàng hơn một yến thóc trong khi thu nhập gấp 6-7 lần, thậm chí hơn 10 lần”, ông Kỳ không giấu niềm tự hào.

Chuyện về cây chè cổ thụ siêu sạch, giàu dinh dưỡng

Người yêu trà thưởng thức trà Shanam

Tà Xùa là một trong 2 vùng nguyên liệu của thương hiệu trà cổ thụ Shanam thuộc Công ty Trà và đặc sản Tây Bắc. Mặc dù chỉ cung cấp khoảng 10 tấn/năm trong tổng sản lượng 180 tấn/năm của Tafood, song trà Tà Xùa đóng góp giá trị lớn nhờ giá trị bản địa như khí hậu, thổ nhưỡng.

Ở độ cao hơn 2.800m so với mực nước biển, Tà Xùa một ngày có thể có tới 4 mùa, chênh lệch nhiệt độ rất cao, đất chủ yếu là sen đá...

Cây trà Tà Xùa gốc nhỏ, sản lượng thấp vì một năm có thể ngủ đông đến 5 tháng, nhưng đổi lại là giá trị dinh dưỡng cao và hương vị đặc biệt. Đây cũng là “quê hương” của sản phẩm Bạch Trà Thiên của Shanam - từ cây trà cổ 500 năm tuổi - đoạt giải Bạc châu Á Thái Bình Dương (không có giải Vàng).

Bén duyên với ngành chè từ những năm 2000, năm 2013, bà Nguyễn Thị Thắm, Giám đốc thương hiệu Shanam của Công ty Trà và Đặc sản Tây Bắc cùng chồng là ông Phạm Vũ Khánh đã dành 1 năm để tìm hiểu các rừng chè, vùng chè và đưa mẫu về phân tích.

Kết quả phân tích mẫu chè ở Sơn La (Tà Xùa), Yên Bái (Sùng Đô, Văn Chấn) khiến mọi người bất ngờ: Siêu sạch và dinh dưỡng lớn hơn rất nhiều so với các cây chè trồng công nghiệp.

Tuy nhiên, nơi có giống chè này chủ yếu là vùng sinh sống của người Mông và người Dao, rất ít người biết tiếng Kinh, đường sá khó đi, thậm chí hiểm trở nên để sản xuất công nghiệp khó khăn.

Việc thuyết phục người dân bản địa tham gia chuỗi chế biến chè cũng gặp nhiều thách thức khi họ phải thay đổi thói quen làm việc và sinh hoạt...

Nhưng cũng rất may mắn cho Shanam là chính quyền địa phương khi đó cũng đã nung nấu, tâm huyết với dự án phục chế, phát triển cây chè cổ thụ.

Sau một thời gian cùng ăn, cùng ở, cùng làm với những người nông dân, đặc biệt là chính sách thu mua giá gấp đôi, gấp 3 các thương lái đang trả, vợ chồng ông bà chủ Shanam đã thuyết phục họ bắt tay phát triển thương hiệu. Từ thành công với Tà Xùa, vùng chè cổ thụ của Shanam sau đó đã được mở rộng sang Sùng Đô, Văn Chấn, Yên Bái.

từ cây chè cổ thụ rừng già đến bàn trà người việt

Chè Shanam được thu hái, xao sấy theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật giúp trà giữ được những dưỡng chất và hương vị đặc biệt

“Năm 2019, sau hơn 2 năm ra mắt thương hiệu, công ty tham gia vào dự án quốc tế của chính phủ Pháp, các nhà khoa học đã phân tích loại trà này cho thấy, có khoảng 100 chất hóa học có lợi, 29 loại axit amin, hàm lượng vitamin C cao, giúp nâng cao đề kháng. Đây cũng là động lực để chúng tôi tiếp tục đeo đuổi mục tiêu bảo tồn và phát triển giống trà quý của Việt Nam”, bà Thắm nói.

Hiện tại, người sáng lập Shanam khá hài lòng với mức tăng trưởng doanh thu bình quân 20%/năm và kỳ vọng sau 2 năm đại dịch sẽ tăng 25-30%. “Chúng tôi đặt mục tiêu doanh số tăng 30% song lợi nhuận chỉ tăng 12-15%, nhằm hướng đến số người dân được hưởng lợi sẽ nhiều lên, rừng chè cũ được bảo vệ tốt, diện tích trồng mới mỗi năm tăng”, bà Thắm nói.

Trà để trăm năm, giá 31 triệu đồng/kg

Shanam có hàng trăm loại trà khác nhau, chia thành các dòng như: Trà xanh, trà đen, trà vàng, bạch trà và trà ép bánh… được thu hoạch từ các cây chè 100 - 500 tuổi. Trong đó loại rẻ nhất là trà xanh thư, có giá khoảng 700.000 đồng/kg và loại đắt nhất là trà sen thiện (bạch trà thiên ướp hương sen) có giá hơn 31 triệu đồng/kg. Riêng trà ướp bánh có thể để cả trăm năm, thậm chí càng lâu trà càng quý, tương tự như rượu vang vậy.

 

(Theo Báo Giao Thông)