Hành trình nỗ lực của tiến sĩ Đại học Harvard, Hà Giang - CEO công ty công nghệ sinh học hàng đầu thế giới Vizgen, là minh chứng rõ nhất về việc 'tri thức thay đổi vận mệnh', trong bối cảnh hiện nay, không ít phụ huynh băn khoăn về việc giáo dục trẻ.
Có cần thiết phải đầu tư nguồn lực tài chính và vật chất quy mô lớn cho sự phát triển của trẻ không? Hay làm thế nào để tạo dựng nền giáo dục gia đình tốt đẹp, giúp trẻ thực hiện mọi ước mơ? Để trả lời những câu hỏi này, tiến sĩ Hà Giang cho biết, sẽ chia sẻ chính câu chuyện của bản thân.
Vạch xuất phát không quyết định thành công
Tôi sinh năm 1988, ở vùng núi nghèo Hồ Nam (Trung Quốc), điều kiện gia đình không khá giả. Bố mẹ tôi là nông dân, trình độ học vấn thấp. Nhà nghèo nên tôi sớm theo chân bố mẹ đi cấy, gặt và làm cỏ.
Tôi tốt nghiệp tiểu học và THCS ở ngôi trường bình thường tại vùng nông thôn. Thời điểm đó, cơ sở vật chất của các trường miền núi tương đối kém. Gia đình khó khăn nên tôi thường dùng lại những quyển vở đã viết, sau đó tẩy đi. Ở ngôi làng miền núi với nguồn tài nguyên khan hiếm, đối với tôi, các lớp học thêm và học ngoại khóa đều xa lạ.
Tôi là đứa con đầu tiên trong gia đình đỗ vào Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, năm 2005. Suốt 4 năm, tôi có điểm trung bình cao nhất trường. Năm 2009, tôi trở thành thủ khoa đầu ra ngành Công nghệ sinh học.
Vì yêu thích ngành này, sau khi tốt nghiệp đại học tôi lựa chọn đi du học. Năm 2009, tôi được nhận vào Đại học Harvard để lấy bằng thạc sĩ và tiến sĩ. Năm 2016, tôi trở thành người Trung Quốc đầu tiên phát biểu tại lễ tốt nghiệp của Đại học Harvard với tư cách là sinh viên xuất sắc nhất khóa.
Lấy được bằng tiến sĩ, tôi gia nhập Phòng thí nghiệm của tiến sĩ Sangeeta Bhatia - Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ, để tiến hành nghiên cứu. Tại đây, tôi nghiên cứu gan nhân tạo và dấu hiệu sớm phát hiện bệnh ung thư.
Thành công sau nghiên cứu này, tôi lọt vào danh sách Forbes 30 Under 30 Mỹ, năm 2018, hạng mục Y tế sức khỏe. Ngoài ra, tôi còn nhận được Giải thưởng Ngôi sao Công nghệ sinh học mới nổi ở Mỹ (STAT Wunderkind).
Để hiện thực hóa sự chuyển đổi kết quả nghiên cứu khoa học, năm 2019, tôi thành lập công ty công nghệ sinh học Vizgen ở Boston (Mỹ), chuyên phát triển công cụ nghiên cứu gen mới. Chưa đầy 3 năm, công ty tôi hoàn thành nhiều vòng gọi vốn với tổng số tiền lên đến 132 triệu USD (3.321 tỷ đồng) và cho ra mắt công cụ gen không gian đơn bào đầu tiên trên thế giới.
Hiện tại, sản phẩm của công ty Vizgen được bán tại hơn 10 quốc gia ở châu Âu, châu Mỹ, châu Á - Thái Bình Dương (APAC) và Trung Đông. Chỉ tính riêng trong năm 2023, doanh thu của công ty đạt 250 triệu NDT (860 tỷ đồng). Tôi tự hào vì công nghệ của công ty được tạp chí Nature đánh giá là đột phá. Vizgen cũng nhiều lần lọt top 10 công ty công nghệ sinh học hàng đầu thế giới.
Có thể nói, mỗi bước đi của tôi đều là bước nhảy vọt. Từ chàng trai nghèo ở miền núi đến tiến sĩ xuất sắc của Đại học Harvard, sau đó sở hữu công ty công nghệ sinh học hàng đầu thế giới.
Sau khi biết về con đường trưởng thành của tôi, nhiều người tò mò việc tôi bứt phá thế nào. Bố mẹ tôi đóng vai trò gì trong quá trình tôi trưởng thành? Họ đã lên kế hoạch cho việc học của tôi thế nào? Liệu có bí mật giáo dục nào đằng sau sự thành công của tôi không?
Nhìn lại quá trình trưởng thành, tôi nhận ra, vạch xuất phát không phải là yếu tố quyết định sự thành công. Ngay cả khi điều kiện và nguồn lực tài chính của gia đình còn khó khăn. Chúng ta áp dụng các quan niệm và phương pháp giáo dục phù hợp, vẫn có thể biến những hạn chế thành bước ngoặt cuộc đời.
Quan niệm và phương pháp giáo dục phù hợp
Đằng sau thành công của tôi, không thể thiếu sự nghiêm khắc dạy bảo của bố mẹ. Nếu không có sự đồng hành và kiên trì của họ, có lẽ tôi cũng giống nhiều bạn bè thời thơ ấu, phải đi làm sớm không được học hành.
Bố mẹ cẩn thận trau dồi từ thói quen sinh hoạt và học tập, khả năng tư duy, quan điểm sống đến những phẩm chất cá nhân của tôi. Những điều này ảnh hưởng sâu sắc đến quá trình trưởng thành của tôi. Cho đến nay, tôi vẫn duy trì và nó đang đưa tôi tiến xa hơn trong tương lai.
Hay nói cách khác, chiến lược giáo dục tốt nhất mỗi gia đình có thể áp dụng là biến điều nhỏ nhặt thành sự khác biệt lớn. Chúng ta hãy loại bỏ những xích mích nội bộ để tạo ra nền tảng giáo dục gia đình, mang lại lợi ích cho trẻ.
Một số người cho rằng, câu chuyện thành công của tôi chỉ là một ví dụ. Tuy nhiên, tôi không nghĩ vậy, bởi phương pháp và quan niệm giáo dục của bố mẹ cũng nuôi dưỡng cả em trai tôi thành đạt. Việc một gia đình miền núi có con trình độ học vấn cao, nhưng không có nguồn lực là điều tương đối hiếm.
Nếu không có phương pháp giáo dục phù hợp của bố mẹ, anh em tôi khó có thể đi xa. Tôi luôn biết ơn nền tảng giáo dục của gia đình. Chính sự chỉ dạy của bố mẹ đã giúp tôi có ngày hôm nay. Tôi nhận ra, sự thành công của con người phụ thuộc nhiều yếu tố. Ngoài may mắn, tư duy, thói quen và phương pháp làm việc cũng quyết định sự thành hoặc bại của con người.
Tuy nhiên, quan điểm này chưa được nhiều phụ huynh ủng hộ. Họ vẫn tin, kiến thức đóng vai trò quan trọng nhất cho sự thành công của trẻ. Điều này dẫn đến thực trạng phụ huynh ép con học vì sợ trẻ bị tụt hậu.
Tôi nhận thấy vấn đề lớn nhất của phụ huynh hiện nay, họ quan tâm con nhưng chưa có phương pháp giáo dục phù hợp. Với tôi, con ngoan là do dạy dỗ, thói quen tốt là do rèn luyện, thành tích tốt là do nỗ lực và bố mẹ giỏi cũng là do học hỏi.
Khi nhìn lại chặng đường trưởng thành của bản thân, do thiếu thốn nên tôi không có nhiều cơ hội tiếp cận với nguồn lực giáo dục tốt nhất ở địa phương. Tuy nhiên, nhờ việc rèn luyện thói quen học tập và lối sống tốt, tôi đã nhanh chóng bắt kịp các cơ hội tương lai.