Hiện Lầu Năm Góc với sự tư vấn của Schmidt và startup Istari, đang sử dụng máy học để lắp ráp và thử nghiệm các cỗ máy chiến tranh từ những mô phỏng của các bộ phận riêng lẻ, chẳng hạn như khung gầm và động cơ, vốn thường được vẽ trên các bản vẽ kỹ thuật số riêng biệt.
“Đội ngũ Istari đem đến khả năng ứng dụng kết nối Internet vạn vật vào các mô hình và mô phỏng. Điều này giúp mở khoá tiềm năng phần mềm, chẳng hạn như ứng dụng linh hoạt của các hệ thống vật lý trong tương lai”, cựu CEO Google nói.
“Phát triển phần mềm như thập niên 70”
Schmidt trở thành CEO của Google vào năm 2001, khi công cụ tìm kiếm này mới chỉ có vài trăm nhân viên và hầu như không tạo ra được lợi nhuận. Khi ông rời khỏi Alphabet vào năm 2017, Google đã là một đế chế hùng mạnh, doanh thu khổng lồ với danh mục phát triển hàng loạt dự án, bao gồm trí tuệ nhân tạo tiên tiến, ô tô tự lái và máy tính lượng tử.
Cựu CEO Google đang thực hiện sứ mệnh tái cấu trúc quân đội Mỹ bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) tiên tiến để đối phó với những thách thức ngày càng gia tăng. Không chỉ vậy, ông cũng đang cố gắng đưa công nghệ và tư duy của thung lũng Silicon áp dụng cho quân đội Mỹ.
Sứ mệnh này bắt nguồn từ cú sốc mà Schmidt trải qua vào năm 2016 khi lần đầu tiên nhìn thấy cận cảnh tình trạng công nghệ của Lầu Năm Góc.
“Chúng tôi đã cùng nghiên cứu cách thức Bộ Quốc phòng ứng dụng công nghệ thương mại như thế nào. Cơ quan này đang phát triển phần mềm như cách nó đã được thực hiện trong những năm 1970 và 1980”, Will Roper, nhà sáng lập kiêm CEO Istari, lúc đó là trợ lý thư ký của Lực lượng Không quân phụ trách công nghệ nói.
Schmidt mô tả lực lượng quân sự nước này là “những tài năng đặt trong một hệ thống tồi tệ”. Ông cho rằng, vấn đề của Lầu Năm Góc không phải là tiền bạc, tài năng hay sự quyết tâm, mà là bộ máy đã lỗi thời, chỉ phù hợp với thời đại trước đây.
Các nghiên cứu độc lập và điều trần trước quốc hội cho thấy Bộ Quốc phòng Mỹ có thể mất nhiều năm để chọn và mua phần mềm, dẫn đến việc những “món hàng” này trở nên lỗi thời vào thời điểm chúng được triển khai.
Xây dựng cỗ máy chiến đấu AI hoàn hảo
Giờ đây, Mỹ đang thực hiện một cuộc cải tổ sâu rộng đối với công nghệ quân sự, để tận dụng hiệu quả hơn những công nghệ mới của các startup như Istari. Trong đó, Internet vạn vật đóng vai trò nền tảng, kết nối những thiết bị giá rẻ, có tính cơ động cao được sản xuất hàng loạt như máy bay không người lái và vũ khí tự hành.
Cùng với đó, AI cũng là một yếu tố cấp bách trong quá trình đại tu lần này. Các nhà lãnh đạo Lầu Năm Góc tin rằng, AI sẽ tạo ra cuộc cách mạng phần cứng quân sự, thu thập thông tin tình báo và phần mềm phụ trợ.
Vào đầu những năm 2010, Mỹ đã bắt đầu tìm cách phát triển công nghệ giúp họ duy trì lợi thế trước sự trỗi dậy của quân đội Trung Quốc. Uỷ ban Khoa học Quốc phòng, cơ quan cố vấn kỹ thuật hàng đầu kết luận rằng, quyền tự hành do AI cung cấp sẽ định hình tương lai của cạnh tranh và xung đột quân sự.
Năm 1930, Einstein từng viết thư gửi Tổng thống Roosevelt nói rằng, công nghệ mới - vũ khí hạt nhân sẽ thay đổi chiến tranh và thực tế xảy ra đúng như vậy. Schmidt nhận định các hệ thống phi tập trung, tự hành có sự hỗ trợ bởi AI ngày nay có sức mạnh thay đổi cán cân chiến tranh tương tự như vậy.
Tuy nhiên, công nghệ AI chủ yếu được phát triển trong khu vực tư nhân. Các công cụ tốt nhất có thể ứng dụng trong lĩnh vực quân sự, chẳng hạn như thuật toán xác định vũ khí của kẻ thù hoặc các cá nhân cụ thể trong video hoặc khả năng học hỏi các chiến lược siêu việt, đang được xây dựng tại các công ty như Google, Amazon và Apple hoặc bên trong các công ty khởi nghiệp, thay vì ở trong Bộ Quốc phòng.
“Thách thức lớn mà quân đội Mỹ phải đối mặt trong tương lai là làm thế nào để nhanh chóng thích ứng với các công nghệ thương mại sử dụng trong quân sự nhanh hơn các đối thủ cạnh tranh”, Paul Scharre, phó chủ tịch Trung tâm An ninh Mỹ mới, cho biết.
Bộ Quốc phòng Mỹ chủ yếu làm việc với khu vực tư nhân thông qua các nhà thầu quân sự lớn chuyên xây dựng phần cứng đắt tiền trong nhiều năm, chứ không phải phát triển phần mềm trong thời gian ngắn. Hợp đồng của Lầu Năm Góc với những gã khổng lồ công nghệ bao gồm Amazon, Apple và Microsoft, đã trở nên phổ biến hơn nhưng cũng tạo ra tranh cãi.
Chẳng hạn, dự án phân tích hình ảnh từ drone bằng AI thuộc dự án Maven của Google đã tạo ra làn sóng phản đối trong nhân viên, dẫn đến phải đình chỉ thoả thuận hợp tác.
(Theo Wired)