Trung tướng Phạm Xuân Thệ - người từng nói với Tổng thống Dương Văn Minh rằng “Các ông đã bị bắt làm tù binh, phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, không bàn giao gì cả” - chia sẻ hồi ức sâu sắc về thời khắc lịch sử này.
LTS: 50 năm sau chiến thắng lịch sử, đất nước lại bước vào một kỷ nguyên mới – “xây dựng một tương lai huy hoàng, rạng rỡ cho dân tộc Việt Nam”. Nhân dịp kỷ niệm đặc biệt này, báo VietNamNet giới thiệu loạt bài với chủ đề “Ngày 30/4 - kỷ nguyên mới”.
Các chuyên gia, nhà quân sự, chứng nhân lịch sử chia sẻ những ký ức, bài học, kinh nghiệm từ thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đó là sức mạnh đại đoàn kết toàn dân - cội nguồn thắng lợi của cuộc kháng chiến, là ý chí bảo vệ nền độc lập tự chủ của dân tộc và thống nhất non sông, là niềm tin bước vào Kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc.
XEM VIDEO:
Chiến tranh kết thúc đã 50 năm, nhưng thời khắc chứng kiến Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện ngày 30/4/1975 của Trung tướng Phạm Xuân Thệ - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Tư lệnh Quân khu 1 - vẫn còn in đậm trong ký ức.
Thật khó để có thể dùng lời diễn tả trọn vẹn về cảm xúc của chàng đại úy trẻ 28 tuổi khi thấy lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được kéo lên giữa lòng Sài Gòn, báo hiệu sự toàn thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Đó là tâm trạng vừa hồi hộp, xúc động, vừa tự hào đến nghẹt thở, nhưng cũng là nỗi niềm xót thương khi nhớ đến đồng đội đã ngã xuống.
Khi đó, ông Thệ là đại úy, Trung đoàn phó Trung đoàn 66 (Đoàn Đông Sơn) thuộc Sư đoàn 304, Quân đoàn 2. Trước khi tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, ông đã tham gia chiến đấu trong 6 chiến dịch của chiến trường miền Nam với những trận đánh "quyết chiến, quyết thắng" để sớm có ngày non sông thống nhất.
Trở lại nơi diễn ra "trận đánh cuối cùng" - dinh Độc lập, Trung tướng Phạm Xuân Thệ bồi hồi nhớ lại thời khắc chấm dứt chiến tranh. Ảnh: Nguyễn Huế
Những lần đối thoại với Tướng Dương Văn Minh
Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, tôi được Ban chỉ huy Trung đoàn bộ binh 66 giao nhiệm vụ cùng một số sĩ quan trực tiếp chỉ huy Tiểu đoàn 7, là lực lượng đi đầu cùng xe tăng của binh đoàn thọc sâu Quân đoàn 2 tiến công vào nội đô Sài Gòn, đánh chiếm dinh Độc Lập. Còn Tiểu đoàn 8 đánh đài phát thanh, Tiểu đoàn 9 đánh Bộ tư lệnh hải quân và cảng Ba Son.
Ngày 30/4/1975, trời vừa tảng sáng, sau khi đánh chiếm được cầu Sài Gòn, chúng tôi đến cầu Thị Nghè. Tại đây, địch tiếp tục chống cự, chúng tôi lại chiến đấu ở đó khoảng 15-20 phút, bắn cháy 3 xe thiết giáp của địch. Từ đó, nhờ sự dẫn đường của một người dân, chúng tôi chạy thẳng theo đường Lê Duẩn hiện nay để tiến vào dinh Độc Lập.
Khi chỉ cách cổng dinh 100m, tôi thấy chiếc xe tăng thứ nhất húc vào bên trái của cổng, sau đó khựng lại và một người rút cờ giải phóng chạy ra. Sau đó, chiếc xe tăng thứ hai húc bật cánh cổng và vòng bên trái đi vào. Chúng tôi đi trên chiếc xe jeep liền bám theo sau và dừng lại ở bên trái dinh.
Xuống xe, tôi chạy vào sảnh dinh và thấy rất đông phóng viên cầm máy ảnh, máy quay… Đi tiếp đến chiếu nghỉ thứ nhất của cầu thang tầng trệt, tôi gặp một người to cao đứng đó, giới thiệu là Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh - phụ tá cho Tổng thống Dương Văn Minh. Toàn bộ nội các đang trong phòng họp, mời quân giải phóng vào làm việc.
Trung đoàn phó Phạm Xuân Thệ (ngoài cùng bên trái) gặp Tổng thống Dương Văn Minh (ngoài cùng bên phải) tại phòng họp dinh Độc Lập. Ảnh tư liệu: NVCC
Lúc này tôi mới biết nội các chính quyền Sài Gòn đang ở trong và sau vài giây khựng lại vì bất ngờ, tôi lập tức chạy lên tầng cùng ông Nguyễn Hữu Hạnh vào phòng họp. Tại đây, ông Hạnh chỉ vào người đàn ông da ngăm đen, to cao, mặc áo 4 túi và giới thiệu là Tổng thống Dương Văn Minh, người thấp bên cạnh mặc comple là Thủ tướng Vũ Văn Mẫu.
Tổng thống Dương Văn Minh nói: “Chúng tôi đã biết quân giải phóng tiến công nội đô, đang chờ quân giải phóng vào để bàn giao”. Ngay lúc đó tôi nói: “Các ông đã bị bắt làm tù binh, các ông phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, không bàn giao gì cả”.
Trung tướng Phạm Xuân Thệ chỉ nơi gặp ông Nguyễn Hữu Hạnh tại dinh Độc Lập. Ảnh: Nguyễn Huế
Từ đó, chúng tôi kiên quyết bắt ông Minh và ông Mẫu phải ra Đài phát thanh Sài Gòn để tuyên bố đầu hàng. Ông Minh nói muốn được đầu hàng tại đây, ra bên ngoài không đảm bảo an toàn do còn đánh nhau. Khi ấy, tôi trấn an: “Chúng tôi đã làm chủ thành phố và bảo đảm an toàn cho ông đi ra đài phát thanh”.
Chúng tôi đưa ông Minh, Mẫu xuống sảnh, đến bậc tam cấp (sau này có bức ảnh chụp được thời khắc này). Ông Minh chỉ sang tay trái nói “Mời quân giải phóng đi xe của tôi”, nhưng tôi chỉ về phía chiếc xe jeep trả lời “Tôi đã có xe để đưa các ông đi”.
Bức ảnh quân giải phóng dẫn giải ông Dương Văn Minh, Vũ Văn Mẫu từ dinh Độc Lập ra đài phát thanh. Đại úy Phạm Xuân Thệ (hàng đầu, ngoài cùng bên phải) tay cầm súng đi trước. Ảnh tư liệu chụp lại tại Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh (Quân khu 7)
Khi ngồi trên xe jeep đi từ dinh Độc Lập đến đài phát thanh, ra khỏi cổng, tôi thấy xe tăng, xe chở bộ binh và người dân đang tiến vào rất đông. Tôi hỏi ông Dương Văn Minh: “Ông thấy sức mạnh của quân giải phóng như thế nào?”.
Ông Minh trả lời: “Khi quân giải phóng tiến công vào nội đô, chúng tôi biết rằng đã thất bại”.
Tôi thắc mắc: “Biết là thất bại tại sao ông không tuyên bố đầu hàng từ trước mà để chúng tôi phải đánh vào tận sào huyệt?”.
Dương Văn Minh thú thật: “Khi quân giải phóng chưa tiến công vào nội đô mà tôi đã tuyên bố đầu hàng, bên dưới tôi còn nhiều người không đồng tình, họ sẽ khử tôi mất”. Rồi chính Dương Văn Minh cũng là người chỉ đường cho chúng tôi sang đài phát thanh.
Tại đây, chúng tôi ngồi bàn nhau soạn thảo lời tuyên bố đầu hàng. Quá trình này, tôi chỉ là người chấp bút, còn lại các trợ lý tác chiến, tuyên huấn, dân vận… mỗi người mỗi câu, mỗi ý.
Ông Thệ (ngoài cùng bên phải) cầm bản thảo, cùng đồng đội yêu cầu Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện tại Đài phát thanh Sài Gòn trưa 30/4/1975. Ảnh tư liệu: NVCC
Tôi còn nhớ lúc ghi âm lời ông Dương Văn Minh, băng cassette bị rối nên phải làm lại mấy lần. Đang làm thì có 1 nhà báo nước ngoài, sau này tôi mới biết là nhà báo Tây Đức Börries Gallasch, mang máy cassette nghiệp vụ của ông ta đến thu âm lời tuyên bố đầu hàng của Dương Văn Minh. Chúng tôi mở nghe lại bản ghi âm cho đến khi thấy đạt yêu cầu mới phát.
Đồng thời, nhà báo Kỳ Nhân ở hãng tin AP chỉ nơi ở của nhân viên đài phát thanh. Chúng tôi cử người đưa họ đến vận hành. Khi lời tuyên bố đầu hàng của Dương Văn Minh được phát đi xong, ông Bùi Tùng thay mặt quân giải phóng chấp nhận lời tuyên bố đầu hàng đã soạn thảo, nhưng đọc trực tiếp qua micro mà không qua ghi âm. Lúc đó khoảng 13h30 thứ Tư ngày 30/4/1975.
Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố: “Tôi, đại tướng Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn kêu gọi quân lực Việt Nam Cộng hòa hạ vũ khí đầu hàng không điều kiện Quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Tôi tuyên bố chính quyền Sài Gòn từ Trung ương đến địa phương phải giải tán hoàn toàn, giao toàn bộ chính quyền từ Trung ương đến địa phương cho Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam” - Lịch sử Đảng bộ TPHCM 1930-1975, tr.912, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật 2015.
Bất ngờ khi thấy Tổng thống Dương Văn Minh chờ ở dinh Độc Lập
Khi vào dinh Độc Lập, tâm thế chúng tôi là cầm súng sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng hy sinh. Nên khi thấy Dương Văn Minh và nội các, dù bất ngờ nhưng nhiệm vụ của tôi, người lính chiến lúc đó, là phải yêu cầu chỉ huy cao nhất đầu hàng. Cứ nghĩ đến đâu tôi làm đến đó, không báo cáo được cấp trên vì không có phương tiện liên lạc.
Chúng tôi muốn làm sao thật nhanh đưa 2 ông Dương Văn Minh, Vũ Văn Mẫu sang đài phát thanh tuyên bố đầu hàng, để chấm dứt chiến tranh.
Ông Phạm Xuân Thệ kể lại diễn biến ở dinh Độc Lập ngày 30/4/1975. Ảnh: Nguyễn Huế
Nói thêm về chi tiết sau này có gây tranh cãi “ai là người viết lời tuyên bố đầu hàng cho Dương Văn Minh”, tôi xin khẳng định đó là sản phẩm của tập thể, tôi chỉ là người chấp bút. Khi chúng tôi đang viết thì anh Bùi Văn Tùng vào giới thiệu. Từ bấy giờ tôi và anh Bùi Văn Tùng mới biết nhau. Ngày 14/3/2022, Thường vụ Quân ủy Trung ương cũng đã có Kết luận số 974 về vấn đề này.
Về chi tiết lịch sử này, ngày 14/3/2022, Thường vụ Quân ủy Trung ương đã có Kết luận số 974-KL/QUTW khẳng định: “Vào thời điểm trưa ngày 30/4/1975, sau khi trực tiếp chỉ huy việc áp giải Dương Văn Minh đến Đài phát thanh Sài Gòn; tại đây, đồng chí Đại úy Phạm Xuân Thệ, Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn 66 cùng các cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn 66, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 tổ chức soạn thảo lời Tuyên bố đầu hàng cho Dương Văn Minh. Văn bản đang được soạn thảo thì đồng chí Trung tá Bùi Văn Tùng, Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203, Quân đoàn 2 có mặt.
Từ đó đồng chí Bùi Văn Tùng cùng bộ phận cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn 66 tiếp tục soạn thảo và hoàn chỉnh lời Tuyên bố đầu hàng cho Dương Văn Minh đọc vào máy ghi âm để phát trên Đài phát thanh.
Riêng lời Tuyên bố chấp nhận đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh do đồng chí Bùi Văn Tùng soạn thảo và trực tiếp đọc trên Đài phát thanh”.
Về hai bản thảo lời tuyên bố đầu hàng, tôi là người chấp bút và Dương Văn Minh viết lại, tôi có cầm trên tay và khi xong tôi để vào túi áo. Đến chiều, sau khi giao 2 người đó cho Bộ Tư lệnh Quân đoàn, tôi đi kiểm tra Tiểu đội 9 của tôi ở Bộ tư lệnh Hải quân. Ra đến đó, tôi cởi bộ quần áo và tắm giặt vì đã mặc từ ngày 10/4, từ Đà Nẵng hành quân và chiến đấu vào đây. Thấy bộ quần áo bẩn quá nên tôi nói cậu chiến sĩ vứt luôn, lấy bộ mới trong ba lô ra thay. Sáng 1/5, toàn bộ đội hình chúng tôi rút khỏi Sài Gòn, tập kết ở phía đông Tổng kho Long Bình.
Về chuyến xe jeep ra Đài phát thanh, lúc đó có 8 người cùng ngồi. Chúng tôi quây xung quanh các ông Dương Văn Minh, Vũ Văn Mẫu như tấm lá chắn để đảm bảo an toàn. Sau này, tôi còn sử dụng chiếc xe đó trong quá trình công tác cho đến khi bị hỏng.
Thực ra, sau khi hoàn thành mọi việc, tôi cũng nghĩ không biết là đúng hay sai. Dù khi ngước nhìn lên lá cờ quân giải phóng bay phấp phới trên nóc dinh Độc Lập, niềm vui ngày chiến thắng ngập tràn nhưng vẫn còn phân vân. Thậm chí, đến khoảng 14h30-15h, khi đã về lại dinh Độc Lập, tôi còn bị Phó chính ủy Quân đoàn Nguyễn Công Trang mắng “Ai cho phép ông làm như vậy”…, và tôi rất lo lắng. Cho đến tối cùng ngày, Sư đoàn trưởng Nguyễn Ân nói “Các cậu xử lý như thế là rất đúng, rất kịp thời”, tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Niềm vui chiến thắng lúc này mới trọn vẹn.
Chiến tranh kết thúc, tất nhiên tôi vui sướng và xúc động, nhưng cũng rưng rưng khi nhớ đến đồng chí, đồng đội mình đã ngã xuống. Thậm chí, khi vào đến cầu Sài Gòn sáng 30/4, cách thời điểm chiến thắng chỉ vài giờ, vẫn có tiểu đoàn trưởng xe tăng hy sinh cùng hơn 10 cán bộ, chiến sĩ. Nghĩ đến thật xót xa. Vô cùng biết ơn sự hy sinh to lớn của họ, để chúng tôi tiếp bước vào đến sào huyệt cuối cùng của địch, để giành chiến thắng và thống nhất nước nhà.
Không nhớ đánh bao nhiêu trận, bị thương bao nhiêu lần
Trung tướng Phạm Xuân Thệ sinh năm 1947 ở Khả Phong, Kim Bảng, Hà Nam, nhập ngũ tháng 8/1967 khi vừa tròn 20 tuổi và bắt đầu chiến đấu ở chiến trường Khe Sanh (Quảng Trị).
Sau đó, ông tham gia các chiến dịch Huế - Đà Nẵng, rồi chiến đấu dọc duyên hải miền Trung, cùng đồng đội giải phóng các tỉnh cho đến khi nhận được lệnh tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ông chia sẻ không nhớ mình tham gia đánh bao nhiêu trận và bị thương bao nhiêu lần.
Tại dinh Độc Lập đầu tháng 4, Trung tướng Phạm Xuân Thệ gặp các học viên Trường Sỹ quan Lục quân 2. Ảnh: Nguyễn Huế
Nhân dịp 50 năm thống nhất đất nước, đoàn cựu chiến binh của Quân đoàn 2 tổ chức về thăm lại chiến trường xưa. Chuyến đi xuất phát từ Hà Nội ngày 20/3, tới 22/3 đến Quảng Trị. Quân đoàn 2 là quân đoàn chủ lực đầu tiên được thành lập tại chiến trường miền Nam, cụ thể ở thôn Ba Nang, xã Ba Lòng, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị ngày 17/5/1974.
Vị tướng già gần 80 tuổi tiếp tục "lật giở" hồi ức, kể về những trận đánh với nhiều chiến công nhưng cũng đầy đau thương, mất mát của mình và các đồng đội. Giọng ông chùng xuống khi nhắc những trận chiến ác liệt ở cao điểm 1062. Đồng đội ông ngã xuống, có người chỉ kịp gọi tên mẹ, có người chẳng kịp trăng trối điều gì...
Từ Quảng Trị vào đến TPHCM, đoàn đi đến những nơi từng chiến đấu để dâng hương, tri ân tưởng nhớ đồng chí, đồng đội, từng kề vai sát cánh với mình trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Họ đã anh dũng hy sinh để giành lại sự sống và sự trưởng thành cho chúng tôi.
Mỗi lần nhắc đến các đồng đội đã anh dũng hy sinh, ông lại ngồi lặng. Ảnh: Nguyễn Huế
Chiến thắng Thượng Đức (thuộc xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam ngày nay) đã làm thay đổi cục diện chiến trường miền Nam trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Địch xem đây là “cánh cửa thép bất khả xâm phạm” bảo vệ Đà Nẵng nên huy động lực lượng rất mạnh để canh phòng. Tại đây, Sư đoàn 304, 324 và các đơn vị phối thuộc phải chiến đấu 10 ngày đêm mới giải phóng được quận lỵ Thượng Đức vào ngày 7/8/1974.
Tuy nhiên, trận chiến còn kéo dài suốt 4 tháng sau đó, vô cùng ác liệt ở điểm cao 1062. Trong trận Thượng Đức, ta hy sinh 921 cán bộ, chiến sĩ... Nhưng từ chiến thắng Thượng Đức, quân ta đã đồng loạt nổi dậy tổng tiến công giải phóng tỉnh Quảng Nam ngày 24/3/1975, TP Đà Nẵng ngày 29/3/1975.
Năm 2014, các cựu chiến binh đã cùng địa phương xây tượng đài chiến thắng để ghi nhớ công ơn của các đồng chí, đồng đội ngay ở Thượng Đức, với bia tưởng niệm 921 liệt sĩ. Địa điểm này đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia và trở thành địa chỉ đỏ để tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ trẻ về lòng yêu nước.
Ông Phạm Xuân Thệ chụp ảnh kỷ niệm cùng các cháu nhỏ ở dinh Độc Lập. Ảnh: Nguyễn Huế
Sau 50 năm trở lại chiến trường cuối cùng, giành được thắng lợi cuối cùng, tôi vô cùng xúc động. Chứng kiến sự thay đổi nhanh chóng của thành phố Sài Gòn, nay là TPHCM, từ quá khứ cho đến hiện tại, chúng tôi rất tự hào.
Tôi luôn luôn mong mỏi thế hệ trẻ trân trọng những giá trị lịch sử, có trách nhiệm xây dựng đất nước phát triển để xứng tầm với các nước trên thế giới. Thế hệ trẻ cần phấn đấu để 5, 10 rồi 20 năm sau, chúng ta phát triển được nhiều hơn thế này.
Trung tướng Phạm Xuân Thệ sinh năm 1947 ở Khả Phong, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Ông nhập ngũ tháng 8/1967 khi vừa tròn 20 tuổi.
Tướng Thệ nguyên là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 304, Thiếu tướng - Tư lệnh Quân đoàn 2 rồi Trung tướng - Tư lệnh Quân khu 1. Tháng 12/2007, ông nghỉ hưu sau 42 năm trong quân ngũ.
Ông vinh dự nhận nhiều huân chương Chiến công, Quân công cao quý của Đảng và Nhà nước. Tháng 4/2011, Trung tướng Phạm Xuân Thệ vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Mỹ, cứu nước.
Sáng sớm 30/4/1975, khi đến cầu Sài Gòn, binh đoàn thọc sâu của Quân đoàn 2 gặp phải quân địch chống cự ác liệt với hỏa lực rất mạnh. Các chiến sĩ vừa chạy vừa đánh quét qua để nhắm đến mục tiêu cuối cùng là dinh Độc Lập.
Khi viết về Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn, Giáo sư, nhà sử học Larry Berman đã hứa không sử dụng những thông tin có thể làm tổn thương đến nhiều người. Sau gần 20 năm, lời hứa đó vẫn còn.
Khi viết huyết thư xin nhập ngũ, ông Nguyễn Đức Thọ không thể ngờ sau này mình lại trở thành chiến sĩ đặc công nước, bắn phát B40 đầu tiên của một trong những trận đánh cuối cùng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.