Sáng sớm 30/4/1975, khi đến cầu Sài Gòn, binh đoàn thọc sâu của Quân đoàn 2 gặp phải quân địch chống cự ác liệt với hỏa lực rất mạnh. Các chiến sĩ vừa chạy vừa đánh quét qua để nhắm đến mục tiêu cuối cùng là dinh Độc Lập.
LTS: 50 năm sau chiến thắng lịch sử, đất nước lại bước vào một kỷ nguyên mới – “xây dựng một tương lai huy hoàng, rạng rỡ cho dân tộc Việt Nam”. Nhân dịp kỷ niệm đặc biệt này, báo VietNamNet giới thiệu loạt bài với chủ đề “Ngày 30/4 - kỷ nguyên mới”.
Các chuyên gia, nhà quân sự, chứng nhân lịch sử chia sẻ những ký ức, bài học, kinh nghiệm từ thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đó là sức mạnh đại đoàn kết toàn dân - cội nguồn thắng lợi của cuộc kháng chiến, là ý chí bảo vệ nền độc lập tự chủ của dân tộc và thống nhất non sông, là niềm tin bước vào Kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc.
VietNamNet mời độc giả gặp lại những “tượng đài sống”, chứng nhân hiếm hoi còn lại trong những thời khắc lịch sử. Đó là các bác, các cô là cựu chiến sĩ biệt động, cựu tù chính trị, những người từng tham gia phong trào học sinh sinh viên, đấu tranh đô thị… Họ đã dành tuổi trẻ, niềm tin, lòng quyết tâm và cả niềm hy vọng cho ngày toàn thắng.
Là một trong số ít người có mặt tại dinh Độc Lập trong thời khắc bắt và dẫn giải ông Dương Văn Minh (Đại tướng, Tổng thống chính quyền Sài Gòn) ra Đài phát thanh Sài Gòn để tuyên bố đầu hàng trưa 30/4/1975, ông Nguyễn Văn Nhu (Nguyễn Khắc Nhu, 77 tuổi) - trợ lý tác chiến của Trung đoàn bộ binh 66, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 - chia sẻ về những quyết định của quân giải phóng góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc.
Chỉ vào từng người trong bức ảnh nổi tiếng khi dẫn giải ông Dương Văn Minh từ dinh Độc Lập ra đài phát thanh để đọc lời tuyên bố đầu hàng, ông Nhu cho biết, ông là người cầm khẩu súng ngắn đi sau ông Minh. Người đi trước bên phải ông là chiến sĩ Bàng Nguyên Thất, bên trái là Phó trung đoàn trưởng Phạm Xuân Thệ cũng cầm khẩu súng ngắn (sau này là Trung tướng, Tư lệnh Quân khu 1), cùng một số cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 66.
Ông Nguyễn Khắc Nhu chỉ những người chủ chốt tham gia dẫn giải các ông Dương Văn Minh, Vũ Văn Mẫu trưa ngày 30/4/1975. Ảnh: P.Thủy Dẫn giải ông Dương Văn Minh từ dinh Độc Lập sang Đài phát thanh Sài Gòn ngày 30/4/1975. Ông Nguyễn Khắc Nhu có chú thích những người cùng đi. Ảnh chụp lại, nhân vật cung cấp
Ông Nhu kể khi đó, ông Thệ là Đại úy, Trung đoàn phó, còn ông là trợ lý tác chiến. Cả hai người cùng nằm trong mũi chỉ huy binh đoàn thọc sâu của Quân đoàn 2, kết hợp với Lữ đoàn 203 xe tăng đánh từ hướng Đông vào Sài Gòn.
Đang kể chuyện, ông Nhu dừng lại và nhấn mạnh từng lời: “Đây là sự thật mà tôi là người có mặt, tham gia và chứng kiến”...
Binh đoàn thọc sâu đánh vào dinh Độc Lập
Quân đoàn 2 nhận được lệnh của Bộ Tư lệnh chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh tổ chức binh đoàn thọc sâu, đánh thẳng vào dinh Độc Lập, sào huyệt cuối cùng của chế độ Việt Nam Cộng hòa.
Mũi thọc sâu này gồm Trung đoàn bộ binh 66 và Lữ đoàn 203 xe tăng cùng công binh, pháo binh và một số đơn vị khác của Quân đoàn. Các đơn vị cùng đánh trên một mũi.
Trước đó, chúng tôi hành quân theo bờ biển, tiến công địch trong hành tiến dọc duyên hải miền Trung, giải phóng các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Tuy…
Khi Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu, tại hướng Đông Nam, các đơn vị của Sư đoàn 304 tiến đến căn cứ Nước Trong (Đồng Nai). Đây là căn cứ có các trường sĩ quan gồm: trường thiết giáp, trường bộ binh và trung tâm huấn luyện biệt kích, phòng tuyến cuối cùng của địch ở cửa ngõ Sài Gòn nên quân địch chống cự rất ác liệt.
Trung đoàn 66 là dự bị cho Trung đoàn 24 của Sư đoàn 304 đánh căn cứ Nước Trong. Nếu Trung đoàn 24 không giải quyết được thì Trung đoàn 66 vào phối hợp đánh tiếp và phải đánh bằng được. Sau gần 3 ngày chiến đấu ác liệt (từ đêm 26 đến 10h ngày 29/4/1975), ta làm chủ toàn bộ khu vực Nước Trong và ngã ba đường số 15, mở toang "cửa ngõ" cho lực lượng thọc sâu đánh thốc vào các mục tiêu đã định trong nội thành Sài Gòn ngày 30/4/1975.
Theo phương án tác chiến lúc đó, Trung đoàn 66 có Tiểu đoàn 7 bộ binh đánh dinh Độc Lập và Tiểu đoàn 8 đánh Đài phát thanh Sài Gòn. Vì là mũi thọc sâu nên khi tiến quân, chúng tôi chỉ tiêu diệt những ổ đề kháng trực tiếp gặp trên đường, còn 2 bên bỏ lại cho đơn vị đi sau đánh.
Khoảng 5h ngày 30/4/1975, chúng tôi đến cầu Sài Gòn và tiếp tục gặp phải quân địch chống cự ác liệt với lực lượng rất mạnh từ xe tăng, hỏa điểm chống tăng, ụ súng lô cốt đến tàu hải quân ở dưới sông bắn vào… Ta tiêu diệt được 4 xe tăng nhưng cũng bị thiệt hại 2 xe tăng, mất trên 10 người, trong đó có tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn xe tăng hy sinh ngay trên tháp pháo.
Ông Nguyễn Khắc Nhu kể lại trận chiến ác liệt ở cửa ngõ Sài Gòn. Ảnh: Nguyễn Huế
Chúng tôi cứ vừa chạy vừa đánh quét qua. Khi chạy qua cầu, tôi thấy các anh em tiểu đoàn đặc công nằm bò ở đó. Sau này, tôi biết các anh em đó được giao nhiệm vụ phải dẹp đường, giữ cầu để đại quân tiến vào.
Khoảng 9h sáng, lực lượng đi đầu binh đoàn đột kích thọc sâu của Quân đoàn 2 tiếp tục vượt cầu Sài Gòn, tiến về phía dinh Độc Lập. Lúc đó, tôi đi trên xe jeep còn những anh em khác bám trên 2 thành xe tăng hoặc đi ô tô của mặt trận tăng cường, và cả đoàn tiến rất nhanh.
Đến cầu Thị Nghè, lực lượng thọc sâu lại gặp phải sự kháng cự của địch và tiếp tục chiến đấu tầm 10-15 phút để nhanh chóng vượt qua. Đến Thảo Cầm Viên, có người dân cầm cờ giải phóng chạy ra dẫn đường cho chúng tôi đến dinh Độc Lập.
Thời khắc quyết định đưa ông Dương Văn Minh ra đài phát thanh
Lúc 11h30 ngày 30/4/1975, có 2 xe tăng của Lữ đoàn 203 do Đại đội trưởng Bùi Quang Thận chỉ huy tiến vào trước cửa dinh Độc Lập. Xe đầu tiên là 843 húc vào cổng phụ của dinh, sau bị chết máy. Xe thứ 2 số hiệu 390 đi sau liền tiến lên húc đổ cổng chính. Cánh cổng bung ra, xe chúng tôi cũng vừa đến đó liền theo sau và chạy vào sân mà không gặp phải bất cứ sự kháng cự nào.
Chúng tôi chạy vào đến sảnh thì một người to cao đứng đó giới thiệu: "Tôi là Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, phụ tá cho Tổng thống Dương Văn Minh. Toàn bộ nội các đang đợi các vị chỉ huy quân giải phóng ở trên”. Nói rồi, người này đi trước dẫn đường. Bấy giờ, chúng tôi cũng mới biết ông Dương Văn Minh còn ở trong dinh.
Trước đó, đơn vị chúng tôi xây dựng phương án tác chiến bảo vệ mục tiêu là chính, chưa hình dung khi mình tiến vào lại có Tổng thống Dương Văn Minh và nội các chờ sẵn đầu hàng, nên khá bất ngờ.
Ông Hạnh chỉ từng người nói: “Đây là Tổng thống Dương Văn Minh”. Ông Minh rất to cao và đen, đeo kính, mặc áo kaki 4 túi màu xám. Tiếp theo, ông Hạnh chỉ ông Vũ Văn Mẫu - Thủ tướng... Họ đang đợi các vị chỉ huy vào bàn giao chính quyền.
Ngay lập tức, anh Thệ nói: “Các ông đã bị bắt làm tù binh, các ông phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, không bàn giao gì cả”.
Tôi nói với anh Thệ phải đưa các ông ý ra đài phát thanh để tuyên bố đầu hàng càng sớm càng tốt.
Mô hình dựng lại 1:1 theo bức ảnh dẫn giải ông Dương Văn Minh, Vũ Văn Mẫu từ dinh Độc Lập ra đài phát thanh để đọc tuyên bố đầu hàng, ông Nhu đi phía sau bên phải ông Minh, tại bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh (Quân khu 7). Ảnh: Nguyễn Huế
Tuy nhiên, lúc đó, để đưa vị Tổng thống cuối cùng của chế độ Việt Nam Cộng hòa trong thời điểm còn rối ren ra ngoài đường lại là cả quá trình cân não của những chiến sĩ quân giải phóng. Khi được yêu cầu ra đài phát thanh, ông Minh cũng rất sợ - sợ bị ám sát.
Những người lính tác chiến chúng tôi lập tức tính toán nhanh trong đầu là đi bằng cách nào, lực lượng nào bảo vệ.
Tôi nói anh Thệ: “Đưa lên xe jeep”.
Sau đó, chúng tôi áp giải các ông Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu đến đài phát thanh tuyên bố đầu hàng, mục đích để những nơi chưa được giải phóng thì đồng bào, chiến sĩ, người dân cùng biết, để không còn phải đổ máu vô nghĩa.
Chiếc bàn nơi Tổng thống Dương Văn Minh đọc lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện tại Đài phát thanh Sài Gòn trưa 30/4/1975, đang được lưu giữ tại bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ảnh: P.Thủy
Chúng tôi cũng biết nếu đưa các ông ý đi mà có mệnh hệ gì thì phải lãnh tội. Nhưng nếu chờ đến lúc bàn giao, 2 bên vẫn bắn nhau thì không biết bao nhiêu người nữa phải chết.
Sau này tôi cũng nghĩ, nếu để ông Dương Văn Minh ở lại trong dinh chờ Bộ Tư lệnh Quân đoàn vào bàn giao thì vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nhưng không biết vì lý do nào đó cứ thôi thúc tôi và những người đồng đội là phải đưa ông Minh ra đầu hàng sớm. Thêm vào đó, chúng tôi cũng không có cách nào liên lạc được với chỉ huy xin ý kiến. Để đảm bảo an toàn, chúng tôi ngồi bọc lót xung quanh, còn ông Minh chỉ đường ra đài.
Linh cảm của người lính
Xong việc ở đài phát thanh, chúng tôi lại dẫn giải các ông Dương Văn Minh, Vũ Văn Mẫu về lại dinh Độc Lập và bàn giao cho cấp trên.
Tại cuộc gặp gỡ của Ban liên lạc Mặt trận Tây Nguyên B3 - Quân đoàn 3 tổ chức hồi tháng 3 vừa qua nhân dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, ông Nguyễn Khắc Nhu vui mừng gặp lại người đồng đội cùng Sư đoàn 304 là Thượng úy Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: Nguyễn Huế
Khi nhiệm vụ đã hoàn thành, tôi mới có đủ thời gian để cảm nhận và vô cùng hạnh phúc, sung sướng khi nước nhà đã thống nhất. Quả thực, sự việc diễn biến rất nhanh, chúng tôi cứ bị cuốn theo nhưng khi đặt vấn đề vẫn làm đâu ra đó. Tôi linh cảm như có liệt sĩ linh thiêng mách bảo, ngay cả lúc dẫn giải các ông Minh và Mẫu cũng vậy, như có liệt sĩ che chở.
Khi bình tĩnh lại, tôi thấy vừa tự hào nhưng cũng sợ, và không hề nghĩ chuyện này đi vào lịch sử.
Thiếu tướng Nguyễn Hữu An, sau là Thượng tướng, Tư lệnh Quân đoàn 2 sau đó có nói với chúng tôi rằng: “Chúng ta ở đây nên nhớ, chiến công này là của những người đã nằm xuống. Chúng ta chỉ là người đại diện”. Tôi thấy câu nói của anh An vô cùng xác đáng.
Tôi quê gốc ở Hải Phòng, nhưng sinh ra và lớn lên ở phố Hàng Vải, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Năm 19 tuổi, tôi nhập ngũ rồi vào Quảng Trị. Tôi đã chiến đấu suốt 9 năm từ Khe Sanh, cho đến 1975 là gần 28 tuổi vào Sài Gòn tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Sau này, ngẫm lại câu nói của anh An, tôi nghĩ công lao này của Đảng, của nhân dân, của những người đã nằm xuống "lót đường" từ Quảng Trị vào đây. Khi đi nói chuyện các nơi, tôi đều cảm ơn Đảng, Quân đội Nhân dân Việt Nam, những người đã ngã xuống và đồng bào Sài Gòn - Gia Định, đặc biệt những tổ chức bí mật đã nâng đỡ cho chúng tôi được vào đó an toàn và hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Tôi mong Đảng và Nhà nước tích cực đổi mới hơn nữa. Thế hệ mới - là những bạn trẻ rất giỏi - kế thừa truyền thống cha ông để xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như mong nguyện của Bác Hồ.
Ghi theo lời kể của ông Nguyễn Văn Nhu (còn gọi là Nguyễn Khắc Nhu, Trợ lý tác chiến của Trung đoàn bộ binh 66, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2)
Từ tháng 7/1965, Chính phủ Liên Xô đã thành lập Đoàn chuyên gia quân sự và cử sang giúp đỡ Quân đội nhân dân Việt Nam trong 2 lĩnh vực chủ yếu là phòng không và không quân.
Một trong những điều ấn tượng nhất đối với nhiều bạn trẻ hôm nay là hình ảnh của hàng lớp thanh niên, sinh viên, học sinh Sài Gòn - Gia Định cắm cờ giải phóng, tham gia tiếp quản thành phố ngay khi đại quân tiến vào Sài Gòn ngày 30/4/1975.