Khai thác từ giữa tháng 12/2016, Asia Pacific Gateway (APG) là tuyến cáp biển góp phần mang lại đường truyền ổn định với dung lượng lớn hơn cho người dùng Internet tại Việt Nam.
Có chiều dài khoảng 10.400 km, tuyến cáp APG được đặt ngầm dưới biển Thái Bình Dương, có các điểm kết nối ở Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Tuyến cáp quang biển này có sự tham gia đầu tư của các nhà mạng Việt Nam VNPT, Viettel, FPT và CMC.
Trong thông tin mới chia sẻ với VietNamNet, đại diện một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam cho biết, các nhà mạng tại Việt Nam vừa nhận được thông báo của đơn vị quản lý tuyến cáp APG về sự cố mới.
Cụ thể, vào 8h40 ngày 21/1, tuyến cáp quang biển quốc tế APG đã gặp sự cố lần đầu tiên trong năm 2023. Nguyên nhân là do đứt cáp trên nhánh S9 cách trạm cập bờ SEA khoảng 151 km. Sự cố lần này gây mất toàn bộ dung lượng cáp APG hướng kết nối đi Singapore và Nhật.
Điều đáng nói là ngay trước đó, từ 4h sáng ngày 26/12/2022, tuyến cáp APG đã gặp sự cố trên phân đoạn S6 gần HongKong (Trung Quốc) và sự cố này vẫn chưa được khắc phục, sửa chữa.
Hơn thế, ngoài tuyến cáp APG, một tuyến cáp biển khác là Asia America Gateway (AAG) cũng đang có các lỗi chưa được sửa chữa, gây gián đoạn dịch vụ trên tuyến. Trong năm 2022, cáp AAG gặp sự cố trên các hướng kết nối đi Singapore và HongKong (Trung Quốc). Với hướng cáp Singapore, AAG gặp sự cố trên nhánh S1B, S1D và lỗi nguồn tại trạm cập bờ TungKu (Brunei); ở hướng kết nối Hong Kong (Trung Quốc), AAG bị lỗi trên nhánh S1H và S1I. Các lỗi trên cáp AAG hiện vẫn chưa được khắc phục xong.
Ngay sau khi phát hiện các sự cố cáp biển, các ISP tại Việt Nam đều đã khẩn trương triển khai phương án dự phòng, chuyển lưu lượng kết nối quốc tế sang các tuyến cáp biển IA và SMW3 cũng như các tuyến cáp đất liền khác. Đơn cử như CMC đã chuyển lưu lượng sang các hướng cáp đất liền qua Trung Quốc và hướng kết nối đi Singapore qua Campuchia.
Dẫu vậy, theo các chuyên gia, việc hiện vẫn còn tới 2 tuyến cáp biển là APG và AAG phát sinh các sự cố đã và đang khiến cho các nhà mạng tại Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong duy trì chất lượng dịch vụ Internet quốc tế, có thể ảnh hưởng cục bộ đến chất lượng truy cập của một số nhóm người dùng.
Các chuyên gia cũng thông tin thêm, sự cố trên các cáp quang biển quốc tế chỉ ảnh hưởng đến tốc độ truy cập các website quốc tế tại một vài thời điểm trong ngày. Việc truy cập các trang mạng và ứng dụng trong nước không bị ảnh hưởng.
Đặc biệt, trong dịp tết Nguyên đán 2023, các nhà mạng đều lên kế hoạch đảm bảo an toàn thông tin, thông suốt mạng lưới. Dự kiến nhu cầu sử dụng data tăng mạnh, nhất các ứng dụng mạng xã hội, OTT, truyền hình trực tuyến, VNPT đã kết nối trực tiếp với các nhà cung cấp nội dung lớn như Google, Facebook,Tiktok..., các nhà cung cấp CDN như Akamai, Microsoft, CloudFlare... để tăng chất lượng dịch vụ và trải nghiệm cho người dùng.
Còn với Viettel, nhà mạng này tập trung toàn bộ tài nguyên cho mạng 4G để đáp ứng lưu lượng data tốt hơn. Hơn 7.500 trạm 4G được phát sóng mới trên toàn quốc, trong đó có 363 trạm viễn thông công ích tại các vùng sâu, vùng xa, hải đảo. Nâng cấp gần 15.000 trạm phát sóng, bổ sung dung lượng phục vụ tăng 20% so với ngày thường.
Ngoài ra, phương án đảm bảo an toàn thông tin cho các địa điểm tập trung đông người như lễ hội, điểm bắn pháo hoa đêm giao thừa cũng đã được các nhà mạng triển khai, như VNPT nâng cấp, bổ sung trạm hoặc bổ sung xe phát sóng lưu động cho các điểm có lưu lượng lớn; Viettel lần đầu triển khai số lượng lớn trạm phát sóng cơ động lắp ghép (lego) có dung lượng gấp 2 lần xe phát sóng lưu động, có thể đặt tại những vị trí mà xe ô tô không thể tiếp cận.
Trao đổi với VietNamNet về các sự cố cáp biển, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) cho hay, thời gian khắc phục các sự cố cáp biển có thể kéo dài từ vài tuần cho đến vài tháng, tùy thuộc vào loại lỗi và vị trí cáp gặp sự cố. |