Đáng chú ý, loại vũ khí này chưa từng được Washington công khai trong các gói viện trợ quân sự dành cho Kiev. Hình ảnh của những mảnh vỡ MALD nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội, dấy lên câu hỏi lực lượng vũ trang Ukraine (AFU) có thể đã sử dụng chiến thuật “mồi nhử” để tiêu hao sinh lực phòng không của Nga.
MALD là hệ thống bay tự động, có thể được lập trình trước, với khả năng bắt chước tín hiệu máy bay Mỹ hoặc đồng minh, đánh lừa hệ thống phòng không tích hợp (IADS) của đối phương. Mặc dù mồi nhử không được trang bị đầu nổ hay tạo ra sức mạnh tấn công, nhưng nó đóng vai trò chiến lược trong các cuộc đọ sức trên chiến trường.
Trent Telenko, cựu quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ nói rằng: “AGM-160B MALD về cơ bản là một tên lửa hành trình/bom lượn nhỏ được trang bị gây nhiễu radar, có khả năng phát bức xạ tín hiệu giống như trên bộ phận điều khiển hoả lực của các loại tên lửa”.
Các biến thể của MALD cũng giống như các tên lửa hành trình cỡ nhỏ nhằm đánh lừa hệ thống phòng không đối phương hơn là dành cho mục đích tấn công chủ động. Những tên lửa “giả” này được triển khai để gây nhiễu radar, khiến đối phương tin rằng có mối nguy hiểm đến từ nhiều phía, làm phân tán sự chú ý và nguồn lực phòng thủ trước cuộc tấn công thực sự xảy ra sau đó.
Các mảnh vỡ thu được tại miền Đông Ukraine cho thấy đây có thể là ADM-160 phiên bản cũ hơn. MALD biên chế vào lực lượng không quân Mỹ từ năm 2009, thường được tích hợp vào phi đội B-1B phóng từ các chiến đấu cơ F-16 hoặc B-52H.
Một số nhà phân tích nói rằng Ukraine có thể đã gắn những mồi nhử này lên MiG-29, loại máy bay chiến đấu vốn đã được trang bị những vũ khí khác của Mỹ bao gồm tên lửa AGM-88 HARM hay bom thông minh JDAM-ER.
“Thử tài” phòng không Nga
Ý tưởng phát triển ADM-160 MALD được Mỹ đưa ra vào cuối những năm 1990, ảnh hưởng bởi kinh nghiệm từ chiến tranh vùng Vịnh - nơi cho thấy tầm quan trọng phải vô hiệu hoá các hệ thống phòng không có radar định vị của đối phương.
Ban đầu, ADM-160 gặp khó khăn về kỹ thuật và tài chính, hạn chế về phạm vi hoạt động cũng như công suất hộp số. Song, đến năm 2009, quân đội Mỹ đã phát triển thành công phiên bản ADM-160B tinh vi hơn, với nhiều cải tiến khắc phục những hạn chế nêu trên.
Hệ thống phụ tăng cường tín hiệu (SAS) của MALD có khả năng giả lập bước sóng phản xạ radar của nhiều loại máy bay hoặc đầu đạn dùng bộ tăng cường radar chủ động, từ đó đánh lừa các hệ thống phòng thủ.
Điều này khiến các khẩu đội phòng không của đối phương bối rối, tiêu hao tên lửa đánh chặn, trước khi bị kết liễu bởi những tên lửa chống bức xạ như AGM-88 HARM (Mỹ) hay ALARM (Anh).
ADM-160B có tầm hoạt động tối đa 500 dặm, với thiết kế có thể lập trình lộ trình hoặc đứng cố định xung quanh các địa điểm định trước.
Sự kết hợp của tên lửa “giả” với những tên lửa hành trình như Storm Shadow, cùng mối đe doạ từ các phi đội máy bay không người lái tạo ra những thách thức đáng kể cho đối phương.
Tên lửa Storm Shadow của Anh viện trợ, nặng 1.900 kg, về mặt lý thuyết có thể trang bị trên các máy bay chiến đấu hạng nặng như Su-24 và Su-27. Tính tới thời điểm đầu cuộc xung đột tháng 2/2022, AFU được cho là có khoảng 34 chiếc Su-27 và từ 16-24 chiếc Su-24M trong biên chế.
Phía Ukraine có thể nhử các lực lượng phòng không Nga bằng cách gửi các MALD dễ thấy và dễ tấn công hơn so với tên lửa Storm Shadow bay thấp và gần “tàng hình”. Sự kết hợp tương tự có thể áp dụng với tên lửa JDAM-ER hoặc HARM.
Song, đến nay, giới chuyên gia quân sự nhận định Kiev vẫn chưa tạo ra bước ngoặt trên chiến trường với nguyên nhân chủ yếu là do AFU chỉ có “6 bệ phóng Storm Shadow đang hoạt động” - theo tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov.
(Theo EurAsian Times)