Tương tự như các hệ thống phòng không được chia thành tầm ngắn, trung bình và tầm xa, lực lượng mặt đất của Nga phân bố hàng loạt nền tảng tác chiến điện tử dày đặc mỗi 10 km ngoài mặt trận.
Hạ 10.000 UAV mỗi tháng, 333 chiếc mỗi ngày
Một báo cáo của Royal United Services Institute (RUSI) - viện nghiên cứu trụ sở tại Vương quốc Anh cho biết EW của Moscow liên tục duy trì hiệu quả và hạ gục gần 10.000 máy bay không người lái Ukraine mỗi tháng, tương đương khoảng 333 chiếc/ngày.
Theo EurAsian Times, Moscow đã thể hiện sức mạnh tác chiến điện tử vượt trội trên chiến trường, do đã có sự chuẩn bị công nghệ kỹ lưỡng kể từ cuộc chiến ở Syria năm 2015 và động thái sáp nhập bán đảo Crimea một năm trước đó.
Trong cuộc chiến ở Ukraine lần này, báo chí phương Tây đồng loạt tiết lộ thêm về sự hiệu quả của EW Nga, khiến các hoạt động của Ukraine liên tục gặp khó khăn khi phải đối chọi với các loại hệ thống đa dạng từ chống máy bay không người lái, can thiệp tín hiệu thông tin liên lạc hay định vị vệ tinh.
Các hệ thống Krasukha-2, Krasukha-4, RB-341V LEER-3, R-330Zh Zhitel, Murmansk-BN và Moskva-1 của Nga là một số nền tảng EW đã được các chuyên gia quân sự phương Tây biết đến, khi chúng được sử dụng để thực hiện gây nhiễu tín hiệu định vị vệ tinh radar, vô tuyến, liên lạc ở các tần số khác nhau, cùng với các vai trò Hỗ trợ Điện tử (ES) và Tấn công Điện tử (EA).
Trong đó, hệ thống 14Ts227 Tobol EW được cho chính là “thủ phạm” làm gián đoạn quá trình “đồng bộ hóa” dịch vụ internet vệ tinh Starlink với các thiết bị đầu cuối mặt đất hồi năm ngoái.
Song, nghiên cứu mới nhất của RUSI cho thấy hệ thống gây nhiễu Shipovnik-Aero mới chính là “khắc tinh” với các binh đoàn UAV của Ukraine.
“Shipovnik-Aero đang chứng tỏ là một hệ thống đặc biệt hiệu quả khi có tín hiệu thấp, đồng thời có thể gây thêm xáo trộn với tính năng bắt chước các bộ phát tín hiệu hay liên lạc khác”, trích nghiên cứu của Jack Watling và Nick Reynolds thuộc RUSI.
Sử dụng tác chiến điện tử “tiêu hao” đối thủ
Nghiên cứu cho biết thêm rằng các nền tảng EW của Nga chủ yếu nhằm mục đích “hạ gục UAV mà không cố làm giảm xung đột”. Nói cách khác, Moscow đã thực hiện chiến lược gây tiêu hao đối đa, thay vì “kết liễu” sức mạnh phòng thủ của Kiev.
Cùng với Shipovnik-Aero, quân đội Nga đã triển khai rộng rãi các thiết bị tác động điện tử cho tất cả các đơn vị ở mọi cấp độ. Phía Ukraine đánh giá, mỗi trung đội của Nga đều được phân bổ thiết bị gây nhiễu định hướng và chiếm quyền điều khiển UAV.
Không chỉ vậy, nghiên cứu của RUSI còn chỉ ra rằng Nga hoàn toàn “có khả năng” chặn và giải mã thông tin liên lạc vô tuyến mã hoá của đối phương bằng thiết bị gây nhiễu Torn-MDM.
“EW của Nga đạt được khả năng đánh chặn và giải mã thời gian thực đối với các hệ thống liên lạc chiến thuật được mã hóa Motorola 256-bit của Ukraine đang được Lực lượng vũ trang Ukraine (AFU) sử dụng rộng rãi”, trích báo cáo của RUSI.
Trong khi đó, các sĩ quan quân đội Ukraine nói rằng họ bị pháo kích phủ đầu ngay sau khi phát lệnh tấn công qua liên lạc vô tuyến.
Tháng 11 năm ngoái, Business Insider thậm chí đưa tin, “các cuộc tấn công gây nhiễu” của Nga mạnh đến mức tự làm “gián đoạn” luôn cả liên lạc của họ trong hai ngày đầu của “chiến dịch quân sự đặc biệt”.
(Theo EurAsian Times)