Theo Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT), sát kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5, giá vé máy bay trên mạng nội địa được ghi nhận đã ‘hạ nhiệt’ so với thời điểm cách đây hơn một tuần.
Những chặng bay có lượng khách di chuyển lớn như Hà Nội và TP.HCM khởi hành ngày 29/4 và trở về ngày 3/5, giá vé rẻ nhất của Vietjet Air trên hệ thống là hơn 3 triệu đồng, giảm khoảng 25% so với ngày 14/4; của Vietravel Airlines là gần 3,5 triệu đồng, rẻ hơn gần 30% so với ngày 14/4.
Cùng thời điểm, giá vé trên nhiều chặng bay khác đến các điểm du lịch trong nước như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc cũng đã giảm, nhưng gần như hết vé và không còn nhiều lựa chọn khung giờ bay.
Một số thông tin cho rằng, giá vé máy bay đã giảm một nửa so với thời điểm cách đây một tháng. Song, trên thực tế, giá vé máy bay chỉ giảm mạnh khi khách đặt vé có ngày khởi hành trước hoặc sau kỳ nghỉ lễ, tức từ 26-28/4, hoặc đầu tháng 5. Vào đúng kỳ nghỉ lễ (29/4-3/5), giá vé máy bay có hạ nhiệt, nhưng chỉ giảm ở mức 20-30%.
Ghi nhận của PV.VietNamNet cho thấy, chặng Hà Nội - Phú Quốc giá vé trung bình ở mức 6,5-7 triệu đồng/vé khứ hồi (đã bao gồm thuế phí), nhưng giờ bay không đẹp. Riêng trên hệ thống bán vé của Vietnam Airlines, giá vẫn cao choáng váng khi từ Hà Nội vào đảo Ngọc ghi nhận mức 5,392 triệu đồng/chặng bay đêm từ 23h, 13,3 triệu đồng/chặng vé hạng thương gia; chiều về ngày 5/3, giá vé dao động từ 3,3-7,4 triệu đồng.
Nếu đi Nha Trang từ Hà Nội, khách phải trả hơn 7 triệu đồng/vé khứ hồi bay Vietnam Airlines và Vietjet Air.
Chặng Hà Nội - Đà Nẵng, giá vé trung bình 4,4-5 triệu đồng khứ hồi. Riêng chặng bay Hà Nội - Tuy Hòa đã hết sạch chỗ, tại các hãng.
Từ đầu TP.HCM đi các điểm du lịch, giá vé máy bay cũng giảm khoảng 30%. Riêng bay Phú Quốc chiều đi đã hết vé.
Trong khi đó, các đại lý có bán xả hàng vé máy bay dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, nhưng mức giảm không nhiều.
T.H., một đại lý chuyên cung cấp vé máy bay, phòng khách sạn, cho hay, các đại lý như chị cũng “ôm” series vé dịp lễ các chặng bay từ trước đó cả tháng, nhưng mức giá cũng không hề rẻ. Thế nên, nếu có bán ra đợt này chỉ vài chỗ giờ đẹp, còn lại giờ bay xấu hơn. Họ chấp nhận bán lỗ 100.000-200.000 đồng/vé, chứ không giảm nhiều.
Chẳng hạn, một thành viên trên nhóm chị H. tham gia vừa rao thanh lý vé đi Phú Quốc, bay Vietjet và Bamboo Airways dịp lễ. Đi từ Hà Nội, đại lý này còn 6 cặp giờ đẹp (đi 7h45, về 13h15) giá 5 triệu đồng/vé khứ hồi, còn lại là 36 cặp vé giá 4 triệu (đi 18h15, về 20h30),... bay Bamboo Airways và 5,6-5,9 triệu cặp (giờ đẹp) của Vietjet, nhưng số lượng rất ít...
Nếu có tung ra số lượng nhiều, giá rất rẻ thì không phải đi vào dịp chính lễ 30/4-1/5, hoặc là giá ảo, chị H. nhận định.
Hơn nữa, theo chị H., tỷ lệ vé được ưu đãi cho các đại lý, công ty lữ hành không nhiều, thường chỉ 15-20% trong dải vé một chuyến bay, nên không thể là lý do khiến giá vé máy bay ồ ạt giảm.
Theo lý giải của Cục Hàng không Việt Nam, giá vé hạ nhiệt nhờ trước đó Cục đã ra quyết định tăng 26 slot/ngày (giờ cất, hạ cánh) tại sân bay Tân Sơn Nhất dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 và cao điểm du lịch hè 2023 (từ 1/6-15/8). Qua đó, mỗi ngày các hãng bay sẽ cung ứng thêm khoảng 4.500-5.000 ghế.
Với việc tăng thêm chuyến bay, giá vé trên các chuyến bay mới vẫn bán theo nguyên tắc giá thấp bán trước, giá cao bán sau nên mua càng sớm, càng dễ mua được vé giá rẻ. Khi hết loại vé rẻ, hãng sẽ mở bán vé cao dần, lần lượt cho tới ngày bay.
Một số khách hàng chớp được thời cơ, mua gần lại được giá rẻ hơn. Đây cũng là lý do khiến nhiều người ấm ức vì các hãng hàng không, công ty du lịch lâu nay vẫn khuyến cáo khách nên mua sớm để có giá rẻ.
Trên diễn đàn, một thành viên kể rằng: Bạn anh cách đây 2 tháng đặt vé Hà Nội - Phú Quốc đúng dịp nghỉ lễ 30/4-1/5. Cả gia đình 4 người tự đi, riêng tiền vé khứ hồi tính ra gần 10 triệu đồng/người. Nay giá giảm còn 6 triệu, coi như chưa đi đã mất toi một khoản.
Có ý kiến lo ngại, nếu tình trạng bổ sung chuyến bay, các đại lý xả hàng bán vé giá mềm hơn vào giờ chót còn tái diễn sẽ dẫn đến tâm lý chờ đợi, ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh của cả hệ thống như hàng không, công ty lữ hành, cơ sở lưu trú.