Ông là người được phong hàm Đại tướng duy nhất trong đợt phong tướng đầu tiên của QĐNDVN (1948), là vị chỉ huy duy nhất được giao “tướng quân tại ngoại”, toàn quyền quyết định trong một chiến dịch lịch sử…

Chuyên gia vĩ đại về chiến tranh nhân dân

Năm 1992, ông Peter Macdonald, một nhà nghiên cứu lịch sử quân sự người Anh đã xuất bản tác phẩm tạm dịch là “Võ Nguyên Giáp, sự đánh giá”. Ông đã từng sang thăm Việt Nam và được Đại tướng dành nhiều thời gian trò chuyện.

{keywords}
Nhân dịp năm mới (tháng 1/1973), Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm các chiến sỹ tự vệ khu phố K và T Hà Nội đã bắn rơi máy bay Mỹ E.111 đêm 22/12/1972. Ảnh: TTXVN

Tác giả viết: “Võ Nguyên Giáp trong 30 năm liền vẫn là Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang và trong gần 50 năm vẫn tham dự những hội nghị chính trị ở cấp cao nhất của đất nước... Chúng ta khó mà so sánh ông với các tướng lĩnh khác về sự điều hành ở tầm cao của cuộc chiến tranh du kích và ở các cuộc hành binh lớn nói trên. Võ Nguyên Giáp đã chứng minh rằng ông có những đức tính ngoài tầm cỡ bình thường trên mọi lĩnh vực của chiến tranh”.

Năm 1997, nhà sử học quân sự người Mỹ Cecil B. Currey xuất bản cuốn sách Chiến thắng bằng mọi giá - Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thiên tài của Việt Nam. Tác giả nhận xét: "Trong suốt thời gian đó, ông không chỉ trở thành một huyền thoại mà còn trở thành một thiên tài quân sự lớn nhất của thế kỷ 20 và một trong những thiên tài quân sự lớn nhất của tất cả các thời đại... Ông trở thành một chuyên gia vĩ đại nhất về chiến tranh nhân dân hiện còn sống”.

Ngày 9/2/1968, tạp chí Time của Mỹ đã đăng bài viết dài, kèm theo bức ảnh vẽ trang bìa chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tác giả dành lượng lớn thông tin nói về nhà quân sự kiệt xuất kèm theo câu nói nổi tiếng của ông những năm chiến tranh: “Đánh là thắng, chỉ đánh khi chắc thắng, nếu không thắng thì không đánh”.

Tài thao lược của vị tướng từng là thầy giáo dạy sử 

“Bách khoa toàn thư quân sự” Bộ Quốc phòng Mỹ, xuất bản năm 1993 viết: "Tài thao lược của Tướng Giáp về chiến lược, chiến thuật và hậu cần được kết hợp nhuần nhuyễn với chính trị và ngoại giao... Sức mạnh hơn hẳn về kinh tế, tính ưu việt về công nghệ cùng với sức mạnh áp đảo về quân sự và hỏa lực khổng lồ của các quốc gia phương Tây đã phải khuất phục trước tài thao lược của một vị tướng từng một thời là thầy giáo dạy sử".

{keywords}
Bìa cuốn sách Chiến thắng bằng mọi giá của tác giả Cecil B.Currey. Ảnh tư liệu

Nếu như tiêu chí chọn tướng của Hồ Chủ tịch là "Đánh thắng Đại tướng được phong Đại tướng" thì suốt cuộc đời mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã lần lượt đọ sức và đánh thắng tới 4 Đại tướng của Pháp và 6 của Mỹ, chưa kể đến nhiều viên Đại tướng của chính quyền Việt Nam Cộng hoà. Người Mỹ khi nhắc đến ông vẫn thường gọi là "Đại tướng 5 sao". William Westmoreland, cựu Tổng tư lệnh Quân đội Mỹ tại Việt Nam gọi ông là "Tướng huyền thoại".

Trong “Bách khoa toàn thư” của Mỹ và của nhiều nước, tên và hình ảnh của ông được ghi lại như là một trong những vĩ nhân quân sự hiển hách nhất.

Ducan Townson, tác giả cuốn “Những vị tướng lừng danh” xuất bản ở London, đã viết: “Võ Nguyên Giáp là một trong 21 vị danh tướng của thế giới trong 25 thế kỷ qua… những người đã có chiến công tạo nên bước ngoặt của nghệ thuật chiến tranh”.

“Tân bách khoa toàn thư” của nước Anh (xuất bản năm 1985) trong chuyên mục giới thiệu các danh tướng thế giới từ thời cổ đại cho đến ngày nay, đã giới thiệu hai danh tướng Việt Nam là Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Tướng Peter Macdonald, nhà nghiên cứu khoa học lịch sử quân sự người Anh, đánh giá: “Từ năm 1944-1975, cuộc đời của Võ Nguyên Giáp gắn liền với chiến đấu và chiến thắng, khiến ông trở thành một trong những thống soái lớn của mọi thời đại. Với 30 năm làm tổng tư lệnh và gần 50 năm tham gia chính sự ở cấp cao nhất, ông tỏ ra là người có phẩm chất phi thường trong mọi lĩnh vực của chiến tranh. Khó có vị tướng nào có thể so sánh với ông trong việc kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính qui. Sự kết hợp đó xưa nay chưa từng có”.

Một chiến sĩ vĩ đại

Ngày 4/10/2013, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần. Bên cạnh tình cảm thương tiếc vô bờ bến của nhân dân trong trước, dư luận và báo chí nhiều nước đã bày tỏ sự kính trọng, tiếc thương và khẳng định, Ðại tướng "sẽ sống mãi trong lòng nhân dân và bạn bè quốc tế".

Trong thông cáo đặc biệt, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Laurent Fabius ca ngợi Ðại tướng Võ Nguyên Giáp là "một nhà yêu nước, một chiến sĩ vĩ đại của dân tộc Việt Nam".

Giám đốc nhà xuất bản Cienflores của Argentina Maximiliano Thibaut nhấn mạnh, Ðại tướng Võ Nguyên Giáp là người anh hùng không chỉ của Việt Nam mà còn của tất cả các dân tộc cách mạng. Vị tướng huyền thoại còn chứng minh rằng, một khi phẩm giá dân tộc bị chà đạp, đòi hỏi nhân dân đứng lên, không có một cường quốc quân sự hoặc thế lực áp bức nào có thể cản bước dân tộc đó nếu họ quyết tâm đấu tranh vì nền độc lập và được tổ chức tốt.

Sự đánh giá và tôn vinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp thật sự thuyết phục khi các cuộc chiến tranh đã lùi vào quá khứ, khi người Pháp, người Mỹ có dịp gặp gỡ  và chuyện trò với Đại tướng thì họ mới thật sự hiểu vì sao họ đã thua một vị tướng chưa hề đọc cuốn sách giáo khoa quân sự nào và cũng chưa được học trường sĩ quan quân sự nào.

Chính ông từng nói đùa với các ký giả quốc tế: “Tôi đã tốt nghiệp học viện quân sự 'bụi rậm'”.

Đó là những đánh giá khách quan, công bằng và cũng là sự tôn vinh xứng đáng của những chính khách phương Tây, các nhà nghiên cứu lịch sử quân sự bên kia chiến tuyến, tướng lĩnh quân đội đã từng là đối thủ với Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên chiến trường.

Trần Trung Hiếu

‘Tôi biết nhiều đồng chí nói rất hay, nhưng làm lại rất dở’

‘Tôi biết nhiều đồng chí nói rất hay, nhưng làm lại rất dở’

“Phải học tập tác phong nói đi đôi với làm, phải coi trọng học và làm và làm và làm theo tấm gương của Bác. Tôi cũng được biết nhiều đồng chí nói rất hay, thậm chí báo cáo còn được giải này, giải nọ nhưng làm lại rất dở”.