Sự ủng hộ của Mỹ
Phát biểu sáng thứ Hai tuần này, Đại tướng Mark Milley - Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ khẳng định, nước này sẽ tiếp tục ủng hộ Ukraine. Về kết cục của cuộc chiến, Đại tướng Milley cho rằng mọi chuyện sẽ do chính nhân dân Ukraine quyết định.
Theo tờ Financial Times, tuyên bố của ông Milley được đưa ra sau khi Kiev đã đứng vững 3 tháng, bất chấp những đòn tấn công của Nga. Những thành công về mặt quân sự của Ukraine cũng mang tới bầu không khí lạc quan tại Washington.
Sau cuộc gặp với Tổng thống Volodymyr Zelensky, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi tuyên bố "Mỹ sẽ sát cánh với Ukraine cho tới khi giành được thắng lợi". Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin thì muốn nước Nga phải nhận tổn thất nghiệm trọng để họ không thể lặp lại hành động tương tự với Ukraine.
Cùng với những tuyên bố ủng hộ, Chính phủ Mỹ đã viện trợ cho Ukraine 54 tỷ USD kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu. Phần lớn khoản tiền này được thông qua vào tuần trước, khi Tổng thống Biden đồng ý hỗ trợ thêm 40 tỷ USD (20 tỷ hỗ trợ quân sự) trong trường hợp căng thẳng tiếp tục kéo dài.
Nỗi lo của đồng minh châu Âu
Bên cạnh những khoản viện trợ khổng lồ và những lời hứa hùng hồn, có rất ít thông tin về việc Washington muốn điều gì có thể và nên xảy ra khi cuộc xung đột tại Ukraine kết thúc. Sự mập mờ này cùng với dự báo cuộc chiến còn kéo dài khiến các đồng minh của Mỹ tại châu Âu cảm thấy bất an.
Thời gian qua, lãnh đạo Pháp, Đức và Italia đều đã kêu gọi ngừng bắn và tiến hành đàm phán nhằm chấm dứt xung đột. Dù tất cả các quốc gia đều khẳng định xung đột kết thúc ra sao nằm ở mong muốn của người dân Ukraine, nhưng sự thật là khả năng chiến đấu của Kiev phụ thuộc vào Mỹ.
"Các nước châu Âu muốn biết viễn cảnh mà Mỹ nhìn thấy, bởi việc định nghĩa thế nào là 'thất bại' của Nga thực sự không rõ ràng", ông Stefano Stefanini - cựu Đại sứ Italia tại NATO cho hay.
Ở thời điểm hiện tại, Mỹ vẫn đang làm tốt việc giữ cho mọi đồng minh ở cùng một chiến tuyến, nhưng nếu cuộc xung đột không sớm kết thúc, những rạn nứt có thể xuất hiện.
Tuần trước, Tổng thống Pháp Macron đã gây tranh cãi khi kêu gọi sự cần thiết của một lệnh ngừng bắn trong bối cảnh Kiev thúc giục các đồng minh cung cấp vũ khí hạng nặng để giành lại các khu vực bị chiếm đóng bởi Nga. Không chỉ ông Macron, Thủ tướng Italia cũng nói với Tổng thống Biden rằng nước này muốn thấy một cuộc đàm phán để ngăn chặn những đau khổ mà người dân Ukraine phải chịu.
Những bất đồng giữa các nước đồng minh và Mỹ đang dần hiện ra chỉ vì một câu hỏi, Mỹ muốn nước Nga ra sao sau khi xung đột Ukraine kết thúc?
Viễn cảnh mong muốn của nước Mỹ
Theo tờ Financial Times, các cuộc thảo luận nội bộ của Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ cho thấy, Washington muốn mang lại một nền dân chủ cho Ukraine và đảm bảo Nga phải nhận một thất bại chiến lược cả về quân sự lẫn kinh tế.
Chính phủ của Tổng thống Biden vẫn đang thực hiện một chiến lược tinh vi khi một mặt cung cấp hỗ trợ quân sự hiệu quả cho Ukraine và tránh mọi ý nghĩ rằng họ đang thao túng nước này về những điều khoản để chấm dứt xung đột. Mặt khác, Mỹ giữ cho các đồng minh quốc tế ở cùng một chiến tuyến với Ukraine, khi tất cả quốc gia này đều công khai mong muốn sớm chấm dứt cuộc xung đột do lo ngại ảnh hưởng về kinh tế và xã hội.
Sự mập mờ của Mỹ còn thể hiện rõ khi Washington dường như đang đứng giữa làn ranh tranh cãi của các đồng minh châu Âu. Các quan chức của Chính phủ Biden không hề lên tiếng kêu gọi một thỏa thuận ngừng bắn và đàm phán, nhưng cũng tránh mọi động thái cho rằng họ muốn cuộc xung đột tiếp tục leo thang.
"Mục tiêu rõ ràng của Mỹ là thấy Nga thua trong cuộc xung đột với Ukraine. Nhưng viễn cảnh nào mới làm cho chính quyền Tổng thống Biden cảm thấy hài lòng? Dĩ nhiên Washington sẽ không tiết lộ điều này, chúng ta chỉ có thể biết được khi cuộc xung đột kết thúc", Steven Pifer - cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine phân tích.
Việt Dũng