"Năm nay, chúng tôi dự kiến nghỉ xuất khẩu sớm vì hết cà phê. Đây là điều chưa từng có”, ông Thái Như Hiệp - Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (doanh nghiệp xuất khẩu cà phê nhân hàng đầu ở nước) - chia sẻ khi nói về cơn sốt cà phê trên toàn cầu.
Những ngày này, giá cà phê nhân xô tại nội địa tăng lên ngưỡng 107.000 đồng/kg - mức cao kỷ lục mọi thời đại. Trong khi đó, các nhà nhập khẩu quốc tế vẫn đổ về Việt Nam tìm kiếm nguồn hàng. Bởi nước ta là nguồn cung cấp cà phê lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau Brazil. Riêng cà phê Robusta, Việt Nam giữ vị trí số 1 toàn cầu.
Theo ông Hiệp, những năm trước, lượng hàng của công ty đủ để bán đến cuối vụ, tức tháng 8, tháng 9. Song năm nay, lượng hàng trong kho chỉ đủ bán đến khoảng tháng 5, còn vụ cà phê tiếp theo phải đến tháng 10 mới được thu hoạch.
Việt Nam có thế mạnh về sản xuất và xuất khẩu nông sản, trong đó 4 loại hạt chiếm top đầu thế giới. Ngoài cà phê, nước ta cũng đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu hạt tiêu trong hơn 20 năm qua, chiếm 40% sản lượng thu hoạch và 60% thị phần xuất khẩu toàn cầu.
Vài tháng gần đây, hạt tiêu cũng bước vào chu kỳ tăng giá. Hiện giá loại hạt được ví như “vàng đen” của Việt Nam đạt ngưỡng 91.000-95.000 đồng/kg và được dự báo bước vào chu kỳ hoàng kim mới, lấy lại mốc xuất khẩu 1 tỷ USD.
Tương tự, Việt Nam đã 17 năm liên tiếp giữ vị trí số 1 thế giới về xuất khẩu nhân điều chế biến. Hay như gạo - hạt ngọc của nước ta - trong nhiều năm liền luôn nằm trong top 3 nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.
Đây cũng là các loại hạt đem về tỷ USD cho Việt Nam. Cụ thể, xuất khẩu gạo năm 2023 đạt 4,68 tỷ USD, hạt điều đạt 3,64 tỷ USD, cà phê và hạt tiêu lần lượt đạt 4,24 tỷ USD và 910 triệu USD.
Thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, trong quý I/2024, xuất khẩu cà phê thu về 1,93 tỷ USD, tăng mạnh 56,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Cà phê cũng vươn lên vị trí thứ 3 trong nhóm các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn của ngành nông nghiệp, chỉ đứng sau lâm sản và thuỷ sản.
Xuất khẩu gạo đạt 1,43 tỷ USD trong quý I năm nay, tăng 45,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Hạt điều cũng đạt 809 triệu USD, tăng 24,6%; xuất khẩu hạt tiêu thu về 236 triệu USD, tăng nhẹ 1,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong quý I vừa qua, ngoại trừ hạt điều, giá xuất khẩu các loại hạt khác đều tăng mạnh và đạt đỉnh. Cụ thể, giá xuất khẩu bình quân của gạo đạt 661 USD/tấn, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2023; hạt tiêu là 4.153 USD/tấn, tăng 35,6%; giá cà phê cũng tăng vọt 43,5% lên ngưỡng 3.181 USD/tấn.
Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, nhóm hạt này của Việt Nam đều được dự báo sẽ lập kỷ lục xuất khẩu trong năm nay. Đặc biệt, gạo và cà phê được dự báo sẽ thu về lần lượt 5,3 tỷ USD và 5 tỷ USD trong năm 2024.
Hiện tượng El Nino tiếp tục ảnh hưởng đến nguồn cung gạo và cà phê trên toàn cầu, trong khi nhu cầu với các mặt hàng này tăng cao. Chưa kể, xung đột địa chính trị, căng thẳng ở Biển Đỏ cũng là nguyên nhân đẩy giá các mặt hàng này lên ngưỡng mới.
Thực tế, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam trong quý I vừa qua tăng mạnh. Đáng nói, các doanh nghiệp Việt Nam liên tục trúng thầu đơn hàng gạo từ các nhà nhập khẩu truyền thống.
Mới đây nhất, cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) cho biết vừa "chốt" hợp đồng 300.000 tấn gạo với các nhà cung cấp. Trong đó, doanh nghiệp Việt Nam trúng gói thầu 108.000 tấn gạo. Trước đó, Bulog công bố danh sách trúng thầu nhập khẩu 500.000 tấn gạo của quốc gia này và 7 doanh nghiệp Việt Nam trúng 10/17 gói thầu.
Tương tự, các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê cho rằng, cà phê Robusta Việt Nam đang có vị thế tương đối vững chắc, không thể thay thế trên thị trường thế giới. Dù nguồn cung thiếu hụt, hạt cà phê nước ta vẫn được các nhà rang xay nước ngoài "săn đón", chờ đợi thay vì tìm kiếm nguồn cung mới.
Đặc biệt, nhu cầu nhập khẩu của châu Âu rất lớn và nguồn cung cấp gần như hoàn toàn từ cà phê Robusta của Việt Nam, ít nhất là từ nay đến hết tháng 4/2024. Điều này sẽ là cơ sở, dư địa để giá xuất khẩu cà phê tiếp tục tăng.
Theo ông Doãn Hữu Tuệ, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Quốc tế Mỹ Việt - doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu cà phê hoà tan - rất nhiều nhà nhập khẩu trên thế giới "ngỏ ý" mua cà phê thời điểm này. Song với những đơn hàng đặt mua 600-700 tấn cà phê nhân, doanh nghiệp gần như không dám nhận vì rất khó gom đủ hàng khi nguồn cung trong dân đã cạn.