Công nghệ ảnh hưởng tới sự phục hồi kinh tế
Tại Diễn đàn cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam 2023 với chủ đề “Bơi trong dòng xoáy” vừa diễn ra chiều 8/8 ở Hà Nội, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định: “Tiến bộ của công nghệ ảnh hưởng nhiều tới sự phục hồi và phát triển kinh tế thế giới thời gian qua. Những diễn biến liên quan đến cách mạng công nghiệp 4.0, robot, tự động hóa… làm thay đổi đáng kể một loạt hoạt động kinh tế. Đây là điểm sáng của nền kinh tế toàn cầu kể từ giai đoạn Covid-19 đến nay”.
Những báo cáo gần đây của các nhà nghiên cứu trong khu vực ASEAN và Đông Á đều cho thấy quá trình tự động hóa, ứng dụng công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), có thể giúp phân bổ lại quá trình sản xuất, phân bổ lại lực lượng lao động giữa các nền kinh tế. Đồng thời thúc đẩy hoạt động thương mại, dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ.
“Từ tháng 3/2021, chúng ta đã có một thỏa thuận hợp tác với Thái Lan về việc cho phép các cơ sở bán lẻ sử dụng mã QR trong thanh toán. Giờ đây, người tiêu dùng Việt Nam khi sang Thái Lan có thể thanh toán bằng tiền đồng tại 8 triệu điểm thanh toán chấp nhận mã QR”, ông Dương nêu dẫn chứng về sự “nhập cuộc” nhanh chóng của Việt Nam.
Bàn về những tác động không mong muốn của “dòng xoáy” công nghệ thế giới, ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia Kinh tế trưởng tại Việt Nam, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) lưu ý: Do sự cạnh tranh với Trung Quốc, giờ đây, Mỹ và nhiều nước Châu Âu muốn tự chủ hơn trong chuỗi sản xuất về điện tử, nên đã dành trợ cấp để các tập đoàn đầu tư cơ sở sản xuất chip ngay tại nước mình. Việc các quốc gia muốn lôi một phần lớn chuỗi sản xuất về nước sẽ ảnh hưởng tới Việt Nam và nhiều nước đã tham gia hoạt động trong chuỗi sản xuất điện tử thế giới.
Ở một góc nhìn khác, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm đúng mức hơn tới xu hướng tiêu dùng xanh, một xu hướng không thể đảo ngược. Nhiều thị trường quốc tế đề cao xu hướng này, chẳng hạn châu Âu đang áp dụng cơ chế thuế carbon. Nếu không thay đổi, doanh nghiệp Việt sẽ trở nên kém cạnh tranh hơn, mất dần thị trường.
Cơ hội sẽ đến với những ai nắm bắt được nó
Một số tín hiệu vui về khả năng phục hồi của kinh tế Việt Nam đã được các chuyên gia chia sẻ tại Diễn đàn.
Ông Nguyễn Anh Dương cho hay, Báo cáo Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm và triển vọng cả năm 2023 được CIEM công bố hồi đầu tháng 7/2023 dự báo con số tăng trưởng kinh tế thế giới đạt 3% cho cả năm 2023. Lúc đấy, hầu hết dự báo của các tổ chức khác mới chỉ dừng ở mức 2,1 – 2,8%, rất nhiều chuyên gia cho rằng kịch bản tăng trưởng 3% khó xảy ra, có vẻ hơi viễn tưởng. Nhưng đến 25/7, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng công bố dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu 3%.
Với dự báo tích cực về tăng trưởng kinh tế thế giới, CIEM đã đưa ra 3 kịch bản đối với kinh tế vĩ mô Việt Năm năm 2023: Tăng trưởng GDP đạt 5,34%; 5,72% và 6,46%.
“Chúng tôi đã trao đổi với IMF và cho rằng trong bối cảnh kinh tế hiện nay có cả “nguy” và “cơ”. Cơ hội sẽ đến với những ai nắm bắt được nó”, ông Dương nói.
Với nhận định “Việt Nam mở cửa vào diện nhất thế giới”, ông Lê Xuân Nghĩa, Chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, Việt Nam có khả năng phục hồi nhanh hơn so với một số nước, bởi kinh tế Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào hoạt động đầu tư trực tiếp của nước ngoài ( FDI - chiếm tới 25% GDP, 70% sản lượng công nghiệp), sức hấp dẫn FDI của Việt Nam cao hơn so với mức bình quân của thế giới.
“Tháng vừa rồi chúng tôi lập mô hình để nghiên cứu chỉ PMI (chỉ số quản lý thu mua – PV) toàn cầu thì thấy gần như ở tất cả các nước, PMI đều phục hồi nhẹ, tăng 1 điểm. Đông Bắc Á cũng vậy. Riêng Việt Nam tăng khoảng 2,5 điểm. Theo dự đoán của chúng tôi, khoảng quý 4/2023 trở đi, chỉ số này của Việt Nam có thể khá hơn. Kinh tế có thể phục hồi nhẹ bắt đầu từ quý 4 năm nay đến nửa đầu năm sau”, ông Nghĩa thông tin thêm.
Một trong những khó khăn lớn nhất đối với các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay theo ông Nghĩa là dòng tiền. Vòng quay của tiền chỉ còn lại 0,64 vòng/năm (bình thường khoảng 2 vòng/năm, năm cao nhất là 2,5 vòng), khiến cho thanh khoản của toàn bộ nền kinh tế bị suy kiệt.
“Có một doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu thức ăn chay sang châu Âu, năm ngoái doanh thu được 10 tỷ đồng, năm nay đơn đặt hàng của châu Âu lên tới 25 tỷ, nhưng ngân hàng lấy lý do tài sản thế chấp vẫn chỉ có ngần đó nên không thể vay thêm một đồng nào để mở mang sản xuất”, ông Nghĩa phản ánh.
“Vào giai đoạn khủng hoảng, tất cả các nước đều lùi điều kiện tài sản thế chấp lại, tập trung thẩm định chủ yếu vào khả năng trả nợ, vào tính hiệu quả của dự án. Nhưng ở Việt Nam thì ngân hàng vẫn buộc doanh nghiệp phải có tài sản đảm bảo mới cho vay. Trong điều kiện kinh tế gặp khó khăn, nhìn thấy một "ánh sáng cuối đường hầm" thì phải bám lấy ngay. Chúng tôi đang đề nghị các ngân hàng thương mại, đặc biệt là ngân hàng thương mại lớn nhìn vào khả năng trả nợ của các doanh nghiệp, khả năng tồn tại, sống sót của các doanh nghiệp để quyết định bơm thêm tín dụng mới cho họ”, ông Nghĩa chia sẻ quan điểm.