Trên báo VietNamNet gần đây có bài của Kỹ sư Trần Văn Tường đặt câu hỏi: Liệu Việt Nam có tự làm được Metro?
Tôi thấy bài báo đưa ra câu hỏi và lý giải những vấn đề tồn tại của các dự án Đường sắt đô thị Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh rất đúng và đưa ra hướng giải quyết để các công trình hạ tầng lớn mà nhân dân mong đợi về đích.
Chả lẽ cứ để con cháu chúng ta chịu trận vì việc làm của chúng ta hôm nay? Và chả lẽ chúng ta không làm được Metro?
Không! Ngày nay, chúng ta phải làm được Metro. Cái khó của Metro là đào hầm, mà đào hầm thì đã có dây chuyền máy móc hiện đại... Vừa qua Công ty Đèo Cả đã đào thành công mấy đường hầm xuyên núi. Tất nhiên đào ngầm trong lòng đất đô thị khó hơn đào hầm trong núi.
Cái khó của đào hầm Metro khi vướng công trình ngầm của kiến trúc trên mặt đất thì không phá bỏ, còn đào hầm xuyên núi gặp đá dù rắn như kim cương cũng phá xuyên qua được.
Ngày xưa quân và dân ta đào địa đạo Củ Chi, địa đạo Vĩnh mốc chỉ bằng sức người cộng với cuốc xẻng thế mà đào được hàng chục cây số hầm to, hầm nhỏ phục vụ chiến đấu và đời sống của nhân dân ta trong cuộc chống Mỹ cứu nước.
Trong những năm 50, 70 của thế kỷ trước, chúng ta đã khôi phục đường sắt từ ga Nam Định đến ga Thanh Hóa, phía Bắc cầu Hàm Rồng, làm mới đường sắt Đông Anh Thái Nguyên và khôi phục đường sắt thống nhất.
Ngày nay lực lượng thi công cầu, đường của ta đã tiếp thu và làm chủ nền công nghiệp tiên tiến. Chúng ta đã không còn cảnh khi thi công cầu Thăng Long những năm 70 của thế kỷ trước, chuyên gia phải chỉ vẽ cho ta từng tý một. Vì thế, các loại hầm cầu hiện đại đã ra đời và xây dựng trên khắp cả nước. Đặc biệt, việc khai thác than ở Quảng Ninh, việc thi công các đường hầm mới có nhiều việc tương đồng với thi công đường ngầm.
Do vậy, tôi tin tưởng chúng ta làm được Metro!
Là người đã sống và làm việc trên các công trường cầu đường, tôi rất thấu hiểu nỗi vướng mắc mặt bằng thi công, từ việc vướng này dẫn tới chậm tiến độ và ta phải đền bù kinh phí cho máy móc của các nhà thầu... Đây là một trong những nguyên nhân làm các dự án bị đội vốn.
Chủ trương xây dựng đường sắt đô thị ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh rất đúng đắn nhưng hình như có những vấn đề chưa hợp lý và chưa lường hết được trong quá trình thi công đường sắt đô thị nói chung và thi công Metro nói riêng nên tổ chức quản lý hiện nay chưa phù hợp.
Do vậy, tôi xin kiến nghị mấy điểm như sau:
Thứ nhất, cần nghiên cứu lại vấn đề tổ chức quản lý dự án đường sắt đô thi hiện nay đã hợp lý chưa và nó có đủ sức giải quyết mọi vấn đề hay chưa.
Thi công đường sắt đô thi nói chung và thi công Metro nói riêng đòi hỏi phải cụ thể, tỷ mỷ và là kỹ thuật chuyên ngành.
Thứ hai, cần xem xét thành lập và đầu tư cho đơn vị thi công đường sắt đô thị nói chung và Metro nói riêng để quan hệ và giao dịch, quản lý thi công, quản lý máy móc thiết bị.
Thiết bị thi công Metro rất đắt tiền nhưng nếu thiết bị đó là của ta thì việc khấu hao thiết bị chờ đợi chắc chắn không như của nhà thầu và khi thi công đường sắt tốc độ cao Bắc Nam sẽ phải thi công nhiều hầm trên toàn tuyến.
Nếu ký hợp đồng với nhà thầu nước ngoài thì vẫn tốt hơn là kí với các Ban quản lý dự án.
Thứ ba, cần đúc kết và rút kinh nghiệm việc thực hiện hai dự án đã qua từ đó bổ cứu cho quản lý sắp tới!
Tôi mạnh dạn trình bầy những suy nghĩ trên góp thêm với Kỹ sư Trần Văn Tường và khẳng định ta làm được Metro!. Nếu không bắt tay xây dựng ngay từ hôm nay, chúng ta sẽ để lại di sản gì cho con cháu ngoài những tuyến Metro được xây bằng tiền vay nước ngoài?!
Đỗ Hữu Diên