Báo cáo về Hiện trạng phát triển bưu chính toàn cầu năm 2022 đã được công bố tại Đại hội bất thường của UPU lần thứ 4 năm 2023 tại Ả-rập Xê-út trong tháng 10/2023.

Năm nay là năm thứ hai UPU thực hiện cách đánh giá, xếp hạng Chỉ số tích hợp phát triển bưu chính -2IPD theo phương pháp mới, thực hiện chấm điểm và xếp hạng bưu chính các nước theo nhóm với 10 cấp độ từ 1 đến 10, thay vì phương pháp xếp thứ tự từ 1 đến 174 cho các nước thành viên UPU của giai đoạn 2018 - 2021.

Trong báo cáo mới của UPU, chỉ số 2IPD của Việt Nam năm 2022 tăng 4,5 điểm so với năm 2021, đạt tổng điểm 51. Trong đó, các điểm thành phần của cả 4 tiêu chí đánh giá là độ tin cậy, độ phủ, tính phù hợp và khả năng phục hồi đều tăng.

Đáng chú ý, điểm số về độ tin cậy tăng mạnh nhất, từ 79,6 điểm lên 90 điểm. Điều này cho thấy sự đa dạng trong cung cấp dịch vụ, chất lượng dịch vụ cũng như tốc độ giao hàng của bưu chính Việt Nam đã được nâng cao đáng kể.

phat trien buu chinh 0 1.jpg
Bảng cấp độ phát triển bưu chính toàn cầu chia theo khu vực mới được công bố (Nguồn: UPU)

Với kết quả trên, Việt Nam được UPU xếp trong nhóm các nước đạt cấp độ 6 về chỉ số phát triển bưu chính 2IPD. Đây là cấp độ mà các doanh nghiệp bưu chính được chỉ định đã có những bước phát triển nhanh chóng thông qua các hoạt động tích cực để cải thiện và đảm bảo hiệu suất, tốc độ tăng trưởng ổn định; đồng thời đã và đang đóng góp tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế quốc gia.

Trước đó, trong năm 2021, Việt Nam được xếp ở cấp độ 5, nhóm các nước có doanh nghiệp bưu chính được chỉ định đã đáp ứng được các yêu cầu cốt lõi để phát triển, tạo tiền đề cho sự bền vững trong tương lai và kỳ vọng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.

Là doanh nghiệp bưu chính được chỉ định, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam – Vietnam Post còn là thành viên tích cực trong các hội đồng, hiệp hội tại UPU. Doanh nghiệp bưu chính này đóng vai trò chủ lực trong việc triển khai các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số 2IPD, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế cũng như nâng cao thứ hạng của bưu chính Việt Nam trên trường quốc tế.

Thời gian qua, những nỗ lực đáng kể từ hoạt động kiện toàn tổ chức sản xuất, thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đáp ứng nhu cầu của khách hàng và thị trường đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao thứ hạng bưu chính của Việt Nam. 

W-phat-trien-buu-chinh-2-1-1.jpg
Theo kết quả đánh giá mới của UPU, Việt Nam đứng thứ 7/30 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương về chỉ số tích hợp phát triển bưu chính 2IPD. (Ảnh minh họa: Q.Bảo)

2IPD là chỉ số tích hợp phát triển bưu chính do Liên minh Bưu chính thế giới - UPU đưa ra nhằm đánh giá hiệu quả, năng lực hoạt động bưu chính của các quốc gia.

Chỉ số 2IDP cung cấp một cái nhìn tổng quan về sự phát triển bưu chính trên toàn cầu và là thước đo mang đậm giá trị nghiên cứu về sự đóng góp của ngành bưu chính vào bức tranh tăng trưởng kinh tế toàn cầu nói chung. Chỉ số này cũng phát huy những hiệu quả đáng kể trong việc đánh giá dịch vụ bưu chính đã hỗ trợ khả năng phục hồi kinh tế của các nước sau giai đoạn ảnh hưởng dịch Covid-19.

Từ việc tích hợp kho dữ liệu bưu chính, số liệu thống kê và các cuộc khảo sát hằng năm của UPU với các quốc gia thành viên, UPU xây dựng một hệ thống đánh giá, phân loại gồm 10 cấp độ phát triển bưu chính. Sự phong phú của quá trình hợp nhất dữ liệu làm cho 2IPD trở thành phép đo toàn diện nhất đối với các dịch vụ bưu chính trên quy mô toàn cầu.

Chỉ số này cung cấp điểm hiệu suất chuẩn (từ cấp độ 1 đến cấp độ 10) theo 4 khía cạnh của sự phát triển bưu chính: độ tin cậy, khả năng tiếp cận, tính phù hợp và khả năng phục hồi. Mỗi khía cạnh này đều có khả năng quan trọng trong việc củng cố nền kinh tế của mỗi quốc gia, tạo ra một khuôn khổ toàn diện và đa sắc thái hơn để đánh giá sự đóng góp của dịch vụ bưu chính vào tăng trưởng kinh tế.

Khi nâng cao điểm số của tiêu chí độ tin cậy, ngành bưu chính sẽ góp phần vào cải thiện hiệu quả hoạt động logistics; Nâng cao điểm số về khả năng tiếp cận thông qua phát triển mạng lưới đối tác quốc tế góp phần thúc đẩy các hoạt động thương mại điện tử và thương mại số; nâng cao điểm số tiêu chí tính phù hợp về khả năng cạnh tranh nhanh và mạnh trong lĩnh vực bưu chính sẽ đẩy mạnh hoạt động mua bán hàng thương mại điện tử; nâng cao tiêu chí khả năng phục hồi thể hiện qua việc duy trì, cung ứng ổn định dịch vụ và thích ứng linh hoạt với các “cú sốc” ngoại cảnh là tiền đề để phát triển bưu chính bền vững trong tương lai.

Ngoài việc tiết lộ hiệu suất tương đối của các nhà khai thác bưu chính trên toàn thế giới, 2IPD làm sáng tỏ cách thúc đẩy sự phát triển bưu chính và tối đa hóa hiệu quả của cơ sở hạ tầng bưu chính. Điều này làm cho 2IPD trở thành một công cụ duy nhất cho các nhà hoạch định chính sách, cơ quan quản lý, các nhà khai thác bưu chính và các bên liên quan mong muốn hiểu vai trò của các dịch vụ bưu chính trong kỷ nguyên thương mại điện tử.

Chiến lược phát triển bưu chính đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 đã xác định tầm nhìn đến năm 2030 bưu chính trở thành hạ tầng thiết yếu của quốc gia và của nền kinh tế số, đặc biệt là của thương mại điện tử; mở rộng hệ sinh thái dịch vụ, mở rộng không gian hoạt động mới; thúc đẩy phát triển chính phủ số, xã hội số. Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu về bưu chính theo đánh giá của UPU.