2IPD là chỉ số tích hợp phát triển bưu chính do UPU đưa ra để đánh giá hiệu quả, năng lực hoạt động bưu chính của các quốc gia. Chỉ số này cũng cung cấp một cái nhìn tổng quan về sự phát triển bưu chính trên toàn cầu.
Ngoài việc đánh giá hiệu suất tương đối của các nhà khai thác bưu chính trên toàn thế giới, 2IPD còn làm sáng tỏ cách thúc đẩy sự phát triển bưu chính và tối đa hóa hiệu quả của cơ sở hạ tầng bưu chính.
Theo đánh giá của UPU, năm 2022 điểm 2IPD của Việt Nam đạt 46,5 điểm, nằm trong nhóm cấp độ 5 và thuộc top các nước có hoạt động bưu chính phát triển tốt. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam duy trì vị trí thứ 4 trong 5 năm liên tiếp, từ năm 2018 đến năm 2022, xếp sau Singapore, Thái Lan và Malaysia.
Trong chương trình làm việc kéo dài 2 ngày 20, 21/4 tại Hà Nội của lãnh đạo Vụ Bưu chính (Bộ TT&TT) và Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam - Vietnam Post với chuyên gia tư vấn của UPU về nâng cao chỉ số 2IPD, Tổng giám đốc Vietnam Post Chu Quang Hào cho biết, từ tháng 5/2022, Việt Nam đã có Chiến lược phát triển bưu chính đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.
Chiến lược phát triển bưu chính đặt mục tiêu đưa Việt Nam xếp hạng thứ 40 về chỉ số tích hợp phát triển bưu chính của UPU, tương đương với cấp độ 6 theo phương pháp đánh giá 2IPD mới.
Là thành viên tích cực trong các Hội đồng, Hiệp hội tại UPU, Vietnam Post giữ vai trò chủ lực trong việc triển khai các giải pháp để cải thiện, nâng cao chỉ số 2IPD, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế cũng như nâng cao thứ hạng của bưu chính Việt Nam trên trường quốc tế.
Trên cơ sở phân tích các điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức của Vietnam Post nói riêng và ngành bưu chính Việt Nam nói chung, chuyên gia tư vấn của UPU, ông Jose Anson cho rằng, Việt Nam có nhiều tiềm năng để đạt thứ hạng cao hơn cấp độ 5 hiện tại, cụ thể là đạt cấp độ 6 và thậm chí là cấp độ 7 vào năm 2025.
Theo ông Jose Anson, để làm được điều này, cơ quan quản lý nhà nước là Bộ TT&TT và Vietnam Post với vai trò doanh nghiệp bưu chính được chỉ định cần tập trung triển khai có hiệu quả các giải pháp phát triển hạ tầng, chuẩn hóa dữ liệu, nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng cường quan hệ hợp tác, phát triển bưu chính xanh. Đồng thời, cải thiện điểm của 4 tiêu chí đánh giá chỉ số 2IPD về độ tin cậy, khả năng tiếp cận, tính phù hợp và khả năng phục hồi.
Ông Jose Anson cũng nhấn mạnh vào mối liên quan và tương hỗ chặt chẽ giữa chỉ số 2IPD với sự phát triển kinh tế xã hội, đóng góp vào tăng trưởng GDP quốc gia. Cụ thể, khi nâng cao điểm số của tiêu chí độ tin cậy, ngành bưu chính sẽ góp phần vào cải thiện hiệu quả hoạt động logistics.
Nâng cao điểm số khả năng tiếp cận thông qua phát triển mạng lưới đối tác quốc tế sẽ góp phần thúc đẩy các hoạt động thương mại điện tử và thương mại số. Tiêu chí về tính phù hợp được nâng cao sẽ giúp tăng khả năng cạnh tranh nhanh trong lĩnh vực bưu chính, đẩy mạnh hoạt động mua bán hàng thương mại điện tử.
Còn việc nâng cao tiêu chí về khả năng phục hồi thể hiện qua việc duy trì, cung ứng ổn định dịch vụ và thích ứng linh hoạt với các tác động của ngoại cảnh, là tiền đề để phát triển bưu chính bền vững trong tương lai.
“Với tốc độ phát triển như hiện nay kết hợp với các giải pháp đã thảo luận, ngành bưu chính Việt Nam hoàn toàn có thể đặt mục tiêu xa hơn là tiến lên nhóm 7 và hướng đến phát triển bền vững. Điều quan trọng là cần phát triển lĩnh vực bưu chính để đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, nhất là trong bối cảnh thương mại điện tử đang bùng nổ”, ông Jose Anson chia sẻ.
Với lĩnh vực bưu chính, Bộ TT&TT đã xác định định hướng chuyển đổi từ chuyển phát thành hạ tầng thương mại điện tử và logistic. Với sự chuyển đổi này, ngành bưu chính mang sứ mệnh mới là “Đảm bảo dòng chảy vật chất làm nền tảng cho phát triển kinh tế số”. Theo thống kê, 5 năm qua, tốc độ tăng trưởng của ngành bưu chính Việt Nam là 25%/năm. Việc duy trì tốc độ tăng trưởng này cũng là một mục tiêu của ngành trong 5 năm tới. Doanh thu lĩnh vực bưu chính năm 2022 đạt 2,2 tỷ USD và dự kiến sẽ đạt 4 tỷ USD vào năm 2025. |