Các nghiên cứu của y học hiện đại chỉ ra, xạ đen có nhiều thành phần tốt như flavonoid, quinon, saponin triterpenoid, maytenfolone A có công dụng khống chế các tế bào ung thư một cách hiệu quả. Ngoài ra còn có các hoạt chất như tanin, polyphenol, axit amin, triterpenoid, cyanoglycosid…
Theo bác sĩ Hoàng Sầm, Viện Y học Bản địa Việt Nam, xạ đen là cây thuốc quý, trước đây mọc dại. Sau này, cây xạ đen được người dân trồng nhiều ở vườn để uống thay trà. Tại một số vùng, người dân trồng xạ đen lấy lá, thân bán làm thuốc nam. Lá xạ đen thu hoạch tốt nhất từ tháng 10.
Xạ đen được biết đến với tác dụng chữa bệnh về gan. Tại Hòa Bình, người dân tộc Mường từ lâu đã nấu nước xạ đen cho người có biểu hiện da vàng, chướng bụng uống.
Sau này, xạ đen còn được dùng làm thuốc chữa dị ứng, trị mụn nhọt, cầm máu vết thương, giảm mỡ máu, tăng huyết áp, chữa các trường hợp gầy mòn, rối loạn tiêu hóa, giúp ăn ngon, mát huyết, thông kinh lợi niệu. Chữa kinh không đều, bế kinh, trị mất ngủ, vàng da, chữa chứng vô sinh.
Y học hiện đại công nhận xạ đen chứa các hợp chất có tác dụng hỗ trợ điều trị ung thư. Bệnh nhân sử dụng cây xạ đen sẽ giúp cơ thể nâng cao sức đề kháng, chống lại các bệnh phát sinh khi điều trị ung thư.
Xạ đen lành tính, ít tác dụng phụ nên đối tượng sử dụng rộng bao gồm cả người mắc ung thư kể cả giai đoạn cuối, tăng huyết áp, men gan tăng, viêm gan B, các u lành tính như u xơ tử cung, u xơ tuyến vú.
Người dân có thể nấu lá xạ đen còn tươi lấy nước uống hoặc phơi khô pha như trà.
Do xạ đen có tác dụng hạ huyết áp nên người có huyết áp thấp không nên dùng. Lá xạ đen có tính thải độc tố nên thận sẽ phải hoạt động nhiều nên người yếu thận, suy thận hạn chế sử dụng loại thảo dược này. Ngoài ra, phụ nữ mang thai và trẻ em dưới 5 tuổi cũng nên tránh.