Phát triển xe điện là xu hướng tất yếu trên toàn thế giới, bao gồm Việt Nam. Theo lộ trình được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 876/QĐ-TTg, đến năm 2050, 100% phương tiện giao thông như ô tô, xe máy,... sẽ phải chuyển sang sử dụng điện, năng lượng xanh.
Trước đó, từ năm 2040, toàn bộ phương tiện sử dụng động cơ đốt trong sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu đã phải dừng bán. Lộ trình trên được Chính phủ đưa ra phù hợp với cam kết của Việt Nam tại Hội nghị Thượng đỉnh COP 26 diễn ra vào cuối năm 2021.
Điều này đã, đang và sẽ tác động không nhỏ đến ngành công nghiệp sản xuất ô tô trong nước cũng như hầu hết các lĩnh vực khác, bao gồm cả ngành điện.
Cần sớm có quy hoạch điện cả cho xe điện
Trong buổi Hội thảo "Xe điện" do trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia đã có những góc nhìn hữu ích về bảo đảm nguồn năng lượng điện cho phương tiện khi chúng ta dần thay thế xe sử dụng xăng dầu bằng xe điện. Trong đó, việc lựa chọn nguồn điện cho xe điện để thực sự "xanh" là vấn đề cần phải được tính toán.
GS.TS Lê Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội cho rằng, nguồn năng lượng điện tại Việt Nam hiện vẫn phụ thuộc khá nhiều vào nhiệt điện, tạo ra nhiều khí carbon, nguồn điện này cần hạn chế. Còn nếu tăng cường thủy điện, chúng ta lại phải tạo hồ lớn, phá rừng, dẫn tới việc hấp thụ CO2 giảm, khó có thể thực hiện được mục tiêu "net zero" như cam kết.
"Trong thời gian tới, cần khuyến khích sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo để sản xuất điện năng như điện gió, điện mặt trời. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể bàn bạc cẩn trọng về tính khả thi của điện hạt nhân, không chỉ vì quá quan tâm đến những sự cố của nó để chùn bước", GS.TS Lê Anh Tuấn phân tích.
Đồng tình với ý kiến của GS.TS Lê Anh Tuấn, GS.TS Bùi Văn Ga - Nguyên Thứ trưởng Bộ GT&ĐT, đồng thời là chuyên gia nghiên cứu về ô tô và xe máy sử dụng nhiên liệu xanh cho rằng, lựa chọn nguồn điện để sử dụng cho xe điện cũng cần tính toán bởi xe điện là xe sạch, thân thiện với môi trường thì bản thân nguồn điện cấp cũng phải sạch.
"Nếu chúng ta dùng điện sản xuất từ than thì việc chuyển sang xe điện không có ý nghĩa gì vì tại nơi sử dụng không phát thải nhưng tại nơi sản xuất thì vẫn gây ô nhiễm, vẫn thải ra CO2. Còn nếu chính sách quy hoạch điện của chúng ta chuyển dịch sang sử dụng năng lượng tái tạo điện gió, điện mặt trời,... thì được, vì có sử dụng điện "sạch" thì xe điện mới có hiệu quả về môi trường", GS.TS Bùi Văn Ga chia sẻ với VietNamNet.
Vị chuyên gia này cho rằng, Chính phủ và Bộ Công Thương cần sớm có chính sách quy hoạch điện quốc gia (Quy hoạch điện VIII của Chính phủ). Quy hoạch sẽ như "một kim chỉ nam" không chỉ cho ngành điện mà cả cho sự phát triển của xe điện, sau này sử dụng điện đó là điện từ đâu, điện từ năng lượng tái tạo hay điện từ năng lượng hoá thạch,...
"Trong khoảng 20 năm nữa, khi phần lớn phương tiện giao thông sẽ sử dụng điện thì công suất điện tăng lên rất cao, ít nhất gấp 2-3 lần so với hiện nay. Khi đó, liệu chúng ta có đủ năng lượng điện để cung cấp hay không?", GS.TS Bùi Văn Ga đặt vấn đề.
Cần những bước đi căn cơ, bài bản đến năm 2050
Hiện nay, tại thị trường Việt Nam bắt đầu xuất hiện ngày càng nhiều mẫu xe điện. Ngoài các dòng ô tô thuần điện như của VinFast, xe hybrid, plug-in hybrid cũng đang được nhiều nhà sản xuất như Toyota, Nissan, KIA, Hyundai, Suzuki, Mercedes-Benz,... đưa về Việt Nam.
Ưu điểm của dòng xe hybrid này nằm ở việc tiết kiệm nhiên liệu, đạt tiêu chuẩn khí thải nhưng không làm thay đổi quá nhiều thói quen của người dùng.
Về lộ trình thực hiện "phủ xanh" phương tiện giao thông từ nay đến 2050, GS.TS Bùi Văn Ga cho rằng, chúng ra cần rất nhiều chính sách trong từng giai đoạn cụ thể. Trong đó, từ nay đến 2030 cần đạt được ít nhất 50% lượng xe ô tô của Viêt Nam chuyển sang xe điện, trong đó xe hybrid là một bước chuyển phù hợp nhất.
"Theo tôi, chúng ta cần đi từng bước, đừng quá lạc quan là chúng ta chuyển thẳng từ ô tô xăng dầu sang điện được, bởi chúng ta có những bất cập về cơ chế chính sách cũng như hạ tầng mà chưa thể giải quyết được ngay. Tiền chúng ta có thể có để mua được ô tô điện ấy nhưng sử dụng nó mà không có điện hoặc sạc điện khó khăn thì chúng ta sử dụng kiểu gì?
Cho nên, bước trung gian mà các nước đang làm là sử dụng xe hybrid, kết hợp giữa xe điện và xăng, đặc biệt là loại cắm sạc ngoài (PHEV). Xe sẽ ưu tiên chạy điện trước, khi không đủ điện vẫn chạy xăng bình thường. Cho đến năm 2040, khi hạ tầng điện phát triển đầy đủ rồi thì khi đó chúng ta chuyển hoàn toàn sang xe điện và tiến tới là sử dụng năng lượng hydrogen sẽ phù hợp", GS.TS Bùi Văn Ga chia sẻ với VietNamNet.
Tại Hội thảo về xe điện do USTH tổ chức, một trong những vấn đề mà nhiều người quan tâm chính là xử lý thế nào với hàng triệu phương tiện sử dụng động cơ đốt trong trong giai đoạn từ 2040-sau 2050 khi loại xe này bị "khai tử".
PGS.TS Phạm Xuân Mai cho rằng, trên thế giới đã bắt đầu nghiên cứu và thực hiện chuyển đổi xe sử dụng động cơ đốt trong sang xe điện để tránh lãng phí khi phải vứt bỏ xe cũ và và tiết kiệm chi phí mua xe mới. Đây là dư địa lớn để các nhà hãng xe, thậm chí các trường đại học cần chú trọng nghiên cứu, phát triển trong thời gian tới.
Về bản chất, xe điện và xe xăng chỉ khác nhau về động cơ và hệ thống pin, còn khung gầm, hệ thống truyền động, các chức năng tương tự nhau.
"Ở Châu Âu hay Mỹ, nếu chuyển từ xe chạy xăng sang xe điện mất khoảng 5.000-6000 USD, rẻ hơn nhiều so với mua xe mới và trong thời gian tới, khi giá pin ngày càng rẻ hơn thì số tiền này cũng được giảm xuống. Nếu có các tiêu chuẩn, quy chuẩn cụ thể, Việt Nam cũng hoàn toàn có thể thực hiện được giống như thế giới. Do vậy, các hãng xe, thậm chí các gara cũng hoàn toàn có thể nghiên cứu thực hiện được", PGS.TS Phạm Xuân Mai gợi ý.
Hoàng Hiệp
Bạn có góc nhìn nào về vấn đề trên? Hãy chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!