Bà Trương (Trung Quốc) và chồng kết hôn qua mai mối. Thời của bà, con cái thường chỉ nghe theo lời bố mẹ và chấp nhận kết hôn dù chưa biết mặt người bạn đời của mình. Cuộc hôn nhân của bà là một cuộc hôn nhân không bắt đầu từ tình cảm nam nữ, trang Sohu đăng tải.
Trong lòng rất buồn, có lúc bà muốn làm mọi cách để phá hủy cuộc hôn nhân ấy. Nhưng nghĩ đến cha mẹ già, bà lại không đành lòng. Bà Trương quyết định chấp nhận số phận, trùm lên đầu chiếc khăn màu đỏ về nhà chồng.
Sau nhiều năm kết hôn, bà sinh được 5 người con, 4 trai, 1 gái. Mặc dù vợ chồng bà kết hôn không xuất phát từ tình yêu nhưng chồng lại đối xử rất tốt với bà. Bà chưa từng bị mắng mỏ, đánh đập trong suốt từng ấy năm chung sống. Mỗi lần đi làm rẫy về, chồng đều nấu bánh bao, chăm sóc bà chu đáo, trân trọng và yêu thương bà. Nhưng thời gian tốt đẹp không kéo dài mãi vì chồng bà Trương mắc bệnh hiểm nghèo và qua đời.
Khi đó, các con trai của bà đều đã lập gia đình, chỉ còn lại cô con gái út. Bà chưa bao giờ có tư tưởng "trọng nam khinh nữ". Ngược lại bà coi cô con gái nhỏ như báu vật, nâng niu và chăm sóc. Các con trai đều sinh con, các cháu cũng trưởng thành nhưng cô con gái út của bà Trương vẫn chưa lập gia đình. Vì vậy bà hết sức sốt ruột, đành nhờ người làm mai cho con.
Bà mối tìm được một người đàn ông hơn con gái bà Trương 4 tuổi, gia đình khá giả. Biết chuyện bà Trương hết sức vui mừng. Con gái cũng biết ơn mẹ đã lo lắng cho mình, giúp mình có một cuộc hôn nhân tốt như vậy.
Nhưng sau 3 năm chung sống, một ngày, con gái quay trở về nhà khóc lóc với mẹ: "Đã gần 3 năm kết hôn nhưng con không thể có bầu. Con đến viện kiểm tra thì phát hiện Vương Huy (tên chồng của cô) vô sinh". Cô con gái rơi nước mắt vì đau đớn còn bà Trương chỉ biết im lặng.
Con gái út nói sẽ ly hôn với chồng nhưng bà Trương ngăn cản và thuyết phục: "Con lấy chồng lâu như vậy rồi, hãy bằng lòng và sống cuộc sống của mình thật tốt. Dù sao con lấy người ta cũng có cuộc sống sung túc, không phải làm ruộng như mẹ. Hơn nữa, mẹ đã già rồi. Nếu con bỏ chồng, mẹ sợ mình cũng không còn khả năng chăm sóc con".
Bà Trương muốn nhắc nhở con gái đừng quá kén chọn, quan trọng nhất là người chồng ấy đối xử tốt với mình, yêu thương mình. Còn chuyện con cái nên từ từ tính. Rõ ràng bà Trương đang lo lắng cho tương lai của con gái nhưng cô lại cho rằng mẹ làm tổn thương mình, không thực sự quan tâm lo lắng cho mình.
Một ngày, bà Trương nhận tin dữ. Con trai và con dâu thứ tư của bà qua đời trong một vụ tai nạn để lại cậu con trai mới lớn. Vì vậy bà đã đón cháu về nhà, giao cho con gái chăm sóc, dạy dỗ.
Tưởng mọi chuyện như vậy là ổn nhưng cô con gái vẫn luôn giận mẹ.
Nhiều tháng trôi qua, vào một đêm mưa, nhà của bà Trương bị tốc mái, nước mưa gây ướt sũng nhà. Cả đêm bà không thể ngủ nên sáng sớm đã gọi điện cho các con.
Hai con trai đầu đều đã ngoài 60 tuổi. Vì sức khỏe của họ không tốt nên từ chối đón mẹ đến ở cùng. Bà gọi con trai thứ ba nhưng anh không nhấc máy. Lúc này bà chỉ biết trông cậy vào con rể, nhờ con đến sửa cửa kính, mái nhà giúp mình. Bà liền cầm máy lên và gọi cho con rể Vương Huy.
Bà nói với con rể rằng mình muốn sang ở nhờ nhà các con vài ngày, đợi sửa xong nhà bà sẽ quay về. Nhưng cô con gái út lại giật lấy điện thoại của chồng và nói: "Mẹ ơi, bọn con cũng già rồi. Hơn nữa, chồng con chỉ là con rể, con cũng đang phải nuôi dạy cháu. Chúng con không có thời gian chăm sóc cho mẹ được ạ".
Nghe vậy, bà Trương rất đau lòng. Cháu trai của bà đâu cần phải chăm sóc nữa vì đã có thể tự kiếm ra tiền rồi.
Khi đoàn kiểm tra thôn đến, bà Trương đành phải phàn nàn với họ về tình trạng của bản thân. Tổ hòa giải thôn gọi các con của bà Trương đến nhà để thương lượng.
Họ yêu cầu các con thay phiên nhau chăm sóc mẹ. Người con trai cả nhanh chóng thoái thác và nói con trai thứ chịu trách nhiệm chăm sóc mẹ. Vì khi còn nhỏ, cậu con trai thứ này được mẹ chăm sóc nhiều hơn, tiêu tốn tiền và thức ăn của mẹ hơn các anh chị em trong nhà. Đứa con thứ hai nghe vậy thì rất lo lắng, lập tức rút bộ răng giả của mình ra và nhìn chằm chằm vào người anh cả. Hai người cãi nhau, không ai chịu đón mẹ về.
Bà Trương nghe xong, đầu óc choáng váng, đau lòng vô cùng. Bà rơi nước mắt nói với tổ hòa giải: "Không sao đâu, tôi đã nghĩ ra cách rồi. Những người neo đơn trong làng này cũng làm cách tương tự nên tôi sẽ thử học họ xem sao. Tôi sẽ sống ở đây đến hết đời, đón nhận mọi chuyện nhẹ nhàng".
Tổ hòa giải nghe xong câu chuyện thì vô cùng bức xúc với những người con trai của bà Trương. Lúc này, con rể, con gái và cháu của bà vừa đến. "Trưởng thôn, ông không cần nói gì đâu, tôi sẽ đón mẹ vợ về nhà mình ở", con rể Vương Huy nói. Con gái vừa nghe vậy thì thúc cùi chỏ vào người chồng. Nhưng Vương Huy lại nhìn vợ chằm chằm khiến cô xấu hổ.
Vương Huy nói tiếp: "Tôi không thể sinh con nhưng thay vì xúi giục con gái ly hôn, mẹ vợ lại động viên cô ấy ở bên cạnh, yêu thương chăm sóc gia đình. Tôi vô cùng biết ơn mẹ vợ. Mẹ còn sắp xếp cháu trai đến nhà chúng tôi ở để vợ chồng tôi bớt cô đơn tuổi già. Mẹ là người vĩ đại".
Lúc này, cháu trai của bà Trương cũng nói với con gái của bà Trương: "Cô ơi, con luôn biết ơn vì cô coi con như con đẻ của mình. Nhưng nếu cô muốn con chu cấp cho cô khi về già thì xin cô hãy đối xử với bà của con như vậy. Bất cứ điều gì cô làm cho bà, con cũng sẽ làm tương tự như vậy với cô sau này".
Nghe lời nói của cháu, con gái bà Trương cuối cùng cũng hiểu ra mọi chuyện. Cha mẹ là tấm gương cho con cái nhìn vào. Nếu cha mẹ đối xử tệ bạc với ông bà, người lớn thì các con cũng sẽ không có lòng hiếu thảo.
Những người con trai của bà Trương cũng nhận ra bài học đắt giá từ câu nói của cháu trai. Vì sức khỏe, họ không thể chăm sóc được mẹ nhưng hứa hàng tháng sẽ chu cấp tiền sinh hoạt cho mẹ. Con rể và con gái đón bà Trương về nhà sinh sống. Khoảnh khắc cháu trai cõng người bà 89 tuổi trên lưng, đưa bà về nhà mình khiến nhiều người xúc động.
Cô con gái út và chồng nắm tay nhau đi phía sau, nhìn hình bóng mẹ và cháu phía trước, họ đã rơi nước mắt. Cuối cùng họ đã nhận ra một bài học giá trị từ lòng bao dung của bà Trương và câu nói của một đứa cháu.